Hậu Giang: Chăm sóc tốt vụ lúa Đông xuân

20/02/2024 - 09:57

Sau những ngày vui xuân, đón tết xong, người dân xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, đã tập trung chăm sóc tốt cho cây lúa, để chuẩn bị thu hoạch trong những ngày tới với kỳ vọng sẽ được mùa, được giá.

Anh Nguyễn Văn Mến bón phân cho lúa Đông xuân.

Theo ông Lê Văn Dủ, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Bình, cho biết: Thời gian qua, xã luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện và sự giúp đỡ có hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể huyện. Cùng với sự đoàn kết và quyết tâm cao của tập thể Đảng bộ xã và sự đồng thuận của Nhân dân trên địa bàn nên các phong trào thi đua của địa phương nhất là tổ chức triển khai thực hiện các công trình theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” luôn được sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân.

Cho đến nay, hệ thống kênh thủy lợi nội đồng được khép kín, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu và chuyên chở hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, ý thức của người dân trong thực hiện chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp được tích cực thực hiện. Từ đó năng suất, sản lượng nông sản không ngừng tăng, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tăng lên đáng kể.

Vụ lúa Đông xuân năm 2023-2024, trên địa bàn xã Vị Bình xuống giống với diện tích 1.594ha. Trong đó, lúa RTV chiếm 20%, ST 24 chiếm 20%, Đài thơm 8 chiếm 40%, các loại giống khác chiếm 20%. Vụ lúa Đông xuân năm 2022-2023 vừa qua, người dân thu hoạch năng suất đạt 6,9 tấn/ha, với giá bán là 7.200 đồng/kg, giá này người dân trồng lúa có lãi.

 Hiện tại, vụ lúa Đông xuân năm 2023-2024 trên địa bàn xã đang phát triển tốt, ít sâu bệnh. Để giúp người dân trồng lúa sản xuất hiệu quả, xã Vị Bình đã chỉ đạo tổ kỹ thuật phối hợp với người dân thường xuyên thăm đồng, dự báo tình hình sinh vật gây hại và hướng dẫn biện pháp quản lý trên cây trồng. Trong đó đã tổ chức được 3 cuộc tập huấn nhanh và 26 cuộc tư vấn kỹ thuật cho 135 lượt nông dân tham dự, với các nội dung là quản lý sinh vật gây hại trên cây trồng, vật nuôi.

Trên địa bàn xã có Hợp tác xã Kiến Thành có diện tích lúa được công nhận đạt chuẩn VietGAP 150ha và Hợp tác xã Kiến Trung chuyên sản xuất lúa giống được 10ha, bình quân mỗi năm cung ứng lúa giống cho thị trường từ 120 tấn. So với sản xuất lúa hàng hóa thông thường, các mô hình này không chỉ cung ứng hàng hóa chất lượng, đảm bảo yêu cầu người tiêu dùng, của khách hàng mà còn giúp người trồng lúa có lợi nhuận cao hơn từ 300-500 đồng/kg lúa so với sản xuất lúa hàng hóa thông thường.

Anh Nguyễn Văn Mến, ở ấp 4, xã Vị Bình, cho biết: “Còn 20 ngày nữa tôi thu hoạch lúa. Để lúa đạt chất lượng, tôi luôn thực hiện đúng kỹ thuật trồng, chăm cho lúa tốt. Vụ Đông xuân năm rồi, trừ hết chi phí 1ha lợi nhuận được 50 triệu đồng. Vụ lúa năm nay tôi trồng loại giống RVT, hy vọng cũng được mùa, được giá cho người nông dân phấn khởi hơn”.

Ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Hợp tác xã Kiến An, ở ấp 4, xã Vị Bình, cho biết: Toàn hợp tác xã có 58,5ha trồng lúa chất lượng cao. Trong sản xuất, các thành viên của hợp tác xã đều quan tâm thực hiện đảm bảo kỹ thuật trồng an toàn, chất lượng, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Trong suốt vụ lúa, các thành viên luôn theo dõi tình hình phát triển, sâu hại trên cây lúa để có cách chăm sóc cho cây lúa tốt, đạt năng suất cao. Trước Tết Giáp Thìn, có thương lái đặt cọc với giá 11.000 đồng/kg, dù sau tết giá có giảm xuống, nhưng vụ lúa Đông xuân năm nay người trồng lúa vẫn mong lợi nhuận tốt.

Chú trọng sản xuất lúa có chất lượng, an toàn, bảo vệ sức khỏe là nhiệm vụ quan trọng mà xã Vị Bình luôn tuyên truyền, vận động người dân trồng lúa thực hiện. Ông Lê Văn Dủ, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Bình, cho biết: Trong thời gian tới, đối với Hợp tác xã Kiến Thành sẽ tiếp tục nhân rộng sản xuất lúa sạch, hữu cơ nâng lên 300ha. Mục tiêu phấn đấu của xã là đa dạng hóa nguồn thu nhập cho người dân, hỗ trợ giúp người dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giảm nghèo bền vững. Để thực hiện được mục tiêu trên, ngoài cây lúa, xã vận động người dân trồng và phát triển thêm các loại cây như mít Thái, sầu riêng, nhãn Ido. Vận động người dân cải tạo trên 2ha vườn tạp, chuyển sang trồng các loại cây trồng có hiệu quả và tận dụng mặt nước để nuôi cá. Quyết tâm của xã trong năm 2024 nâng thu nhập người dân đạt 59 triệu đồng/người/năm, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,2%.

Theo T.XOÀN (Báo Hậu Giang)