Homestay chật vật giữ khách

22/04/2019 - 08:34

Do thiếu sản phẩm du lịch và dịch vụ nghèo nàn nên đa phần homestay ở các tỉnh, thành ĐBSCL khó thu hút du khách

Homestay là mô hình du lịch được nhiều gia đình ở các tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện. Tuy nhiên, để phát triển bền vững homestay, tránh tình trạng "chợ chiều" như thời gian qua, cần thiết phải tổ chức lại mô hình này trên cơ sở nông dân hợp tác làm du lịch.

Liên kết để phát triển

Nhận thức được làm du lịch nhỏ lẻ, manh mún dễ dẫn đến thất bại, vừa qua, một số nông dân ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đã chủ động hợp tác với nhau.

Nhờ lợi thế ở khu vực làng hoa Sa Đéc, gia đình ông Huỳnh Trịnh Quốc Phong cải tạo mảnh vườn 2.000 m2 để mở dịch vụ du lịch homestay. Ông làm 4 căn nhà tre phục vụ khách lưu trú và căn nhà lớn phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt tập thể. Diện tích đất còn lại đều là ruộng nước, ông cải tạo thành ao, phục vụ nhu cầu bơi xuồng câu cá thư giãn cho du khách.

Du khách trong và ngoài nước thích thú được trải nghiệm cách trồng lúa với nhà nông tại các homestay ở Đồng Tháp Ảnh: NHA MÂN

Khi đến với tour homestay của ông Phong, du khách còn được tham quan các vườn hoa, vườn rau, vườn cây ăn trái lân cận. Ông Phong liên kết với các nhà vườn để tạo ra dịch vụ khép kín cho du khách. Ông Phong khoe: "Đây là kết quả hợp tác làm du lịch tập thể, đôi bên cùng có lợi của bà con chúng tôi. Khách đến homestay của tôi sẽ được dẫn đi các nhà vườn để chọn những rau quả xanh tươi từ ruộng đồng, vừa tạo không khí thoải mái vừa có sự trải nghiệm cùng nông dân. Các chủ vườn cũng tăng thu nhập trực tiếp từ các đoàn khách đến chỗ của tôi".

Khu vườn của ông Lâm Văn Học cách mô hình du lịch homestay của ông Phong chừng vài trăm mét. Trên diện tích khoảng 5.000 m2, ông Học trồng rau, quả và hoa trên giàn. Đúng như lời ông Phong nói, sản phẩm nông nghiệp từ vườn nhà của ông Học ngoài thu hoạch bán ở chợ còn phục vụ trực tiếp khách du lịch. Thấy có "ăn", nhiều nông dân hào hứng hưởng ứng theo.

Cũng nhờ liên kết với các nhà vườn và tạo được sản phẩm đặc trưng, cơ sở homestay "Ngôi nhà hoa ếch" của ông Trần Thanh Hùng (khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc) thường xuyên thu hút đông khách du lịch. "Ngôi nhà hoa ếch" của ông Hùng được thiết kế cho trên 40 khách ngủ lại qua đêm. Còn khu vườn 3.000 m2 được ông trồng các loại hoa, kiểng, đào và nuôi hàng ngàn con ếch. Du khách đến đây được trải nghiệm thú vị, tự tay trồng hoa, cho ếch ăn. Họ còn được thưởng thức các món ăn dân dã, đặc sản của địa phương, thuận tiện tham quan làng hoa Sa Đéc, các nhà vườn trong vùng.

Ở một số địa phương của tỉnh An Giang, mô hình liên kết làm homestay cũng được một số người dân lựa chọn. Ông Trần Anh Châu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang - cho biết địa phương này đã thành lập được tổ du lịch nông nghiệp với 9 hộ dân tham gia. Trong đó, 5 hộ thực hiện homestay.

"Đây là mô hình du lịch có hiệu quả nhất ở địa phương được nhiều khách trong và ngoài nước biết đến. Trong thời gian tới, Mỹ Hòa Hưng phát triển du lịch sinh thái kết hợp với làm vườn cây ăn trái theo quy hoạch của tỉnh; đồng thời nhân rộng các hộ làm du lịch và nâng cao chất lượng loại hình homestay ở địa phương" - ông Châu nhấn mạnh.

Phải có nét riêng

Dù ở một số nơi, người dân rất nỗ lực liên kết làm homestay nhưng nhìn chung, loại hình du lịch này vẫn đang rất chật vật trong việc thu hút du khách.

Ông Tôn Thất Đính, chủ nhân mô hình du lịch homestay ở xã Mỹ Hòa Hưng, thừa nhận homestay hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Một số dịch vụ du lịch ở địa phương chưa thật sự đa dạng, chưa thể níu chân du khách nên có đến 80% khách không trở lại. Địa phương cũng chưa có sản phẩm đặc trưng để du khách mua về làm quà lưu niệm cho bạn bè, người thân. Ngoài ra, chưa có sự kết nối giữa các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh với các homestay ở địa phương.

Ngoài lợi thế sông nước sẵn có, các homestay cần đa dạng hóa sản phẩm để giữ chân du khách Ảnh: NHA MÂN

Ở Vĩnh Long, 2 cơ sở homestay từng được trao giải thưởng Homestay ASEAN là Út Trinh Homestay (được trao vào năm 2017) và Phương Thảo Homestay (năm 2019). Theo bà Phạm Thị Ngọc Trinh, chủ cơ sở Út Trinh Homestay (ấp Hòa Quý, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ), để giữ được khách thì mỗi hộ gia đình làm du lịch homestay phải có nét riêng đặc trưng, như: vị trí nhà, phòng ốc sạch đẹp, thức ăn ngon, quan trọng là không khí gia đình. Tuy nhiên, làm du lịch homestay cũng gặp không ít khó khăn, nhất là trong việc phải tự tìm nguồn khách. Vì nhân sự là người dân địa phương nên cũng cần thời gian đào tạo về cung cách phục vụ…

Ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, cho biết lãnh đạo tỉnh nhận thấy tiềm năng du lịch từ mô hình này rất lớn nên sắp tới sẽ chú trọng phát triển. "Dự kiến, cuối tháng 4 này, HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về chính sách hỗ trợ homestay trong xây dựng cơ bản. Theo đó, mỗi homestay sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất. Riêng sở sẽ đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở homestay" - ông Tuấn thông tin.

Theo ông Tuấn, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long đang khuyến khích các hộ gia đình làm homestay đặc thù. "Không chỉ đặc thù về chỗ nghỉ, cảnh quan môi trường, phòng ốc mà còn về thức ăn. Ví dụ, cũng là món canh chua nhưng ở Vĩnh Long sẽ có mùi vị và nguyên liệu khác so với món canh chua ở An Giang, Tiền Giang. Chỉ khi nào tạo được nét riêng như vậy thì homestay mới thực sự phát triển" - ông Tuấn đúc kết.

"Doanh nghiệp xã hội" hỗ trợ người dân

Ông Dương Minh Bình, người sáng lập Công ty CBT Travel, cho biết homestay là loại hình du lịch cộng đồng hình thành từ lâu và phổ biến khắp cả nước nhưng đa phần do người dân tự tổ chức nên hiệu quả chưa cao. Đây cũng là lý do mà ông lập công ty hoạt động theo mô hình "doanh nghiệp xã hội" để hỗ trợ người dân làm homestay.

"Chúng tôi cam kết đồng hành cùng cộng đồng từ bước khảo sát, xây dựng đến việc tiếp thị và bán ra thị trường. Trên cơ sở đó, chúng tôi bảo đảm các dự án phát triển sẽ trở thành sản phẩm du lịch được quản lý tốt và sinh lời cho những người tham gia" - ông Bình khẳng định.

Theo NHA MÂN - THỐT NỐT - CA LINH (Người lao động)