Hậu Giang: Làng nghề tất bật vào xuân

16/01/2024 - 09:36

Khi những cơn gió bấc mang theo cái se se lạnh pha một chút nắng ấm của mùa xuân tràn về, cũng là lúc những người thợ làm nghề tất bật, chạy đua với thời gian, để làm ra được nhiều sản phẩm có chất lượng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.

Bà Điệp cố gắng đan nhiều để có thêm khoản thu nhập đón tết.

Sẵn sàng mùa hoa tết

Mới sáng sớm, ông Trần Văn Sáu, ở khu vực Bình Hòa, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ đã chuẩn bị tưới nước cho 1.000 chậu vạn thọ, cúc lá nhám. Năm nay, ông Sáu không chỉ trồng hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, mà ông còn ươm hoa giống như vạn thọ Pháp, vạn thọ thường, mào gà... lên tới hàng chục nghìn cây.

Theo ông Sáu, hoa tết là vụ hoa quan trọng nhất, bởi đây là thời điểm thị trường tiêu thụ nhiều hoa nhất.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng hoa tết, ông Sáu như thấu hiểu đặc tính sinh trưởng của từng loài hoa, vì vậy, dù có cực nhọc, vất vả nhưng người nông dân 60 tuổi này vẫn gắn bó với nghề. Ông Sáu bộc bạch: “Hồi trước ông già trồng hoa bán tết, rồi anh em tôi lớn lên cũng theo nghề này. Lúc trước, mỗi lần xuân về tết đến tôi trồng khoảng 3.000 chậu hoa rồi chở bằng ghe sang chợ Vị Thủy bán, sau này đường sá thuận lợi hơn thì chở bằng xe. Khoảng 4, 5 năm nay, lớn tuổi rồi, tôi không làm nhiều, không bán ở chợ như trước, nhưng mỗi năm cũng làm cả nghìn chậu”.

Bận rộn là vậy, nhưng với người nông dân, niềm vui lớn nhất là tạo nên những sắc hoa tươi thắm để nhà nhà có hoa chưng tết, cúng ông bà trong những ngày xuân. Hơn nữa, nghề trồng hoa tết mang đến nguồn thu nhập khá, giúp nhiều gia đình có cái tết tươm tất hơn. Trung bình mỗi vụ hoa tết, nhà trồng ít thì lãi chục triệu đồng, nhà trồng nhiều lãi vài chục, có khi lên đến cả trăm triệu đồng.

Ngắm thành quả lao động, ông Sáu mỉm cười nói: “Hàng năm, bước vào tháng Chạp là có bà con đến mua hoa, ai nấy lựa cho mình những chậu ưng ý nhất. Mỗi chậu hoa được bán đi, người làm nghề chúng tôi thêm phấn khởi”.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang dần gõ cửa, người trồng hoa lại chờ đón một vụ mùa bội thu.

Rộn ràng, tất bật không khí lao động cuối năm

Hòa nhịp sản xuất cùng những người trồng hoa, những ngày cuối năm không khí lao động của bà con làm nghề đan đát lục bình cũng nhộn nhịp và khẩn trương không kém.

Là một trong những người gắn bó với nghề đan lục bình nhiều năm, chị Võ Thị Ngọc Trúc, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Tết sắp đến rồi, những người thợ đan đát chúng tôi phải tăng tốc hơn, để kịp giao hàng cho công ty. Sản phẩm làm ra đạt chất lượng, uy tín nên được khách hàng ưa chuộng. Nhờ nghề này, chị em phụ nữ nông thôn chúng tôi có thêm thu nhập để sắm sửa đồ đạc trong nhà. Ai nấy phấn khởi lắm”.

Từng được ví von là phận bèo dạt mây trôi theo dòng nước xuôi ngược, ấy vậy mà những năm trở lại đây, lục bình đã “lên ngôi” trở thành những sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Nhờ nghề này, nhiều người dân có của ăn, của để, thu nhập ổn định, đời sống đỡ chật vật và nuôi dạy các con ăn học thành tài.

Chị Trúc làm nghề đã nhiều năm, mẫu mã mới nào chị đều có thể làm theo và hướng dẫn lại cho những chị em ở xóm cùng đan. Không chỉ là một người thợ lành nghề, với sự cần mẫn, khéo léo, chị Trúc trở thành một trong những thợ đan có thu nhập khá.

Nghề đan lục bình có mặt ở nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Người làm nghề cũng đa dạng về độ tuổi, có em mười mấy tuổi đến những cô, chú tuổi ngoài 50, 60 cũng tham gia. Có người đã gắn bó với nghề hàng chục năm, cái nghề tuy không khó mà đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ từ khâu chọn cắt lục bình, phơi khô, chăm chút từng sợi đan để có thể tạo ra sản phẩm đẹp mắt.

Bà Lý Thị Điệp, ở ấp 4, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Ai cũng tranh thủ làm nhiều hơn một chút để có thêm khoản chi tiêu đón tết. Tuy làm nhiều hơn thường nhật, nhưng không vì thế mà chúng tôi làm qua loa, xem nhẹ chất lượng sản phẩm”.

Với đôi bàn tay khéo léo, những người thợ đan lục bình như bà Điệp đang tất bật tạo ra những sản phẩm độc đáo, bắt mắt. Các sản phẩm là đứa con tinh thần, là niềm đam mê nên người thợ chăm chút tỉ mỉ, mang đến cho những “thượng đế” các sản phẩm thủ công mỹ nghệ không chỉ đẹp mà còn đảm bảo chất lượng.

Theo bà Điệp, nghề đan lục bình không khó lại cho thu nhập khá. Cái được nữa là nghề này không kén tuổi, không ràng buộc về thời gian. Thị trường tiêu thụ rộng mở, nghề đan lục bình đã dần trở thành nghề chính của nhiều gia đình nông thôn, trong đó có gia đình bà.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ lục bình được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là khách hàng nước ngoài. Thời gian gần tết, những người thợ càng tất bật, tranh thủ buổi tối để đảm bảo đơn hàng cho các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy công việc nhiều, tất bật, nhưng để có cái tết tươm tất, sung túc thì ai nấy đều vui vẻ, sẵn sàng…

Dù chưa có số lượng thống kê cụ thể bao nhiêu hộ làm nghề đan lục bình trên địa bàn tỉnh, nhưng hàng năm nghề đan lục bình đã được nhiều địa phương đăng ký để mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhờ nghề ngày, nhiều người có việc làm thường xuyên, giúp tỉnh thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Ông Hà Anh Trường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ECOKA (huyện Long Mỹ), cho biết: “Hiện công ty có trên 500 thợ ở huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy đan gia công tại nhà và khoảng 30 người làm trực tiếp. Mỗi tháng xuất sang thị trường Mỹ, Canada, Pháp, Nhật Bản từ 2 đến 3 container tương đương khoảng 10.000 đến 16.000 sản phẩm đan đát từ lục bình. Nhờ đó, người dân địa phương có công việc ổn định, quanh năm”.

Thị trường Tết Nguyên đán được coi là mùa làm ăn quan trọng nhất trong năm đối với các làng nghề và những người làm nghề. Thời điểm này những “người thợ” ở các làng nghề đang tất bật, mải miết cho những đơn hàng tết, đưa hương sắc mùa xuân đến với mọi nhà. Trong cái hối hả đó là sự kỳ vọng, mong muốn một năm mới đầy khởi sắc…

Theo BÍCH CHÂU (Báo Hậu Giang)