Vợ chồng anh Ri Bo đóng gói sản phẩm măng tây xanh Ri Bo Cần Thơ, chuẩn bị giao theo đơn đặt hàng.
Gia đình có 7 anh em, ai cũng thích mua bán, kinh doanh, chỉ có anh Ri Bo phụ giúp cha mẹ việc ruộng đồng. Thời trẻ, anh học và làm nhiều nghề, mỗi thứ biết một chút, chưa thật sự đam mê, theo đuổi nghề nào. Năm 33 tuổi, anh Ri Bo lập gia đình với chị Phan Thị Thùy Trang. Ngoài phụ giúp gia đình làm hơn 10 công ruộng mỗi năm 3 vụ, anh Ri Bo tham gia đờn ca tài tử, bếp ăn từ thiện, tập lái xe và chuyên chở hàng nông sản cho một công ty. Trong các chuyến giao hàng, anh Ri Bo phát hiện và tìm hiểu “lai lịch” măng tây chỉ vì hiếu kỳ “giống cây này ra sao mà tiêu thụ mạnh và bán được giá ?”. Khi nắm thông tin măng tây có hàm lượng dinh dưỡng cao và rất tốt cho sức khỏe, phòng, trị nhiều bệnh, anh nẩy sinh ý định trồng giống cây này tại quê nhà.
Năm 2017, qua học hỏi các nhà vườn cách trồng, chăm sóc măng tây ở Ninh Thuận, anh Ri Bo mang 200 cây giống về quê trồng thử nghiệm. "Vạn sự khởi đầu nan” nhưng anh không nản. Tiếp tục tìm tòi, học hỏi kỹ thuật từ nhiều kênh, anh Ri Bo vay tiền ngân hàng đầu tư trồng 4 công măng tây. Anh dành trọn năm đầu trồng cỏ với tác dụng làm sạch đất. Người dân trong xóm bàn tán, cho rằng anh Ri Bo bất thường “đất gia đình đang trồng lúa lại phá đi trồng cỏ cho bò ăn”. Năm 2018-2019, anh Ri Bo dọn sạch cỏ, cải tạo đất tươi xốp, lên liếp và trồng cây giống. Anh bón phân hữu cơ vi sinh, lắp đặt hệ thống phun tưới nhỏ giọt, đảm bảo lượng nước vừa đủ cho măng tây, tránh làm úng gốc, vệ sinh môi trường. Năm 2020, sau 8 tháng gieo trồng, anh bắt đầu thu hoạch măng tây. Sau mỗi đợt thu hoạch, anh tạm dừng để tiếp tục bón phân, cung cấp dinh dưỡng cho cây. Thông qua người thân, bạn bè, mạng xã hội, anh Ri Bo kết nối, giới thiệu sản phẩm và tìm mối tiêu thụ. Anh Bo dành lợi nhuận sau thu hoạch và 65 triệu đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng diện tích 14 công đất trồng măng tây. Hiện nay vợ chồng anh thuê 4 người trong xóm phụ việc, mức lương từ 5-6 triệu đồng/tháng. Quá trình sản xuất, anh Ri Bo hướng đến thực hiện 4 tiêu chí về kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm, môi trường làm việc, nguồn gốc sản phẩm…, đảm bảo cung ứng cho thị trường sản phẩm măng tây đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Theo anh Ri Bo, từ sau khi dịch bệnh được kiểm soát, mỗi ngày anh bán bình quân từ 40-60kg măng tây, giá dao động từ 70.000-120.000 đồng/kg, tùy loại. Khoảng rằm tháng Chạp đến Tết Nguyên đán, sản phẩm măng tây được tiêu thụ mạnh tại một số siêu thị mini, và “lên dĩa” tại các đám tiệc, được nhiều thực khách ưa chuộng bởi những lợi ích đối với sức khỏe. Bên cạnh đó, vợ chồng anh Ri Bo ươm hạt giống măng tây, thử nghiệm chế biến sản phẩm trà măng tây, có tác dụng tốt cho sức khỏe. Mời khách tách trà măng tây thơm ngát, sóng sánh ánh vàng, chị Trang nói: “Tôi chế biến trà bằng phương pháp thủ công, bán giá 500.000 đồng/kg. Tôi hy vọng khi có điều kiện ứng dụng kỹ thuật công nghệ thì sản phẩm trà đạt yêu cầu chất lượng cao cấp hơn, giá thành từ 800.000 đồng/kg”. “Tôi rất vui khi thành quả lao động của mình được công nhận. Tôi kết giao với nhiều người, trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác, góp phần nâng cao sản lượng, giới thiệu giá trị và tiêu thụ sản phẩm măng tây” - Anh Ri Bo bộc bạch.
Vừa say sưa câu chuyện khởi nghiệp, với dự tính về hướng phát triển của măng tây, vợ chồng anh Ri Bo vừa đóng gói hoàn tất 40kg thành phẩm măng tây theo đơn đặt hàng của các nhà hàng, siêu thị, quán ăn, cửa hàng thực phẩm sạch ở quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy. Anh Ri Bo đã hoàn tất hồ sơ, thủ tục để sản phẩm măng tây xanh được chứng nhận OCOP, có thể mở rộng thị trường tiêu thụ ở các tỉnh, thành khác. Anh Ri Bo bày tỏ mong muốn được hỗ trợ giới thiệu, kết nối nhà đầu tư để có cơ hội nhân rộng mô hình trồng măng tây và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài, tạo việc làm cho người dân dịa phương.
Theo Báo Cần Thơ