Long An: Tiềm năng du lịch chưa được đánh thức ở Mỹ Lệ

16/10/2019 - 09:32

So với nhiều xã của huyện Cần Đước, tỉnh Long An, thì Mỹ Lệ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống - xu hướng du lịch hiện nay. Tuy nhiên, đến nay, xã Mỹ Lệ cũng như huyện Cần Đước chưa có những chương trình, đề án nhằm khơi dậy tiềm năng du lịch của vùng đất này.

Hội thi cán bánh phồng tại đình Vạn Phước

Mỹ Lệ là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, nơi nhạc sư Nguyễn Quang Đại từng dừng chân dạy nhạc, khai sáng dòng nhạc lễ nhạc tài tử Nam bộ. Đình Vạn Phước (nơi đặt linh vị và tổ chức lễ giỗ nghệ nhân), hàng năm được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ với sự tham gia của nhiều nghệ nhân, tài tử và du khách các nơi. Đây chính là điều kiện để quảng bá cho vùng đất giàu truyền thống văn hóa Mỹ Lệ.

Đây còn là “cái nôi” của nhiều làng nghề và sản phẩm nổi tiếng như nghề làm kim hoàn, nghề làm bánh phồng, nghề bún, hủ tíu, nghề làm lò đất,... đặc biệt là gạo Nàng Thơm Chợ Đào, đặc sản nổi tiếng của vùng đất phương Nam. Ngoài ra, Mỹ Lệ còn có những nét rất đặc trưng, đó chính là cánh đồng lúa Nàng Thơm ngan ngát hương, dòng sông Rạch Đào thơ mộng gắn liền với huyền thoại khúc Nam Ai đưa tiễn người con gái tham gia kháng chiến của cố nghệ nhân Tư Bền (ngón đàn tranh nổi tiếng của vùng đất Cần Đước), cũng là quê hương của nhiều nghệ nhân đờn ca tài tử tên tuổi như nhạc sư Hai Biểu (giáo sư Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn), ngón đàn tranh và ghi-ta phím lõm của nghệ nhân Bảy Quế, quê hương của ông bầu cải lương nổi tiếng Năm Vui,... Tất cả những sản vật, nét văn hóa độc đáo ấy không phải nơi nào cũng có được.

Chúng tôi có dịp gặp gỡ nhiều người dân Mỹ Lệ, họ đều mong muốn có thể gìn giữ làng nghề truyền thống và được tiếp đón du khách phương xa đến tham quan, tìm hiểu quá trình làm ra sản phẩm để quảng bá, giới thiệu về vùng đất hiền hòa, hiếu khách này. Cần Đước có hệ thống giao thông khá thuận lợi, dễ dàng kết nối với TP.HCM và Tiền Giang. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là việc tổ chức tour để du khách có thể tham quan trực tiếp và tham gia vào các công đoạn chế biến bánh phồng, làm hủ tíu và thưởng thức sản phẩm khi được tự tay nướng bánh phồng bằng lửa rơm, nấu tô hủ tíu bằng chính sợi hủ tíu vừa làm ra, được ăn bữa cơm nấu từ gạo Nàng Thơm cùng với cá bống kèo kho tộ...

Trong một buổi sáng hơi sương còn đọng trên cành cây, ngọn cỏ, được ngồi trên chiếc xuồng xuôi dòng Rạch Đào, nghe câu chuyện về 3 cô gái trẻ: Mỹ - Hoa - Lan vừa tuổi trăng tròn, nắm tay nhau bước vào cuộc kháng chiến, mỗi người khi hy sinh đều để lại những câu chuyện rất cảm động và đầy tự hào cho quê hương. Cũng chính từ câu chuyện của họ, đã có biết bao bài bản tài tử được viết nên và trong làn gió mát sông Rạch Đào, thoang thoảng hương lúa Nàng Thơm, nghe tiếng đàn tài tử ngọt ngào khiến du khách vơi đi bao lo toan, mệt nhọc của cuộc sống để tận hưởng khoảnh khắc yên bình. Và khi rời vùng quê này, du khách sẽ mang theo chiếc bánh phồng, gói hủ tíu, hũ mắm còng, mắm tôm đậm đà, những túi rau xanh vừa hái bên hàng rào và cả những đoạn phim ngắn với câu vọng cổ vừa học được do bạn bè ghi lại. Có lẽ, đó sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ.

Để biến tiềm năng thành hiện thực, địa phương cần nghiên cứu xây dựng kế hoạch cụ thể, cùng với người dân thực hiện Đề án “Mỗi làng nghề một sản phẩm” mà địa phương đang triển khai, đồng thời liên kết với các đơn vị du lịch tổ chương trình nhằm khai thác tiềm năng du lịch của Mỹ Lệ.

Theo Báo Long An