Kể thêm về sông Vàm Nao xưa

18/07/2022 - 09:33

Sông Vàm Nao, tỉnh An Giang, nối liền sông Tiền và sông Hậu, như hình chữ H, theo hướng Ðông Bắc - Tây Nam giữa 2 huyện Phú Tân (bờ trên, hữu ngạn) và Chợ Mới (bờ dưới, tả ngạn), là con sông có chiều dài khoảng 6km, rộng trung bình 700m, độ sâu chừng 17m. Sông Vàm Nao tuy ngắn nhưng lại có nhiều câu chuyện xưa, chuyện nay thú vị.

 Thả cá trên sông Vàm Nao. Ảnh: laodong.vn

Vàm Nao là thủy danh, còn địa danh Vàm Nao thì sao? Tìm hiểu, ngay cả người dân địa phương cũng có nhiều câu chuyện khác nhau. Rất may là cho đến khoảng đầu những năm 1980 hãy còn lưu lại dấu vết từ thời Pháp, đó là một cột mốc cây số bằng đá xanh rất kiên cố (nay không còn, do mở rộng lộ giới), ở phía trên Chợ Ðình (xã Hòa Hảo cũ, nay là thị trấn Phú Mỹ) bên lề đường cặp mé sông, khắc mấy chữ “Vàm Nao 1km”. Nhờ đó ta biết Vàm Nao là vùng đất chỗ vàm trên sông ấy. Tuy nhiên nếu cho rằng Vàm Nao là vùng đất chỗ Vàm Dưới cũng không sai, vì nơi đây có bến đò Vàm Nao, phía tả ngạn có chợ Vàm Nao (xã Mỹ Hội Ðông); phía hữu ngạn (xã Tân Trung) là ấp Vàm Nao (mới đặt). Hay nói một cách khác hơn, từ sau ngày vàm trên được đặt gọi bằng những tên mới hiền hơn, thì hai tiếng Vàm Nao dịch chuyển xuống vàm dưới, rồi định danh luôn đến nay.

Nhắc đến Vàm Nao, người ta nhớ ngay đến câu “Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà”. Ðó là do ngày trước sông Hậu xâm thực mạnh một khu vực khá rộng phía bờ xã Kiến An dài xuống, tạo thành Xẻo Búng (phía trên chợ Mỹ Hội Ðông, huyện Chợ Mới). Rạch Vàm Nao có dòng chảy tốc độ mạnh nên xoi phá mãi, cho đến khi hội thủy được với Xẻo Búng, trở nên sâu và rộng, thành sông cái. Sông Vàm Nao nối Tiền Giang và Hậu Giang, tuy ngắn nhưng do sự cấu tạo của địa hình cộng với tốc độ dòng chảy mạnh nên hầu khắp ở chỗ hai cửa sông quanh năm hình thành những xoáy nước rất dữ, vì vậy dân thương hồ phải phân biệt chỗ hai đầu sông vô cùng hiểm nguy ấy là Vàm Trên và Vàm Dưới, sách viết là Vàm Nao Thượng và Vàm Nao Hạ, để nhắc nhau mỗi khi phải đi ngang qua. Vàm Nao Hạ hội thủy với sông Cái Ðầm (sách viết Ðàm Giang - theo cách gọi ngày trước, là một nhánh của sông Hậu) tạo thành doi Nàng Éc ở hữu ngạn. Ngày trước mực nước sông Tiền cao hơn sông Hậu gần nửa thước nên như đã nói ở trên, dòng chảy sông Vàm Nao không thể không liên tục xoi phá phía tả ngạn làm cho bờ xã Kiến An phải lở sụp từng mảng lớn. Hiện tượng thủy xâm ngày càng mạnh nên Vàm Nao vốn chỉ là con rạch nhỏ trở thành sông to, dòng chảy không còn bí tức, sự chênh lệch của mực nước giữa hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang tất nhiên cũng thấp dần, dẫn đến cân bằng.

Sự bứt phá phần đất ở Vàm Dưới của sông Vàm Nao, tạo thành một thủy mạch nối liền hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang, dân gian gọi “hóa cù”. Sách “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca”, phần “Châu Ðốc” (1909) mô tả Vàm Nao: “Sông quanh uốn khúc tợ cù”. Ðến đầu thế kỷ XX, nhân “Thuyền qua Núi Sập/Thoại Sơn”, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa có ghi nhận:

“Một thuyền cầm hạc một mình ta,

Ðường hiểm gian nan khắp trải qua.

Núi Sập sấm rền vang tiếng muỗi,

Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà”.

Thay vì nói “cù”, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa đã hình tượng hóa là “xà”, cũng là chữ dùng của “Ðại Nam nhất thống chí” là “Giang lưu xà vỉ đoạn” để làm bật lên dòng chảy “dữ” của một con sông.

*

*       *

Dần về sau sông dữ đã cân bằng, hiền hòa hơn, nên có thêm mấy thủy danh: Thuận Vàm, hay Thuận Cảng, Thuận Phiếm, Thuận Châu, rồi cuối cùng là Thuận Giang tồn tại đến ngày nay. Thuận Giang có nguồn gốc từ kênh Thuận. Cách nay trên trăm năm, chính sử triều Nguyễn mô tả: “Kênh Thuận ở cách huyện Ðông Xuyên 58 dặm về phía Ðông Nam, rộng 4 trượng, sâu 1 trượng, cửa trên tự Tiền Giang chia ra, chảy về phía Nam chừng 13 dặm, cửa dưới thông với Hậu Giang” (“Ðại Nam nhất thống chí”). Theo cách ghi chép thời đó, 1 trượng tương đương 4 thước mộc, tức khoảng 1,7m. Ghi chép này cho thấy thời trước sông Vàm Nao chưa quá sâu, quá rộng như ngày nay. Thời đó sông còn nhỏ, người ta còn lội qua lại hai bên bờ dễ dàng, nên truyền nhau chuyện kể sông Vàm Nao có vô số cá mập vào trầm mình! Các lão ngư trên sông Vàm Nao cho biết, thật ra đó là cá vồ cờ lớn, do vây lưng của nó khá cao nên khi lội gần mặt nước, thấy sóng, nước rẽ ra như thể có cá mập lội. Còn sách vở thời Pháp thì khẳng định là cá mập, nhưng là “cá mập lắc”, tức cá mập nhỏ, hay nói một cách khác hơn, đó chính là một loại cá nhám nước ngọt.

“Hoàng Việt nhất thống dư địa chí”, phần viết về “Ðường trạm trên sông Vĩnh Trấn”, cho biết ở khu vực đầu cù lao Ông Chưởng có đồn phân thủ đạo Hùng Sai và đồn phân thủ Vàm Nao ở bờ bên trái, lo việc xét hỏi thuyền buôn, phòng ngừa trộm cắp và bắt hàng cấm. “Ðại Nam thực lục”, tập bốn, Giáp Ngọ, năm Minh Mạng thứ 15, cho biết, Thảo nghịch tướng quân Tống Phước Lương từ An Giang về đến quân thứ Gia Ðịnh; Bình khấu tướng quân Trần Văn Năng liền thân đem các hạng biền binh dưới cờ hơn 470 người, chia đi 10 chiếc thuyền ô, thuyền lê tiến đến An Giang để làm việc quân. Sớ tâu lên, tháng giêng, vua dụ rằng: Ngươi cùng các tham tán nên nghĩ mưu cơ thế nào, ra quân kỳ, liệu thế biến; hoặc nhân chiều gió, liệu nước triều mà tiến đánh, hoặc dùng hỏa khí để giành phần thắng, hoặc công phá những sách (kè) bằng gỗ, khiến cho thuyền giặc mất chỗ nương cậy, mà tự tan vỡ, hoặc đánh úp thuyền giặc, khiến cho các sách gỗ không đánh cũng tan, hoặc đem kỳ binh, theo đường tắt đi Hậu Giang, đi vòng đến sau lưng giặc, đầu đuôi đánh khép lại, khiến quân giặc, thế bị chia, sức bị yếu, tất phải tan chạy, hoặc ngầm đem gỗ, đá lấp kín Thuận Cảng để chặn đường về, thì khi giặc rút chạy, hẳn bị khốn đốn mà chết ở cửa cảng. Rút lại nên tùy cơ mà làm, sao cho đúng khớp, cốt cho một trận thành công, ta sẽ ưu hậu ban thêm tước thưởng”.

Những sử liệu, ghi chép cho thấy sông Vàm Nao thời Minh Mạng vào thời điểm cuối 1833 qua đầu 1834, tức sau khi đã hoàn công sông Vĩnh Tế hàng chục năm, vẫn là con sông nhỏ, nên nhà vua mới bày kế “đem gỗ hoặc đá để lấp kín cửa cảng”. Nói tóm lại, sông Vàm Nao thuở xa xưa không rộng, cũng không sâu, bởi theo sử, với độ sâu khoảng 1 trượng (1,7m) thì lúc nước ròng, người tương đối cao có thể lội bộ được ngang sông vì nước chỉ ngập đến cổ, cằm.

Vàm Nao còn nổi tiếng có các loại cá lớn và quý trên sông, như cá hô, cá vồ cờ, ông nược, bông lau... nhưng theo thời gian không còn như xưa. Ngày nay, ngư dân và chính quyền địa phương vẫn thường tổ chức các hoạt động thả cá trên sông, tạo nguồn lợi thủy sản.

Theo NGUYỄN HỮU HIỆP (Báo Cần Thơ)