Hướng dẫn viên: Người “thổi hồn” cho sản phẩm du lịch

15/03/2018 - 08:19

“Có thể nói, vai trò của hướng dẫn viên (HDV) du lịch là vô cùng quan trọng, cũng giống như “sứ giả” thay mặt địa phương cung cấp những thông tin về địa lý, lịch sử, văn hóa, ẩm thực, con người… nơi đó đến với khách du lịch và thay mặt địa phương tiếp đoàn khách du lịch. Do vậy, nếu một HDV “lơ mơ”, không hướng dẫn tốt thì sẽ làm mất dần lượng khách và làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành du lịch tỉnh”, ông Trần Duy Phương - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre, nhận xét.

Hướng dẫn viên đang giới thiệu về trái dừa Bến Tre. Ảnh: Võ Phong

Có kiến thức và kỹ năng

Anh Võ Văn Phong - Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T chia sẻ, với C2T, HDV có kiến thức am hiểu trên các lĩnh vực văn hóa, lịch sử… là chưa đủ mà phải thật sự tận tâm, làm sao để việc đón khách như đón người thân của mình trở về, thực sự hòa mình với khách trong suốt hành trình của khách. Kế đến là chú trọng nghệ thuật truyền đạt thông tin, giao tiếp, không phải thao thao bất tuyệt mà phải thực sự thu hút được sự chú ý của khách, tạo được cảm tình và ấn tượng tốt đẹp cho khách. Nghĩa là trò chuyện với khách, chia sẻ thông tin với khách, ngoài kiến thức sâu rộng về nơi đến, các hoạt động trong tour, trong tuyến, thì người HDV phải trong tâm thế luôn sẵn sàng hỗ trợ khách du lịch để khách hiểu được về Bến Tre, HDV không chỉ là người phục vụ mà còn chia sẻ thông tin, cả những thông tin mới nhất của tỉnh để khách cập nhật.

Đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề HDV và kinh doanh du lịch, với anh Phong, công tác truyền thông, quảng bá du lịch cũng vô cùng quan trọng. Không chỉ tìm hiểu rõ về nhu cầu, sở thích của khách để thiết kế tour phù hợp mà anh còn tổ chức cho lực lượng hỗ trợ đi kèm để chụp ảnh, quay phim cho khách, đây không chỉ là món quà du lịch khi khách đem về mà qua đó, anh có nhiều hình ảnh, thước phim về hoạt động du lịch của tỉnh để giới thiệu đến du khách các nơi.

Anh Phong chia sẻ, có nhiều khách sau khi tour đi du lịch Bến Tre (do Công ty C2T đảm nhận) đã giới thiệu bạn bè và cùng bạn bè trở lại lần hai với Bến Tre. Chẳng hạn một số nữ doanh nhân ở TP. Hồ Chí Minh đã tham gia tour du lịch miệt vườn sông nước Bến Tre vào cuối năm 2017 vừa qua. Với anh, mục tiêu trong hướng dẫn không chỉ làm hài lòng khách trong chuyến đi đó mà tạo được ấn tượng, tình cảm để khách sẽ quay lại lần nữa và giới thiệu nhiều người khác cùng đến với tỉnh.

Tạo hình ảnh đẹp

Hiện toàn tỉnh có 34 công ty lữ hành (trong đó có 5 công ty lữ hành quốc tế: Hàm Luông, Cồn Phụng, Sao Mai, Miền Tây và Hàm Long). Toàn tỉnh hiện có 105 HDV du lịch được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp thẻ và đang hoạt động (trong đó có 51 nữ). Số HDV do các công ty du lịch quản lý, ngành du lịch quản lý về mặt nghiệp vụ và hàng năm đều có tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng này.

HDV du lịch chuyên nghiệp của tỉnh đều có trình độ từ đại học trở lên. Nếu là HDV quốc tế thì biết ít nhất một ngoại ngữ. HDV du lịch là người đã có một bằng đại học chuyên ngành nào đó và được đào tạo thêm 6 tháng về HDV thì mới được cấp thẻ HDV. Hàng năm, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương tập huấn thêm cho lực lượng này để bổ túc kiến thức, thông tin mới trong nghề HDV. 3 năm sau cấp thẻ, yêu cầu đào tạo lại 6 tháng và có chứng chỉ chuyên nghiệp thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới cấp lại thẻ.

Ông Trần Duy Phương cho biết, theo Luật Du lịch trước đây (năm 2005), để được cấp thẻ hành nghề HDV, người hành nghề chỉ đăng ký làm việc với một công ty nào đó (hợp đồng hoặc HDV tự do) thì ngành chuyên môn vẫn cấp thẻ được. Nhưng năm 2018 đã có điểm mới, HDV phải có hợp đồng lao động với một doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch, hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch thì mới được cấp thẻ, đổi thẻ.

Trong năm 2017, tỉnh đã thành lập Câu lạc bộ HDV du lịch và Hiệp hội Du lịch. Hiện nay, có một số HDV các tỉnh lân cận như: Trà Vinh, Tiền Giang cũng xin đăng ký vào câu lạc bộ này. Nội dung hoạt động trọng tâm của câu lạc bộ là tập hợp lực lượng HDV theo hàng quý để thông tin về kinh tế, văn hóa - xã hội và các thông tin mới về du lịch để giúp các HDV cập nhập thêm thông tin; đồng thời tạo điều kiện cho các HDV gặp gỡ, giao lưu, kết nối, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp.

“Điểm nổi bật đáng ghi nhận của đội ngũ HDV tỉnh hiện nay là các em rất nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Bên cạnh đó, cũng còn một bộ phận kiến thức còn khá hạn hẹp, nhất là kiến thức về văn hóa bản địa, còn một số ít HDV có phong cách, xử lý hướng dẫn cũng chưa được chuyên nghiệp, nhất là lực lượng cộng tác, không phải HDV chính thức của đơn vị lữ hành. Từng thời điểm, ngành có sự liên hệ chặt chẽ với các đơn vị lữ hành nắm tình hình đội ngũ HDV để nâng cao chất lượng hướng dẫn, phục vụ du lịch. Trong hướng dẫn, ngoài việc am hiểu kiến thức trên nhiều lĩnh vực thì cũng cần có yếu tố hài hước, vui tươi. Vì vậy, nhiều HDV thường có các câu chuyện tiếu lâm pha trò cho khách nhưng ngành tuyệt đối không cho phép nói tục, nghĩa là tiếu lâm nhưng phải có duyên và có văn hóa để giữ hình ảnh chung cho ngành du lịch tỉnh nhà” - ông Trần Duy Phương cho biết.

Với mong muốn đưa du lịch Bến Tre ngày càng phát triển, trong đó, có vai trò quan trọng của đội ngũ HDV du lịch, ông Phương kỳ vọng: Mỗi HDV phải không ngừng rèn luyện, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, khi đã sống với nghề thì phải yêu quý nghề và giữ gìn hình ảnh du lịch chung cho quê hương mình. HDV phải “thổi hồn” vào sản phẩm du lịch để tạo sự hấp dẫn, ấn tượng riêng cho du lịch địa phương. Muốn làm được điều đó, HDV phải có tâm với nghề và không ngừng rèn luyện, nâng cao các kỹ năng, kiến thức cho mình.

Theo Báo Đồng Khởi