Hỏi ra mới biết, đó là chợ phiên 25 tây. Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Hòa Nam - Nguyễn Văn Tửng cho biết: “Từ năm 2001, xã thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng thường xuyên của trạm y tế vào ngày 25 tây hàng tháng. Trạm y tế xã gần chợ nên các tiểu thương nhiều nơi khác thấy cứ đến ngày 25 là người dân lại tập trung đông để đưa trẻ tiêm ngừa, do đó, họ đến để trao đổi, mua bán hàng hóa. Lúc đầu chỉ có vài người bán, rồi người này truyền tai người khác, đến nay, chợ có trên 300 gian hàng”.
Đã thành thông lệ, hơn 20 năm nay, cứ đến ngày 25 hàng tháng, tiểu thương ở khắp nơi tập trung về mua, bán tại chợ phiên Bình Hòa Nam. Khác với phiên chợ nơi thành thị, người dân thích đi chợ phiên ở quê nhiều hơn, bởi nó mang lại sự ấm áp, gần gũi và lẫn đâu đó cái cảm giác nhớ lại ký ức tuổi thơ về cảnh chợ xưa, chợ của hương vị Tết.
Chợ có nhiều mặt hàng cho người dân dễ lựa chọn
Theo người dân nơi đây, tầm khoảng 4 giờ, các tiểu thương rải rác họp chợ, chủ yếu là những người ở xa, họ tranh thủ đến sớm để bày hàng. Đến khi mặt trời ló dạng là chợ đã đông đúc.
Dạo một vòng quanh chợ, chúng tôi cảm nhận được không khí náo nhiệt chẳng khác nào chợ tết ở vùng quê. Các gian hàng bày bán san sát nhau, phân chia hợp lý theo từng khu đồ khô, đồ tươi sống, quần áo - vải vóc, hàng ăn uống. Đặc biệt, sản phẩm hàng Việt cũng xuất hiện nhiều và thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Người rao, người trả giá, tiếng xe hàng leng keng,… tạo nên một âm thanh đa sắc vào buổi sáng ở vùng quê.
Nghỉ mệt dưới bóng mát của một cây dù tại chợ, bỏ giỏ xách chứa dầu ăn, nước mắm vừa mua được xuống chân, bà Đào Ngọc Phước (gần 70 tuổi, ngụ ấp 3, xã Bình Hòa Nam) tươi cười nói: “Chợ phiên 25 tây của xã Bình Hòa Nam đông vui thiệt, người mua, kẻ bán nhộn nhịp, muốn mua gì cũng có, rất tiện lợi cho người dân”.
Gian hàng mây, tre, lá của chị Phạm Thị Yến được nhiều người quan tâm
Bị thu hút bởi các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, hàng mây, tre, lá, dừng lại ít phút tại gian hàng của chị Phạm Thị Yến để quan sát, chúng tôi thấy chị rôm rả chào hàng và nhanh tay đưa từng sản phẩm nhà làm cho khách lựa chọn, chủ yếu là nón lá, đũa tre, rổ tre, dụng cụ nhà bếp,…Chị Yến cho biết, nhà chị ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Gia đình chị có nghề đan rổ rá bằng tre và cũng đã có nhiều năm buôn bán mặt hàng này tại các chợ ở huyện Đức Huệ, nhất là chợ phiên 25 tây Bình Hòa Nam, giá dao động từ 10.000 đồng/món cho đến trên 120.000 đồng/món.
Chị Yến xởi lởi: “Tôi là dân đan rổ mà, nên mấy món đồ tôi bán rất được người dân ở quê ưa chuộng. Hàng nhà làm nên chủ yếu lấy công làm lời, bán vừa túi tiền người mua. Hơn 10 năm nay, rong ruổi với nghề buôn bán, tôi đi khắp các chợ ở huyện Đức Huệ, rồi chợ Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa nhưng tôi thấy chợ phiên 25 tây Bình Hòa Nam 1 tháng có 1 ngày nhưng người dân đi chợ đông vui, mà mình bán cũng có thu nhập nữa”.
Đến tầm 9 - 10 giờ là chợ bắt đầu tan dần, khu vực chợ xã Bình Hòa Nam lại trở về với khung cảnh sinh hoạt thường ngày của các hộ sinh sống tại đây.
“Để chợ phiên 25 tây Bình Hòa Nam được tiếp tục duy trì và thể hiện bản sắc văn hóa, văn minh của một chợ Việt ở nông thôn, thời gian qua, UBND xã chỉ đạo Công an xã phối hợp Ban quản lý chợ sắp xếp vị trí bán cố định cho các tiểu thương để bảo đảm an ninh, trật tự trong phiên chợ và an toàn giao thông cho người dân khi đi chợ” - ông Nguyễn Văn Tửng cho biết thêm.
Là xã duy nhất của huyện Đức Huệ có chợ phiên hàng tháng, đây không chỉ là nét đặc sắc riêng của xã nông thôn mới Bình Hòa Nam, thu hút, tạo sự kết nối, giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa với các địa phương lân cận, mà còn góp phần phát triển kinh tế - văn hóa của xã trên chặng đường xây dựng nông thôn mới nâng cao./.
Theo NHƯ HUỲNH (Báo Long An)