Khôi phục sản xuất vùng nam sông Hậu

11/11/2021 - 14:55

Sau khi chuyển về trạng thái bình thường mới, các tỉnh, thành phố vùng nam sông Hậu đã khôi phục nhiều hoạt động kinh tế - xã hội; đồng thời nỗ lực tạo việc làm cho người lao động. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải triển khai các giải pháp vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường cuối năm.

Tư vấn tuyển dụng lao động tại phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ tổ chức. Ảnh: THANH TÂM

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, đến nay, thành phố có 975 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hoạt động trở lại, đạt tỷ lệ hơn 83% với gần 50.000 lao động làm việc. Hơn 5.000 doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch... mở cửa trở lại, đạt tỷ lệ khoảng 50% trong tổng số doanh nghiệp toàn thành phố.

Mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ phối hợp trung tâm dịch vụ việc làm của 12 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương tổ chức Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến khu vực ĐBSCL - TP Hồ Chí Minh - Bình Dương năm 2021. Tại đây, có hơn 31.000 chỗ làm trống cần tuyển với các ngành nghề phù hợp, như: Trưởng nhóm kinh doanh, nhân viên kỹ thuật, tư vấn tài chính và bảo hiểm, sản xuất, bảo trì - vận hành, kỹ sư thủy sản, trưởng nhóm phòng thí nghiệm, lao động phổ thông… Kết thúc phiên giao dịch, hàng nghìn lao động được tư vấn, giới thiệu và tìm được việc làm phù hợp với khả năng ở các địa phương.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ nhận định: Thành phố thu hút nhiều lao động từ các địa phương khi mở cửa trở lại. Sau đại dịch, người lao động ĐBSCL có xu hướng lựa chọn điểm đến an toàn hơn khi trở về quê từ vùng dịch. Nhiều lao động có nhu cầu làm việc tại chỗ hoặc ở những tỉnh lân cận; vì vậy, các địa phương, doanh nghiệp cần thống kê, phân loại nguồn nhân lực dựa trên trình độ, kinh nghiệm để có chính sách thu hút theo từng lĩnh vực.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, từ ngày 30/9 đến 4/11, tổng số lao động làm việc ngoài tỉnh về Cà Mau là hơn 21.900 người. Sau cả tháng ròng cách ly, theo dõi sức khỏe, dòng người trở về đã “lại sức” cho nên muốn rời tỉnh tìm việc. Nhu cầu quay lại nơi làm việc và tìm việc ngoài tỉnh là hơn 8.300 lao động; nhu cầu tìm việc trong tỉnh là hơn 4.600; 2.770 lao động có nhu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình, số còn lại cần giải quyết việc làm nhưng chưa xác định nhu cầu. Chị Lâm Quỳnh Như, công nhân ở miền biển Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) trở về từ tỉnh Bình Dương cho biết: “Do khó tìm việc làm ở Cà Mau cho nên khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi lại muốn ra ngoài tỉnh để có việc làm, thu nhập”.

Cà Mau hiện có 184 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động tại tỉnh, với tổng số cần tuyển là hơn 35.500 người. Trong đó, có 17 doanh nghiệp trong tỉnh cần lao động phổ thông và qua đào tạo nghề hơn 4.400 người; 167 doanh nghiệp ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng hơn 31.100 người. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, nhiều tỉnh bạn đã liên hệ với địa phương để tuyển dụng công nhân Cà Mau trở lại làm việc. Từ nay đến cuối năm, tỉnh có kế hoạch tổ chức bốn phiên giao dịch việc làm với các hình thức linh hoạt, tổ chức tư vấn, tuyên truyền giúp người lao động tiếp cận thông tin thị trường để chủ động đăng ký tham gia. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tiếp tục phối hợp Sở Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung kinh phí cho lao động vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình.

Tại Sóc Trăng, tuy ảnh hưởng dịch Covid-19 khá nặng nề, nhưng địa phương vẫn bảo đảm chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa. Lũy kế 10 tháng năm 2021, có 303 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 2.084 tỷ đồng, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng. Tỉnh đã hỗ trợ 1.371 doanh nghiệp với kinh phí 20,28 tỷ đồng, 76.575 người lao động với kinh phí 116,42 tỷ đồng. Trong đó, lao động tự do là 75.569 người với kinh phí 113,35 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động như rà soát, kết nối doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng vào hai tháng cuối năm. Tại khu công nghiệp An Nghiệp, do giãn cách cho nên số công nhân nghỉ việc khá đông. Hiện các doanh nghiệp đang “khát” công nhân do phải gấp rút hoàn thành đơn hàng cho đối tác dịp cuối năm. Đúng lúc, hơn 45.000 người từ các tỉnh, thành phố trở về đang là nguồn nhân lực bổ sung rất kịp thời. Cái khó là việc tuyển dụng đòi hỏi phải có tay nghề và kinh nghiệm, như ngành may mặc, chế biến bánh kẹo. Đến nay, Sóc Trăng đã giới thiệu, giải quyết cho hơn 15.000 lao động có việc làm. Anh Thạch Thal ở huyện Thạnh Trị cho biết, sau nhiều năm đi làm xa giờ chỉ muốn được làm việc tại quê nhà. Anh Thal rất mong địa phương có chính sách hỗ trợ người lao động hồi hương để sớm ổn định cuộc sống.

TP Cần Thơ hiện có bảy doanh nghiệp có ca F0. Trong đó, một công ty chế biến thủy sản phát hiện tới hơn 500 F0 cho nên phải tạm đóng cửa. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp yêu cầu công nhân cam kết bảo đảm an toàn trong lúc đi, về từ nhà đến công ty, đồng thời tăng cường giám sát việc thực hiện của người lao động đơn vị mình trong phòng, chống Covid-19 để bảo đảm an toàn. Theo một số doanh nghiệp ngành may mặc, chế biến thủy sản ở TP Cần Thơ, nhiều lao động cư trú tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang… trong thời gian nhà máy ngừng việc đã trở về quê. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp được hoạt động trở lại nhưng số lao động này lại chưa thể làm việc. Nguyên nhân do dịch bệnh diễn biến phức tạp và do vướng các quy định phòng, chống dịch của các địa phương cho nên người lao động có tâm lý chờ dịch lắng xuống, đồng thời chờ tiêm đủ liều vắc-xin mới trở lại. Vì thế các doanh nghiệp kiến nghị, UBND thành phố Cần Thơ ưu tiên tiêm vắc-xin đủ liều cho công nhân trực tiếp sản xuất; các tỉnh trong vùng cần có chính sách đồng bộ, thông thoáng để nối lại, khơi thông thị trường lao động.

Từ giữa tháng 10 đến nay, tại Bạc Liêu có một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất hiện ổ dịch với nhiều công nhân mắc. Bà Âu Ngọc Vững, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chế biến, xuất khẩu thủy sản Âu Vững (trụ sở chính tại thị xã Giá Rai) cho biết: Công ty hiện có hơn 200 công nhân chuyên lột vỏ tôm, hầu hết là người dân ở các xã, phường trong huyện. Đáng chú ý là, hiện nay phần lớn công nhân mới chỉ tiêm vắc-xin mũi 1. Vì vậy, công ty tạm thời cho công nhân nghỉ việc, khi nào tiêm đủ 2 mũi mới bắt đầu hoạt động trở lại. Giám đốc Công ty TNHH Thái Minh Long, Trần Văn Diệu, là một trong những doanh nghiệp chế biến thủy sản đóng trên địa bàn thị xã Giá Rai cho biết, hầu hết doanh nghiệp phải cắt giảm số lượng công nhân, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để duy trì sản xuất.

Mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nhưng trong 10 tháng qua, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của tỉnh Bạc Liêu đạt hơn 52.296 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 500 triệu USD, tăng hơn 2% so cùng kỳ. Địa phương duy trì kết nối, trao đổi trực tuyến hằng tuần nhằm kịp thời ghi nhận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Vì vậy, trong thời gian qua có hơn 50% doanh nghiệp chế biến thủy sản vừa bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, vừa phòng, chống dịch bệnh theo phương châm “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Tại Cà Mau, những ngày đầu tháng 11, ca mắc cộng đồng “tấn công” vào nhiều đơn vị sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh, đặc biệt là các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Nặng nhất là tại Tập đoàn thủy sản Minh Phú, đến nay đơn vị đã tự sàng lọc phát hiện tổng số hơn 20 F0 tại nhiều phân xưởng. Những ngày qua, công ty này tăng tần suất test sàng lọc hằng ngày đối với tất cả lao động trước khi vào khu vực sản xuất thay vì test định kỳ hằng tuần như trước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: Các nhà máy chế biến thủy sản chủ động test sàng lọc cho công nhân nhằm bảo đảm an toàn, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất. Nhiều đơn vị chế biến thủy sản tại địa phương còn chủ động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” để giảm nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nhà máy. Nhờ đó, 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt 860 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ năm 2020.

Theo LIÊN PHONG, TRỌNG DUY, TÂM TÙNG (Nhân Dân)