Người chăn nuôi cảnh giác cao với dịch bệnh nguy hiểm trên trâu, bò.
Viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra trên trâu, bò. Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. Dịch bệnh xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất. Bệnh gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng và có thể chết, gây tổn thất về kinh tế do hạn chế vận chuyển và thương mại. Bệnh viêm da nổi cục chỉ xuất hiện trên trâu, bò và không lây sang người.
Do đây là căn bệnh mới xuất hiện nên nhiều hộ nuôi trâu, bò vẫn chưa nắm bắt đủ thông tin. Chị Trần Thị Thúy, ở ấp 3A, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, cho hay: “Gia đình biết được bệnh này qua ti vi, nhưng cũng chưa rõ biểu hiện bệnh và cách phòng. Chỉ biết bệnh đã xuất hiện ở nhiều tỉnh phía Bắc, còn khu vực trong Nam thì chưa nghe. Bây giờ tôi vẫn chăm sóc đàn gia súc bình thường, chỉ có điều là phun khử trùng nhiều hơn nhằm hạn chế ruồi, vật truyền bệnh”.
Từ khi có thông tin về bệnh viêm da nổi cục xuất hiện ở Việt Nam, anh Lê Văn Hạnh, ở ấp 3A, xã Vị Tân, cũng cảnh giác hơn. Hiện nay, đàn bò 9 con được bảo vệ kỹ hơn để tránh vật trung gian truyền bệnh. Anh Hạnh cũng dự trữ sẵn hóa chất phun khử trùng thường xuyên 1-2 lần mỗi tháng.
“Không riêng bệnh viêm da nổi cục, tôi nuôi bò sinh sản nhiều năm nên tuân thủ nghiêm khâu tiêm phòng, nhất là các bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng. Cứ 6 tháng là tiêm lại 1 lần, mỗi mũi tiêm chỉ tầm 50.000 đồng. Mong sớm được tiếp cận vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục để người chăn nuôi như tôi an tâm hơn”, anh Hạnh kỳ vọng.
Theo ông Trịnh Hùng Cường, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, thống kê của ngành nông nghiệp, tổng đàn trâu toàn tỉnh chỉ gần 1.500 con, tổng đàn bò trên 3.600 con. Tính đến nay, Hậu Giang chưa có trường hợp bệnh viêm da nổi cục xuất hiện.
Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tham mưu dự toán kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2021 trình đơn vị có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Sở Tài chính đã có công văn trình UBND tỉnh bổ sung kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2021 với tổng số tiền trên 6,1 tỉ đồng. Trong đây, bao gồm kinh phí mua vắc-xin tổ chức tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn của Cục Thú y. Số lượng ước tính khoảng 3.500 liều vắc-xin.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 10-2020. Đến ngày 25-5, dịch bệnh đã xảy ra tại 32 tỉnh, thành phố với hơn 60.000 con gia súc mắc bệnh, trên 9.500 con đã chết và tiêu hủy. Dịch bệnh xảy ra nặng nhất là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân do thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh. Một số địa phương chưa triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chưa thực hiện nghiêm việc công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Chưa có kế hoạch, bố trí kinh phí phòng, chống dịch, đặc biệt là kinh phí mua vắc-xin và tổ chức tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục.
Trong hội nghị trực tuyến với các địa phương mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá tiến độ tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục còn rất chậm, dự kiến thời gian tới Việt Nam tiếp tục nhập khẩu vắc-xin để đảm bảo tiêm phòng cho trên 80% tổng đàn gia súc của cả nước. Thứ trưởng cũng yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; trong trường hợp xảy ra dịch bệnh cần xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc môi trường. Tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò và các sản phẩm từ trâu, bò; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò qua biên giới không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, tăng cường thông tin tuyên truyền sâu rộng về đường lây truyền và các biện pháp phòng bệnh để người dân chủ động trong chăn nuôi.
Theo KỲ ANH (Báo Hậu Giang)