Máy bay phun thuốc đang được áp dụng rộng rãi trong các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
“Làm lúa bây giờ khỏe lắm !”
Trước kia, việc phun thuốc cho lúa của ông Nguyễn Thanh Vững, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Lập, ở xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ và các thành viên đều thực hiện thủ công. Chỉ đến khi máy bay phun thuốc không người lái (còn gọi là drone) dần phổ biến thì hợp tác xã mới bắt đầu ứng dụng cho mảnh ruộng nhà mình, dù chưa rộng rãi. Thế nhưng, từ vụ lúa tới, mọi chuyện sẽ khác.
Thực hiện mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP, các hợp tác xã trong tỉnh như hợp tác xã của ông Vững được ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ 50% vốn để mua máy bay phun thuốc, máy cấy… Nhờ vậy, việc sản xuất lúa nhẹ công, giải quyết được bài toán thiếu lao động nông thôn mà hiệu quả lại cao. “Làm lúa bây giờ khỏe lắm, phun, xịt, rải phân, thu hoạch đều bằng máy hết, nông dân chỉ cần cân lúa, tính tiền thôi, chứ không làm bằng tay nhiều. Nhân công bây giờ ít, khó kiếm. Bà con phun thuốc bằng máy nhiều. Phun bằng máy hiệu quả cao, ít nước, thuốc thấm sâu vào lá, đặc biệt rầy chết rất tốt. Chi phí phun thuốc bằng máy bay không người lái, dịch vụ 180.000 đồng/ha, còn trong hợp tác xã 160.000 đồng/ha”, ông Nguyễn Thanh Vững chia sẻ.
Đến nhận máy drone tại Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, anh Nguyễn Văn Thanh, thành viên Hợp tác xã Long Bình 1, thị xã Long Mỹ, phấn khởi cho biết: Nông dân trong HTX của anh trước đây phun xịt thủ công. Bây giờ có máy drone, phun thuốc tiện lợi, nhanh, hiệu quả cao. Theo anh Thanh, việc dùng máy bay phun thuốc hạn chế giẫm đạp lúa, giảm được độc hại cho người trực tiếp phun thuốc: “Trước khi mua máy, tôi đã được tham gia một khóa tập huấn về cách lập trình, cách điều khiển máy bay. Tôi và các nông dân khác thấy dễ tiếp thu, nắm được những bước cơ bản. Lượng thuốc, nước khi xịt bằng máy tiết kiệm hơn rất nhiều so với làm thủ công”.
Theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, khoảng 1 năm trở lại đây, nông dân trong tỉnh đã quen và sử dụng khá phổ biến máy bay phun thuốc. Tuy nhiên, giá máy khá cao, nên chỉ một số nông dân, hợp tác xã có khả năng đầu tư để làm dịch vụ. Mới đây nhất, trung tâm đã bàn giao 4 máy bay không người lái cho 3 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh bằng hình thức nhà nước hỗ trợ 50%, còn lại người dân đối ứng 50%. Đó là Hợp tác xã nông nghiệp Mùa Vàng, ở huyện Châu Thành A; Hợp tác xã Long Bình 1, ở thị xã Long Mỹ và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Lập ở huyện Long Mỹ. Điều này tiếp tục đặt nền móng cho việc thay đổi tư duy và cách làm nông nghiệp của nông dân tỉnh nhà.
Nhiều tiềm năng cơ giới hóa
Toàn tỉnh hiện có 77.000ha sản xuất lúa. Địa phương có khoảng 1.400 máy làm đất các loại và 350 máy gặt đập liên hợp, hơn 30 máy cấy… Với điều kiện trang thiết bị hiện có, cơ giới hóa trong nông nghiệp tại tỉnh hiện mới tập trung ở 2 khâu chính là làm đất và thu hoạch. Các chuyên gia nhận định, việc cơ giới hóa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện nay còn chưa đồng bộ, nguyên nhân một phần vì chi phí máy, phần khác vì nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên người dân chưa mặn mà đầu tư máy móc. Thế nhưng, với những lợi ích mà máy móc mang lại, nhiều hộ đã dần thay đổi suy nghĩ, các hợp tác xã đã cũng từng bước đầu tư máy riêng.
Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, cho biết: “Giá một bộ máy bay không người lái, loại lớn khoảng 700 triệu đồng/máy, bộ máy nhỏ 550 triệu đồng/máy. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp đang được nông dân trong tỉnh áp dụng rộng rãi”. Cũng theo ông Tân, hiện toàn tỉnh có trên 40 máy bay không người lái, trong đó Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang có 12 máy bay không người lái, gồm các máy do Hàn Quốc và Trung tâm khuyến nông quốc gia bàn giao, còn lại trên 30 máy của người dân.
Chia sẻ về vấn đề đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho hay: Nếu người dân tập hợp lại thì việc cơ giới hóa sẽ rất dễ. Tỉnh đang mơ ước hình thành trung tâm dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp. Trong đó, tất cả máy móc sẽ tập trung vào đây hoặc lựa chọn các hợp tác xã có khả năng để quản lý. Tỉnh bổ sung nguồn kinh phí cho đề án, khuyến khích các hợp tác xã đầu tư cơ giới hóa, tránh tình trạng “cò lúa”, hỗ trợ mua máy móc, thiết bị, xây kho, lò sấy. Năm 2020, tỉnh đã ban hành đề án phát triển nông nghiệp trong đó tập trung vào hợp tác xã. Tỉnh không tập trung phát triển số lượng mà chú trọng chất lượng hợp tác xã.
Theo Báo Hậu Giang