Hậu Giang: Triển vọng ngành công nghiệp thực phẩm

29/02/2024 - 09:54

Trong những năm qua, ngành công nghiệp thực phẩm đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng của ngành công nghiệp cũng như tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Với tiềm năng sẵn có, ngành có triển vọng lớn để phát triển trong thời gian tới.

A A

Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, ngành công nghiệp thực phẩm Hậu Giang được kỳ vọng phát triển trong thời gian tới.

Tận dụng tốt tiềm lực sẵn có

Hậu Giang nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, với hệ thống kênh rạch phong phú và đất đai màu mỡ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả trồng cây lúa, rau màu, là một nơi lý tưởng cho việc phát triển ngành công nghiệp thực phẩm. Đặc biệt, với hệ thống kênh rạch phát triển, việc tiếp cận nguồn nước sạch dễ dàng hơn, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thực phẩm.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ở Hậu Giang đang được đầu tư mạnh mẽ, bao gồm cả hệ thống giao thông đường bộ, đường sông và các cảng biển sẽ thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm ra khỏi tỉnh. Ngoài ra, Hậu Giang cũng có nguồn đất sạch sẵn sàng để phát triển các dự án công nghiệp, bao gồm cả những dự án trong lĩnh vực thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty WestFood, cho biết: Với chủ trương phát triển vùng nguyên liệu trên diện rộng tại Hậu Giang, Westfood đang sở hữu 150ha vùng nguyên liệu khóm King MD2 tại huyện Phụng Hiệp. Hiện Công ty đang làm Dự án phát triển 200ha khóm MD2 tại Nông trường Mùa Xuân (Công ty Cổ phần nông nghiệp Mùa Xuân). Đặc biệt, Công ty đã ký với huyện Phụng Hiệp hợp đồng Hợp tác phát triển cây khóm MD2 với diện tích 2.000ha. Việc nhà máy Westfood có mặt tại Hậu Giang sẽ là động lực để Westfood tiếp tục thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu, không chỉ khóm King MD2 mà còn nhiều loại nông sản khác tại Hậu Giang.

Nhà máy Westfood Hậu Giang được xây dựng tại Khu công nghiệp Sông Hậu - giai đoạn 1, thuộc xã Đông Phú, huyện Châu Thành, với diện tích khoảng 7ha, tổng vốn đầu tư hơn 666 tỉ đồng, công suất 120 tấn thành phẩm/ngày. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động trong quý I năm 2025.

Ngoài ra, chính sách ưu đãi của nhà nước đối với các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp thực phẩm cũng là một yếu tố quan trọng khuyến khích sự phát triển của ngành này tại Hậu Giang. Các chính sách bao gồm miễn giảm thuế, hỗ trợ tài chính và các loại hỗ trợ khác nhằm giảm bớt áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp.

Luôn cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa, chia sẻ: Từ khẩu hiệu hành động “2 nhanh 3 tốt”, tỉnh không ngừng hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đảng và Nhà nước luôn sát cánh, cung cấp nhiều chính sách ưu đãi như giảm thuế, phí, lệ phí; hỗ trợ tín dụng, lãi suất; đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được thực hiện một cách hiệu quả, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và phát triển bền vững cho các doanh nghiệp.

Triển vọng phát triển trong tương lai

Theo thống kê, tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp được 3.311 tỉ đồng, tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 28,16% so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành chế biến thực phẩm tăng 1,15% so với tháng trước và tăng 32,56% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do hiện nay tỉnh đang ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông - thủy sản có lợi thế cạnh tranh và sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ như xay xát, chế biến thủy sản đông lạnh, sản xuất trái cây đóng hộp, chế biến trà mãng cầu, chế biến cá thát lát,… Cùng với đó, tỉnh khuyến khích các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các doanh nghiệp đang đầu tư sớm đi vào hoạt động đúng theo kế hoạch của doanh nghiệp đã đề ra như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (sản xuất mì ống, bún, gia vị các loại).

Đóng góp vào chỉ số sản xuất ngành, Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú - Hậu Giang, cho biết: Hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm qua gặp nhiều khó khăn, tuy vậy vẫn đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, sản lượng sản xuất năm 2023 được 21.216 tấn, đạt 96,4% kế hoạch năm. Ngoài ra, công ty vẫn cố gắng tạo việc làm cho 5.500 lao động có mức thu nhập ổn định.

Bên cạnh việc chế biến sản xuất phục vụ thị trường nội địa, với sự đầu tư vào hệ thống hạ tầng và quản lý chuỗi cung ứng chặt chẽ, sản phẩm của Hậu Giang hiện đã có mặt trên các bàn ăn của nhiều quốc gia trên thế giới. Một số loại thực phẩm tiêu biểu có thể kể đến như: thủy sản đông lạnh, xoài sấy dẻo, khóm sấy dẻo… là những sản phẩm được ưa chuộng và nổi tiếng với chất lượng và hương vị đặc trưng. Sự xuất hiện của các sản phẩm này trên bàn ăn quốc tế như một lời khẳng định mạnh mẽ về chất lượng thực phẩm Hậu Giang trên trường quốc tế.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ba Sương - Long Mỹ, mỗi tháng, công ty thu mua từ 300-500 tấn trái cây các loại để chế biến. Ngoài thị trường nội địa, 4 sản phẩm chủ lực của công ty gồm có xoài sấy dẻo, đu đủ sấy dẻo, khóm sấy dẻo, xoài sấy dẻo muối ớt cũng đang nhận được nhiều phản hồi tích cực ở các thị trường Đông Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan…

Trên tinh thần của sự hợp tác và đổi mới, ngành công nghiệp thực phẩm tại Hậu Giang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Với tiềm lực tự nhiên, cơ sở hạ tầng tốt và sự hỗ trợ từ chính phủ, ngành công nghiệp thực phẩm ở Hậu Giang hứa hẹn sẽ là một trong những động lực quan trọng đưa kinh tế tỉnh nhà phát triển, đồng thời góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.

Theo Y.LINH (Báo Hậu Giang)