Kết nối du lịch TP HCM và ĐBSCL

20/08/2019 - 13:40

Liên kết để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo của từng điểm đến trong vùng, chứ không phải nhắc đến 13 tỉnh, thành ĐBSCL là du khách chỉ nhớ "về miền Tây" - chỉ còn một cái tên

Đó là chia sẻ của bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, tại buổi họp công bố Diễn đàn Kết nối du lịch TP HCM - ĐBSCL lần 1 năm 2019 vừa diễn ra.

Không còn là "vùng trũng"

Giám đốc Sở Du lịch TP HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết đây là lần đầu tiên một diễn đàn kết nối du lịch của TP với 13 tỉnh, thành khu vực này, trên nền tảng đã có sự hợp tác, kết nối với một số địa phương riêng lẻ trước đó. Căn cứ vào tiềm năng, tài nguyên du lịch và điều kiện liên quan, cần định vị sản phẩm du lịch hiện có của từng vùng nhằm tạo ra sức hút, từ đó khắc phục những hạn chế, thúc đẩy liên kết du lịch theo hướng bền vững.

Ông Nguyễn Đông Hòa, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), nhìn nhận du lịch của miền Tây không hẳn "vùng trũng" mà là chưa khai thác đúng tiềm năng vốn có. Minh chứng đối với các khách quốc tế đã vào cửa khẩu TP, có ít nhất khoảng 70% người được hỏi muốn đi xuống khu vực ĐBSCL. Một trang bán tour trực tuyến như TripAdvisor, khi gõ vào từ khóa "Mê Kông" sẽ thấy có khoảng 100 tour liên quan đến lịch trình này. Điều này cho thấy miền Tây vẫn có sự thu hút rất lớn, vẫn có những dòng chảy tour đưa khách về miền Tây Nam Bộ.

Dù vậy, đến nay các địa phương vẫn có sự trùng lắp với nhau, do địa lý du lịch có nét tương đồng. "Chẳng hạn, hiện có rất nhiều công ty du lịch tại TP khai thác tour khách đi xuống miền Tây bằng thuyền và xe đạp, quan trọng là làm sao để có các điểm dừng chân ở các làng nghề với sản phẩm độc đáo" - ông Nguyễn Đông Hòa dẫn chứng.

Cũng khẳng định miền Tây không còn là "vùng trũng" du lịch cả nước, ông Phạm Thế Triều, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, nhấn mạnh: "Chúng tôi đã đề xuất trung ương làm quy hoạch phát triển du lịch ĐBSCL và được bộ, ngành, Chính phủ phê duyệt với nhiều sản phẩm, loại hình du lịch, nhiều vùng. Du lịch miền Tây vùng sông nước nhưng đất ngập nước là Tràm chim Đồng Tháp, rừng tràm Trà Sư An Giang; rừng ngập mặn ở Kiên Giang, Cà Mau hay du lịch tâm linh ở núi Cấm, An Giang… Mỗi nơi một vẻ và du khách phải trải nghiệm mới thấy sự hấp dẫn, khác biệt".

Du khách tham quan TP HCMẢnh: Hoàng Triều

Cần cầu nối để liên kết

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho biết hiện công ty du lịch nào cũng có sản phẩm du lịch miền Tây. Một tour không đến một tỉnh duy nhất mà thường liên kết giữa các tỉnh nhưng có thực trạng sản phẩm của các địa phương đều na ná nhau, chỉ cần đi một nơi là đoán được nơi khác sẽ có sản phẩm gì…

"Vấn đề này doanh nghiệp, người làm du lịch, cơ quan quản lý cũng phản ánh, nhìn nhận nhiều nhưng thật sự chưa có giải pháp cụ thể để cải thiện. Để tạo ra sản phẩm khác biệt, cần căn cứ vào lịch sử, văn hóa, địa lý… đặc trưng của từng địa phương mới có sản phẩm toàn diện, không trùng lắp. Muốn vậy, cần một nhạc trưởng điều phối sản phẩm du lịch giữa các địa phương, tìm được tiếng nói chung, thay vì mạnh ai nấy làm như lâu nay" - ông Trần Đoàn Thế Duy nói.

Theo lãnh đạo sở du lịch nhiều tỉnh - thành ở ĐBSCL, việc kết nối giữa ĐBSCL và TP đem lại lợi ích cho cả TP và khu vực ĐBSCL. Bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp và từng người dân tham gia. Kết nối du lịch không hẳn chỉ là giữa các sản phẩm mà rộng hơn là đưa ra những kiến nghị để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quan tâm đến du lịch để đầu tư bài bản, đồng bộ hơn như kết nối về giao thông cả đường bộ lẫn hàng không…

Hiện ĐBSCL có 4 sân bay nhưng chỉ có sân bay Phú Quốc khai thác tốt, có nhiều đường bay trong nước và quốc tế nhưng lại ở đảo nên kết nối chưa thuận tiện, trong khi 3 sân bay còn lại ở Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá chưa phát triển như tiềm năng. Hạ tầng giao thông từ TP đi các tỉnh miền Tây đến nay cũng rất thiếu. Bà Cao Xuân Thu Vân cho rằng du lịch miền Tây có nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít điểm nghẽn. Ngành du lịch nơi đây mong muốn Chính phủ và cơ quan quản lý tạo điều kiện phát triển hạ tầng giao thông.

"Từ TP HCM đi miền Tây chỉ còn 1 điểm đến, trong khi chúng tôi có tới 13 tỉnh, TP, phải giải quyết bài toán hạ tầng để kéo du khách, đường đi quá khó nên khách ngại. Nhắc tới Cần Thơ là du lịch sông nước, đặc biệt chợ nổi; về An Giang là du lịch tâm linh; Kiên Giang là sản phẩm du lịch đảo hay Cà Mau phát triển du lịch cộng đồng gắn với rừng. Bạc Liêu nỗ lực để phát triển điện gió cho du lịch hay tôm Bạc Liêu được nuôi bằng công nghệ cao để lấy lòng du khách" - bà Cao Xuân Thu Vân dẫn chứng.

Diễn đàn kết nối du lịch TP và 13 tỉnh, thành ĐBSCL sẽ diễn ra vào ngày 4 và 5-9, tại TP HCM.

Theo Người lao động