Hậu Giang: Nhiều giải pháp xử lý rác thải nông nghiệp

25/01/2024 - 09:09

Theo nhận định của các chuyên gia về môi trường, rác thải nông nghiệp gồm bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật có tính chất rất khó phân hủy nên ngay cả khi được chôn lấp, rác thải nhựa vẫn tồn tại nhiều năm gây ô nhiễm môi trường đất, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng. Do đó, trong lộ trình thực hiện Đề án Hậu Giang xanh, tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp nâng cao nhận thức cho người dân trong việc xử lý rác thải nông nghiệp.

A A

Rác thải nông nghiệp sẽ được quy đổi thành các quà tặng phục vụ cho quá trình sản xuất nông nghiệp của nông dân.   Ảnh: D.KHÁNH

Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp cho biết, để từng bước xử lý rác thải nông nghiệp đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên đất, nước và hệ sinh thái, thời gian qua ngoài việc tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ đạo cho các hội đoàn thể xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình xử lý rác thải nông nghiệp, UBND huyện còn đầu tư xây dựng 277 bể chứa chai lọ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã qua sử dụng dọc theo các tuyến đường nông thôn trong huyện để nông dân thu gom các vỏ chai, bao bì thuốc BVTV bỏ vào đó, để giảm thiểu các tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Năm qua, sau khi được xây dựng bể chứa chai lọ thuốc BVTV đã qua sử dụng, cánh đồng gần 100ha thuộc ấp 6, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, dường như trở nên bớt ô nhiễm hơn. Bởi trước đây sau khi xịt thuốc, bón phân các loại bao bì, vỏ chai đa phần được người dân bỏ dọc trên bờ đê hay bỏ vào túi ni-lông thả xuống các tuyến kênh, mương. Nhưng từ khi có bể chứa, ý thức người dân từng bước có sự thay đổi, hiện nay bà con đã chủ động thu gom lại bỏ vào các bể chứa. Anh Nguyễn Văn Hậu, người dân trồng lúa ở khu vực này, cho biết: “Gia đình sản xuất gần 1ha lúa, mỗi năm sử dụng hơn 2 tấn phân, thuốc các loại, lượng rác thải cũng gần chục ký, tất cả đều được thu gom lại bỏ vào bể chứa”.

Ngoài việc xây dựng bể chứa để nông dân bỏ rác thải nông nghiệp đúng nơi quy định, thời gian qua các hội, đoàn thể của huyện Phụng Hiệp cũng tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình xử lý rác thải nông thôn. Điển hình như Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp cũng phát động chương trình đổi rác thải vỏ chai bao bì, thuốc BVTV đã qua sử dụng lấy quà tặng. Theo đó mỗi ký bao bì, vỏ chai thuốc BVTV được nông dân mang đến điểm đổi quà được tổ chức tại các xã, thị trấn trong huyện vào ngày thứ 7 của tuần cuối tháng sẽ được đổi một phần quà tương ứng như: phân trùn quế, găng tay, áo mưa, nón, ủng cao su làm vườn để phục vụ cho quá trình canh tác nông nghiệp. Riêng rác thải, vỏ chai bao bì, thuốc BVTV sau khi được người dân mang ra đổi quà sẽ được ngành chuyên môn vận chuyển tiêu hủy đúng nơi quy định.

Bà Nguyễn Thị Út, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp, cho biết: Thời gian qua, việc thu gom, phân loại, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng chưa được thực hiện tốt, chủ yếu bà con nông dân tự chôn lấp, đốt, bỏ chung với rác thải sinh hoạt hoặc vứt bỏ ra nơi công cộng, đây là một trong những nguồn ô nhiễm độc hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Đặc biệt đối với huyện, tình trạng vứt bỏ rác bừa bãi vào các mương, sông và nơi công cộng gây ô nhiễm và mất mỹ quan cho nhiều kênh. Thông qua hoạt động này nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của nông dân trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc thu gom, xử lý rác thải nông nghiệp đúng quy định, góp phần xây dựng huyện Phụng Hiệp xanh, sạch, đẹp.

Là một trong số rất nhiều nông dân mang vỏ chai, bao bì thuốc BVTV ra điểm xã Tân Bình đổi quà, ông Nguyễn Văn Tài, ở ấp Tân Thành, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp rất phấn khởi cho biết, hoạt động này sẽ tạo thêm động lực cho nông dân thu gom và xử lý rác thải nông nghiệp đúng quy định, góp phần bảo vệ sức khỏe cho chính nông dân trong quá trình sản xuất. Chưa kể những quà tặng khi đổi về sẽ phục vụ lại cho quá trình sản xuất. Ông Tài cho biết thêm: “Tập quán của nông dân trước đây sau khi sử dụng phân, thuốc BVTV thì bao bì và vỏ chai lại bỏ vươn vãi khắp nơi. Lượng phân thuốc còn sót lại trong các bao bì, chai lọ, đặc biệt là thuốc trừ sâu không may giẫm đạp phải sẽ gây ra ngộ độc cho người tiếp xúc. Và bản thân cũng từng gặp tình trạng như vậy nên khi địa phương triển khai hoạt động này là gia đình hưởng ứng nhiệt tình và vận động bà con trong xóm cùng thực hiện”.

Theo thống kê, bình quân 1ha sản xuất lúa mỗi vụ thải ra môi trường khoảng 0,5-1kg bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV, còn đối với rau màu và cây ăn trái thì lượng rác thải ra có thể gấp 2 lần. Huyện Phụng Hiệp có diện tích sản xuất nông nghiệp hơn 35.000ha, mỗi năm nông dân trong huyện sử dụng và thải ra hơn 30 tấn vỏ chai bao bì thuốc BVTV, trong đó chỉ có khoảng 20% được nông dân đã chủ động bỏ vào các hố chứa đúng quy định, số còn lại vẫn chưa xử lý đúng quy định. Trong khi phần lớn phân, thuốc BVTV được sản xuất từ các loại hóa chất có chứa các nguyên tố như: hợp chất asen, thủy ngân, chì... có độc tính cao, thời gian lưu lại trong đất lâu, có loại tồn tại lên đến 20 năm. Khi thẩm thấu xuống đất sẽ làm hoang hóa tài nguyên đất, ô nhiễm nguồn nước ngầm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và chất lượng hàng hóa.

Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: Hoạt động đổi rác thải vỏ chai, bao bì, thuốc BVTV đã qua sử dụng lấy quà tặng là một việc làm hết sức có ý nghĩa. Hoạt động này sẽ từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong quá trình sử dụng, thu gom, xử lý vỏ chai, bao bì, thuốc BVTV đã qua sử dụng đúng nơi quy định, giảm thiểu những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Do đó trong thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo cho Hội Nông dân huyện duy trì và thực hiện có hiệu quả mô hình này, để từng bước nâng cao nhận thức cho người dân trong quá trình sản xuất.

Theo Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” giai đoạn 2023-2025, tỉnh Hậu Giang xác định sẽ tiếp tục tăng cường triển khai kế hoạch về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh; kế hoạch thu gom, lưu trữ, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn. Tiếp tục triển khai quy định chính sách hỗ trợ cho Tổ vệ sinh môi trường ở địa phương thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; thực hiện vận chuyển lượng chất thải rắn sinh hoạt, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thu gom được đến điểm tập kết giao cho đơn vị chức năng... Mục tiêu của kế hoạch là 100% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (chậm nhất đến ngày 31-12-2024); 90% chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình ở đô thị được thu gom, xử lý theo quy định; 80% chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình ở nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định; phấn đấu 100% hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; phấn đấu 50% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý đúng quy định...

Theo T.TRÚC - D.KHÁNH (Báo Hậu Giang)