Ứng dụng máy bay không người lái giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất.
Nhẹ công chăm sóc
Canh tác 1,7ha sầu riêng Ri6 và Monthong, trong đó có khoảng 200 gốc đã được hơn 3 năm tuổi nên việc chăm sóc vườn tược để cây xanh lá, thoát nước, phát triển tốt chuẩn bị xử lý ra hoa luôn được ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Tân Thành Trường Phát, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, quan tâm. Với vai trò của mình, việc làm sao vừa canh tác hiệu quả, vừa hỗ trợ bà con trong HTX luôn là vấn đề người nông dân này trăn trở.
“HTX chúng tôi có 21 thành viên với tổng diện tích khoảng 34ha. Hiện tại, vườn của 7 thành viên đã cho thu nhập, 14 thành viên còn lại năm tới bắt đầu cho trái. Thời điểm này, ở các vườn đã cho trái vụ trước được bà con giữ nước trong vườn, siết nước, bước qua tháng 11 dương lịch là bắt đầu xử lý cho cây ra hoa”, ông Nguyễn Văn Thái chia sẻ.
Trước đây, phun thuốc cho sầu riêng được bà con trong HTX của ông Thái thực hiện bằng thủ công. Cách làm này khiến thuốc dễ bị trôi, bám vào người phun, vừa lãng phí thuốc vừa gây hại cho sức khỏe và gây hại môi trường. “Dùng máy bay phun thuốc cho sầu riêng rất hiệu quả, nhất là xử lý cho lá không bị sâu rầy, còn xịt cho hoa thì mình phải dùng xịt thủ công, chứ máy bay phun thuốc không xịt được”, ông Thái cho hay.
Ông Bùi Văn Út, chuyên cung cấp dịch vụ phun thuốc bằng máy bay xã Tân Bình, cho hay: “Lúc đầu, bà con chưa biết hiệu quả của phun thuốc bằng máy nên chưa kêu, bây giờ người ta kêu nhiều lắm, khoảng 400-500 khách hàng. Công tầm nhỏ thì giá 18.000 đồng/công. Còn xịt vườn, cây ăn trái thì tính bình, vườn nào nhiều thì 80.000 đồng/bình, còn vườn lẻ thì 100.000 đồng/bình. Vườn cây ăn trái có thể xịt từ 50-70 công/buổi sáng”.
Còn với ông Trương Phú Quốc, Giám đốc HTX Thuận Tiến, ở xã Vĩnh Thuận Tây, với 20.000 đồng/công, 3 năm nay, HTX của ông đã thuê máy bay của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh và của hộ tư nhân để phun thuốc ruộng mình.
Ông Quốc chia sẻ: “HTX có tổng số 105ha đất trồng lúa. Việc sản xuất lúa từ truyền thống đã được chuyển đổi, áp dụng các kỹ thuật mới vào canh tác. Cấy lúa bằng máy có mật độ phù hợp, đúng quy chuẩn. Phun thuốc bằng máy xịt thuốc đều hơn, tới gốc, độ phun nhuyễn hơn, ít tốn thời gian như xịt tay. Chỉ cần liên hệ trước, đặt ngày, cài đặt định vị lần phun đầu tiên, các lần sau rất nhanh. 2-3 hộ có đất liền kề, khoảng 5-6ha, rủ nhau mướn, số lượng nhiều thì họ sẽ đến phun thuốc”.
Có thể thấy, cơ giới hóa nông nghiệp đang được nông dân trong tỉnh áp dụng mạnh mẽ. Tại Phụng Hiệp, ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: “Hiện nay, địa bàn huyện có 8 máy, trong đó có 4 máy do cấp trên cấp để phun xịt trên các loại cây ăn trái theo mô hình kỹ thuật cao. Lúc đầu thì mình tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân, cho các tổ hợp tác. Sau đó, mình chuyển giao công nghệ cho dân tự làm”.
Ước tính của bà con, nhờ ứng dụng máy bay phun thuốc, chi phí sản xuất có thể giảm đến 50%, vì vậy bên cạnh việc thuê dịch vụ thì nhiều HTX đã sắm luôn máy để phục vụ nhu cầu. Điển hình như HTX Gạo sạch Tân Long, huyện Vị Thủy, đã đầu tư 1 máy bay phun thuốc, mỗi lần bay, 10 lít nước pha thuốc bay cho 1ha, dự kiến năm nay HTX sẽ đầu tư, mua thêm 2 máy bay phun thuốc loại 20 lít.
Ứng dụng cơ giới hóa, hướng đi tất yếu
Các hộ làm dịch vụ phun thuốc bằng máy bay không người lái cho biết, thiết bị này vận hành rất đơn giản, thuốc được pha vào bình chứa, người phun sẽ điều khiển máy bay phun cho vườn. Máy bay phun thuốc giúp giảm lượng nước cần dùng để pha thuốc, đảm bảo nguyên tắc 4 đúng, giảm ô nhiễm môi trường. Chỉ tốn từ 10 đến 15 phút máy đã hoàn thành 1ha, mỗi ngày phun được từ 30-50ha, giải quyết tình trạng thiếu nhân công ở nhiều địa phương. Đặc biệt là ít ảnh hưởng tới sức khỏe người phun thuốc.
Thay đổi cách thức phun thuốc là một trong những ví dụ điển hình cho việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của nông dân nói chung và nông dân Hậu Giang nói riêng. Vấn đề cốt lõi là phải liên kết thành hình thức HTX, các tổ sản xuất để liên kết với thị trường cho đồng bộ.
Tuy nhiên, đầu tư chi phí cho cơ giới hóa thời gian đầu không phải là chuyện nhỏ, vì vậy phải đi từng bước từ dịch vụ tiến tới thúc đẩy mạnh sự tham gia của các doanh nghiệp vào trong quá trình chuyển đổi. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định: Cơ giới hóa đồng bộ không chỉ là máy móc mà cần được hiểu rộng hơn là toàn bộ quá trình ở các khâu từ sản xuất tới thu hoạch, sơ chế, chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường. Trong đó có sự tích hợp công nghệ thông minh, công nghệ số. Đây là một quá trình đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều thành phần.
“Vấn đề hiện nay là làm sao tăng cường cơ chế vận hành để tạo điều kiện cho người nông dân, có điều kiện được nâng cao, đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức về cơ giới hóa và họ biết sử dụng công nghệ và quy trình cơ giới hóa như thế nào để hiệu quả để tăng năng suất lao động và đảm bảo được chất lượng nông sản…”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Theo Báo Hậu Giang