Nông dân Hậu Giang tất bật vệ sinh đồng ruộng để xuống giống lúa Đông xuân.
Tăng cường vệ sinh đồng ruộng
Hàng năm, cứ vào thời điểm khoảng giữa tháng 11, tại những khu vực có hệ thống đê bao khép kín kết hợp với trạm bơm thì hình ảnh quen thuộc dễ nhận thấy trên nhiều cánh đồng lúa trong tỉnh là người dân tất bật be bờ ruộng, đánh rãnh đường thoát nước, đồng thời tiếng máy trục san phẳng mặt ruộng và tiếng máy bơm rút nước từ trên ruộng ra kênh để nông dân tiến hành gieo sạ lúa Đông xuân lại trở nên rộn ràng. Dù công việc ở thời điểm đầu vụ xuống giống lúa rất vất vả, thế nhưng, trên khuôn mặt đầy mồ hôi của mình, nhiều nông dân vẫn tươi cười khi trao đổi chuyện đồng áng và đặt những kỳ vọng lớn về một vụ mùa thắng lợi.
Tranh thủ nghỉ tay khi đang đánh rãnh đường thoát nước cho 5 công ruộng của gia đình, ông Trần Văn Thành, ở khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh, thông tin: “Năm nay, nước lũ về nhiều hơn mọi năm nên lượng phù sa trên đồng tương đối nhiều, đây là điều kiện thuận lợi bước đầu để cây lúa phát triển tốt, đồng thời nông dân cũng nhẹ bón phân. Do là vụ lúa quan trọng nhất trong năm nên tôi và bà con ở cánh đồng này rất quan trọng việc vệ sinh đồng ruộng, trục san phẳng mặt ruộng, cũng như đánh rãnh thoát nước rất kỹ trước khi gieo sạ. Chính việc làm trên sẽ tạo điều kiện cho hạt lúa nảy mầm tốt, hạn chế việc chết lúa giống, đỡ công cấy giặm khi lúa ở giai đoạn mạ. Mặt khác, khi làm đất kỹ, mặt ruộng bằng phẳng thì việc quản lý ốc bươu vàng, nguồn nước trong ruộng được dễ dàng, từ đó hạn chế cỏ dại và ốc bươu vàng tấn công cây lúa trong giai đoạn 10 ngày đầu sau sạ”.
Cũng đang be bờ ruộng để chuẩn bị xuống giống lúa Đông xuân cho gần 1ha đất ruộng của gia đình, ông Nguyễn Văn Hân, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cho hay: “Sau 2-3 ngày trạm bơm rút nước thì các bờ mẫu cũng đã nhô lên khỏi mặt nước sau khoảng 2 tháng bị ngâm trong nước lũ. Lúc này, tôi và bà con sẽ dùng len, chang cào tiến hành đi gia cố lại bờ mẫu của từng miếng ruộng của mình. Ngoài ra, ở những khu vực gò cao thì bà con thuê máy trục thực hiện chang phẳng cho đều trên mặt ruộng. Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm này là ngoài đồng luôn rộn ràng từ 5-7 ngày để thực hiện công việc từ vệ sinh đồng ruộng đến khi gieo sạ. Những năm gần đây, giá lúa ở mức cao nên càng làm cho người dân tỉ mỉ hơn ở khâu đầu xuống giống lúa”.
Theo kế hoạch, vụ lúa Đông xuân 2024-2025, nông dân Hậu Giang phấn đấu sản xuất đạt diện tích 73.500ha, ước sản lượng đạt khoảng 552.320 tấn. Qua khảo sát thực tế thì hiện nhiều cánh đồng tại huyện Châu Thành A, huyện Vị Thủy, thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ,… nông dân đã và đang tích cực bơm rút nước trên ruộng ra ngoài, đồng thời thực hiện vệ sinh đồng ruộng để gieo sạ lúa Đông xuân theo lịch xuống giống đợt 1 của ngành nông nghiệp tỉnh là từ ngày 11-17/11 (tức ngày 11-17/10 âm lịch). Lịch đợt 1 được áp dụng đối với các khu vực có đê bao khép kín và hệ thống bơm thoát nước hoàn chỉnh nhằm đảm bảo tránh được ảnh hưởng của triều cường vào các tháng cuối năm hoặc các vùng có nguy cơ xâm nhập mặn để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của hạn, mặn, thiếu nước tưới ở cuối vụ lúa.
Cũng theo lịch thời vụ của Sở NN&PTNT tỉnh thì đợt 2, nông dân sẽ gieo sạ từ ngày 9-15/12 (tức ngày 9-15/11 âm lịch) đối với trà lúa Đông xuân chính vụ trên địa bàn tỉnh. Đợt 3 sẽ bắt đầu từ ngày 9-15/1/2025 (tức ngày 10-16/12 âm lịch) đối với vùng trũng thấp, nước lũ rút chậm hàng năm phải gieo sạ trễ. Tuy nhiên, đây là khung lịch thời vụ chung cho cả tỉnh, tùy vào tình hình rầy nâu di trú và thời tiết, thủy văn, Sở NN&PTNT tỉnh đề nghị từng đơn vị huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí lịch xuống giống cho phù hợp tại từng vùng của địa phương mình.
Cần thực hiện tốt khuyến cáo của ngành chức năng
Để vụ lúa Đông xuân 2024-2025 đạt thắng lợi trên các mặt, nhất là về sản lượng theo kế hoạch đề ra, Sở NN&PTNT tỉnh đề nghị nông dân trong tỉnh cần thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành chức năng. Trong đó, vấn đề người dân cần quan tâm vào đầu vụ sản xuất là tình hình thời tiết được dự báo không mấy thuận lợi. Bởi theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ thì trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, tổng lượng mưa trong tháng 11 này sẽ cao hơn từ 5-20% so với trung bình nhiều năm (TBNN) và từ tháng 12 đến tháng 1-2025, lượng mưa sẽ từ xấp xỉ đến cao hơn TBNN từ 5-10mm. Vì vậy, có khả năng mùa mưa kéo dài và tình trạng ngập úng sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất ở đầu vụ lúa Đông xuân tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Trước dự báo về tình hình thời tiết như trên, Sở NN&PTNT tỉnh đề nghị ngành nông nghiệp các địa phương trong tỉnh cần thực hiện tốt các nội dung theo kế hoạch sản xuất vụ lúa Đông xuân 2024-2025 mà sở đã ban hành. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân tại những vùng đã, đang và chuẩn bị xuống giống lúa Đông xuân trong đợt 1 và 2 cần chủ động thực hiện việc gia cố đê bao, đánh nhiều rãnh thoát nước trên đồng ruộng, cũng như chuẩn bị phương tiện, dụng cụ để sẵn sàng bơm rút nước trên ruộng ra ngoài khi có mưa lớn, bão xuất hiện trong thời gian dài nhằm chống ngập úng, hạn chế thiệt hại về lúa giống ngay đầu vụ.
Ngoài chủ động ứng phó với thời tiết, thực hiện theo chỉ đạo của Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân sử dụng lúa giống cấp xác nhận, có nguồn gốc rõ ràng và áp dụng sạ hàng, sạ thưa với lượng giống dưới 100 kg/ha hoặc cấy. Đồng thời xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng theo lịch thời vụ địa phương khuyến cáo để “né rầy” hạn chế bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Về cơ cấu giống lúa, ưu tiên sử dụng các giống lúa thâm canh cao, chất lượng khá đến tốt, điển hình như OM 18, OM 5451, OM 4900, OM 6976, OM 2517, OM 7347, Đài Thơm 8, OM 380, RVT, OM 4218, Jasmine 85… Cần thực hiện quy trình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp, giảm chi phí, sản xuất an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe đất, môi trường và người trồng lúa.
Ông Trần Văn Thiện, ở khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Đây là năm thứ 3 của vụ lúa Đông xuân, khoảng 16ha lúa của tôi và bà con ở cánh đồng nơi đây chọn sạ giống lúa RVT. Đây là giống lúa ít dịch hại tấn công, nhất là ở giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ. Mặt khác, đây là giống lúa thơm, gạo ngon cơm nên rất được thị trường ưa chuộng, từ đó bà con làm ra hạt lúa rất dễ bán khi thu hoạch. Ngoài sử dụng giống chất lượng thì bà con ở cánh đồng này còn dùng máy phun trong gieo sạ nên chỉ tốn khoảng 100kg lúa giống/ha, giảm gần phân nửa so với trước đây”.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết thêm: Ngoài sự chủ động của người dân thì đề nghị cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT tỉnh, cũng như ngành nông nghiệp các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các biện pháp canh tác cần thực hiện trong vụ Đông xuân 2024-2025. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện các mô hình sản xuất lúa tiên tiến, hiệu quả, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật nhằm giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và tăng chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, triển khai thực hiện tốt Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh theo kế hoạch của tỉnh đã đề ra. Bằng các giải pháp cụ thể, ngành nông nghiệp tỉnh phấn đấu đạt diện tích, năng suất, sản lượng lúa Đông xuân 2024-2025 theo kế hoạch đề ra.
Theo kế hoạch, vụ lúa Đông xuân 2024-2025, Hậu Giang phấn đấu đạt diện tích 73.500ha; trong đó ngành nông nghiệp tỉnh giao chỉ tiêu cho huyện Phụng Hiệp 18.000ha, huyện Long Mỹ 17.600ha, huyện Vị Thủy 17.000ha, thị xã Long Mỹ 10.000ha, huyện Châu Thành A 6.600ha, thành phố Vị Thanh 3.900ha và thành phố Ngã Bảy 400ha.
Theo HỮU PHƯỚC (Báo Hậu Giang)