Hậu Giang: Khởi nghiệp từ ếch và dế

03/08/2023 - 14:30

Thay vì chỉ nuôi ếch và dế thương phẩm như nhiều nông dân khác, anh Phan Thanh Phong, ở huyện Châu Thành, đã mày mò, ứng dụng cách chế biến sâu để nâng cao giá trị vật nuôi. Cách làm mới giúp thanh niên trẻ sống khỏe với nghề nông.

Nuôi dế  giúp anh Phong đa dạng sản phẩm và nâng cao thu nhập.

Thành công bước đầu

Xuất thân trong gia đình con nhà nông, ngay từ nhỏ anh Phan Thanh Phong đã đam mê làm nông. Tuy vậy, để sớm đổi đời anh quyết định đi xuất khẩu lao động. Với nguồn vốn tích cóp được và kinh nghiệm tích lũy của bản thân, anh quyết định quay về quê nhà lập nghiệp.

Năm 2019, anh Phong bắt đầu đến với nghề nuôi dế và ếch. Từ chỗ tìm hiểu thông tin qua báo, đài rồi bắt tay khởi nghiệp với vỏn vẹn tổng cộng khoảng 6m2 cho cả nuôi ếch và dế. Vừa làm, vừa học hỏi, qua 4 năm trầy trật đủ thứ, đến nay anh Phong đã có cho mình cơ ngơi 4.000m2 nuôi 2 loài vật này.

Anh Phong bộc bạch: “Thất bại rất nhiều. Có thời điểm nguyên trại của tôi đều hư hết, lỗ vốn. Tôi phải trải qua nhiều kinh nghiệm rất là lâu, mới thành đạt được hơn 1 năm nay thôi. Lúc đó, chỉ có một mình làm thôi. Khi thành công và cũng là đoàn viên, tôi bắt đầu giới thiệu những thanh niên khác triển khai rồi liên kết với họ để có đủ nguyên liệu cho ra sản phẩm”.

Điểm đặc biệt ở mô hình của anh Phong là anh vừa bán dế và ếch kết hợp tạo ra nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Ở đây, những con dế được nuôi trong chuồng vừa dùng chế biến, vừa bán thương phẩm và tận dụng làm thức ăn cho ếch. Khu vực nuôi ếch ở ngay kế bên, phía dưới dế, vừa tận dụng diện tích vừa khoa học.

Lấy những đọt khoai mì đã chuẩn bị sẵn để thả vào chuồng cho dế ăn, anh Phong bộc bạch: “Dế chế biến thực phẩm thì phải nuôi theo công thức của mình nghiên cứu đặc biệt và mình quản lý được nguồn gốc. Dế nuôi ở đây gọi là dế trứng, bên ngoài không có. Mỗi trại có kỹ năng riêng, người ta nuôi kiểu khác mình. Mình chế biến sản phẩm thì phải nghiên cứu cách nuôi và dinh dưỡng riêng”.

Theo chia sẻ của anh Phong, từ ngày đầu thử nghiệm, anh bắt đầu đúc kết cho mình từ những điều nhỏ nhất của kỹ thuật nuôi từ thức ăn đến chế độ chăm sóc sao cho hiệu quả. Tận dụng nguồn dế sẵn có, anh Phong dùng để bổ sung dinh dưỡng cho những con ếch trong trại. Nguồn dinh dưỡng vừa tự nhiên, vừa giúp chất lượng của thịt ếch ngon hơn so với thức ăn công nghiệp.

“Thị trường bên ngoài người ta nuôi ếch khoảng 2 tháng là có thể xuất bán. Trại mình cũng có nuôi và thương lái rất hút loại này. Còn mình nuôi ếch để chế biến thì phải nuôi khoảng nửa năm trở lên, chất lượng thịt ngon hơn. Mình sẽ tự chế biến và cung cấp cho thị trường. Các khách hàng đã sử dụng đánh giá chất lượng rất tốt”, anh Phong nói thêm.

Mong muốn sản phẩm được nhiều người biết đến và tìm hướng đi mới cho mình, anh Phong mạnh dạn đăng ký tham gia vào cuộc khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang lần III năm 2023 và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Với anh Phong, đây là một niềm động viên lớn để anh vững tin trên con đường đã chọn.

Dự định tương lai

Ở trang trại của anh Phong hiện tại, có nhiều dòng sản phẩm được khách hàng ưa chuộng. Giới thiệu với phóng viên về những sản phẩm của mình, ánh mắt anh Phong toát lên niềm hạnh phúc, tự hào: “Ếch thì hiện tại tôi có nhiều loại. Ếch thương phẩm như là: ếch đông lạnh, ếch khô hoặc là ếch đã ướp sẵn. Dế thì tôi đang sản xuất dế trứng. Hiện tại, tôi làm dế đông lạnh, chế biến và ướp sẵn, làm rất nhiều món ăn như: chiên giòn, làm gỏi hay nhiều món khác”.

Chủ động nguồn nguyên liệu “của nhà” cộng với liên kết từ 2 hộ dân, dù với quy mô còn khiêm tốn hiện tại nhưng anh Phong khỏi lo về nguyên liệu. Tuy nhiên, với dự định của anh nông dân trẻ này, khi việc kinh doanh phát triển hơn, anh sẽ mở rộng quy mô và tăng cường số lượng hộ dân liên kết.

“Dế chế biến thì mình bán hộp, mỗi hộp 1kg là 200.000 đồng. Cứ 1kg dế tươi thì chế biến còn khoảng 700-800 gram thành phẩm. Riêng ếch thì có nhiều loại giá, chế biến đóng hộp thì 1kg khoảng 260.000 đồng. Ngoài ra, còn có ếch đông lạnh tươi. Sản phẩm này chỉ là sơ chế rồi đông lạnh thôi. Ếch sống thì hiện tại mình bán cho thương lái là chủ yếu”, anh Phong phấn khởi chia sẻ.

Được biết, hiện tại sản phẩm của anh Phong tiêu thụ qua những khách hàng quen rồi từ từ giới thiệu và khách sỉ. Dự định sắp tới của người thanh niên này là sẽ nghiên cứu và chế biến để tạo nên những sản phẩm chất lượng hơn, đăng ký bao bì và an toàn thực phẩm để đưa ra thị trường, vào các siêu thị, góp phần đa dạng sự lựa chọn cho người tiêu dùng, cũng như phát triển kinh tế gia đình.

Khởi nghiệp dù bất cứ lĩnh vực nào cũng chưa bao giờ là dễ dàng, với nông nghiệp thì càng khó khăn hơn vì đòi hỏi kinh nghiệm, vốn liếng và cả tình yêu với nghề nông. Câu chuyện của anh Phong là minh chứng cho sức trẻ, dám nghĩ, dám làm vừa phát triển kinh tế gia đình vừa tạo việc làm cho lao động địa phương. Và hơn hết, là góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo của thanh niên tỉnh nhà.

Theo MỘNG TOÀN (Báo Hậu Giang)