Người nước ngoài trải nghiệm du lịch ĐBSCL tại một homestay
Một vòng... đi nghỉ sinh thái
Nhân kỳ nghỉ phép năm, một nhóm bạn ở Hà Nội thỏ thẻ: “Nghe đâu miền Tây khá nổi tiếng với du lịch homestay, kỳ này mấy anh em muốn trải nghiệm, chú làm “thổ địa” dẫn đường nhé!”. Vậy là chuyến hành trình về miền Tây bắt đầu.
Tôi đón đoàn ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, định rằng sẽ trải nghiệm dịch vụ homestay Tư Cá Linh, có khuôn viên rộng cả ngàn mét vuông, với hơn 10 phòng lưu trú nằm trên hồ sen bạt ngàn, món ăn cũng phong phú, đậm chất miền Tây và có nhiều hoạt động trải nghiệm như bắt cá, bắt cua, chèo xuồng hái sen, tắm sông…
Tiếc rằng, hôm đó chú Tư (chủ homestay) không nhận khách nữa vì lượng khách đã quá đông, đầu bếp phục vụ không kịp.
Vậy là đoàn của chúng tôi xuôi về TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), điểm đến là homestay Ngôi nhà Hoa và Ếch. Đến nơi, trời cùng đã chạng vạng và dường như chỉ có mỗi đoàn của chúng tôi. Mặc dù hơi vắng, nhưng nhóm bạn của tôi khá thích thú với không gian ở đây. Xung quanh homestay trồng khá nhiều hoa và nuôi ếch, đúng như tên gọi của homestay này.
Theo anh Nghĩa Nhân, một thành viên trong nhóm bạn: “Đây đúng là nơi mà mình mong muốn trải nghiệm, xung quanh trồng nhiều hoa nên khí hậu mát mẻ, không cần sử dụng máy điều hòa. Đặc biệt, nhà hàng ăn uống cặp mé sông nên khá thi vị, thực đơn cũng phong phú, ếch nuôi tại chỗ nên ăn cũng an tâm”.
Phòng ngủ được thiết kế khá đơn giản, nền lót gạch tàu, tường xây gạch thẻ, đơn giản, tạo cảm giác dân dã, gần gũi. Phòng ngủ tập thể khá rộng với nhiều giường san sát, thích hợp cho khách đoàn.
Tự phát, khó quản lý
Nhiều người cho rằng làm homestay ở những vùng quê như Đồng Tháp, Bến Tre hay Cà Mau sẽ thu hút nhiều khách du lịch hơn vì giữ được sự nguyên sơ, nhưng tại thành phố trực thuộc Trung ương như Cần Thơ, nhiều người dân cũng nô nức làm homestay.
Rảo quanh các điểm du lịch trên địa bàn TP Cần Thơ, chúng tôi đếm sơ sơ có gần 30 homestay đang hoạt động, với khoảng 300 phòng lưu trú. Một lần ghé Khu du lịch Cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), chúng tôi tìm đến hộ của chị Phan Thị Kim Phước, Nhà vườn Song Khánh, kinh doanh homestay với 1 phòng kính, 3 giường ngủ dạng gia đình, sức chứa khoảng 8 người.
Nhà vườn mỗi tuần đều có khách lưu trú. Chị Phước chia sẻ, khoảng tháng 10 đến tháng 4 âm lịch, khách quốc tế đến lưu trú khá đông, còn những tháng hè thì là khách nội địa, Việt kiều. Từ chỗ doanh thu vài triệu mỗi tháng vào năm 2015, hiện nay nhà vườn của chị thu được hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Chị Kim Phước cho hay, cá biệt có một khách Việt kiều Canada lưu trú tại đây 3 tháng để trải nghiệm cuộc sống miền quê sau một thời gian dài xa quê hương. “Ở đây, món ăn nhà chị có sẵn thứ gì, chị làm món đó, chủ yếu là “cây nhà lá vườn”. Sau nhà có nuôi cá tai tượng, có sen, chị làm món cá tai tượng nướng lá sen; vườn có rau tập tàng, chị nấu lẩu cua đồng”, chị Phước nói.
Hiện nay, hầu như các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đều đua nhau phát triển loại hình du lịch homestay, vì vốn đầu tư ít mà lại cho thu nhập cao. Thực tế cho thấy, thời gian qua, dịch vụ này phát triển tự phát và rất “nóng”.
Bên cạnh nhiều homestay phát triển ổn định, cũng có không ít homestay vắng khách. Nguyên nhân vắng khách là do điều kiện địa lý, tuyến kết nối, kinh nghiệm làm dịch vụ còn yếu, khu vực không thích hợp để phát triển homestay. Thế nhưng, người dân lại nghĩ đơn giản rằng chỉ cần có hương đồng, cỏ nội là có thể mở homestay.
Theo ông Trần Chí Cường, Phó Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Tháp: “Một số điểm du lịch homestay trên địa bàn đôi khi đông khách, đôi khi lai rai, có khi cũng vắng không ai đến. Như homestay Tư Cá Linh, ở tận huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, vào mùa nước nổi có khá đông du khách đến trải nghiệm, nhưng những tháng khác cũng không được nhiều.
Vì vậy, việc quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng là điều cần thiết cũng như cần định hướng, tập huấn cho người dân làm du lịch để loại hình du lịch cộng đồng, dịch vụ lưu trú homestay trở thành điểm nhấn trong lòng du khách”.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ, cho biết, việc khai thác loại hình dịch vụ du lịch homestay trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, sinh thái của địa phương là một cách làm hay, qua đó tạo việc làm và tăng thu nhập du lịch cho người dân, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa.
Để phấn đấu phát triển du lịch thành nền kinh tế mũi nhọn của thành phố, trong đó chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, sở đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức 10 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch, với tổng số học viên tham gia và được cấp giấy chứng nhận là 400 học viên.
Sở cũng đã triển khai 12 lớp đào tạo nấu ăn, pha chế, nghiệp vụ du lịch tại các quận, huyện: Thốt Nốt, Bình Thủy, Ninh Kiều, Ô Môn, Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh với gần 400 học viên tham gia. Bên cạnh đó, sở cũng tổ chức cho các nhà vườn làm du lịch khảo sát và trao đổi kinh nghiệm các mô hình du lịch cộng đồng, các điểm du lịch tiêu biểu và homestay tại tỉnh Bến Tre.
Cũng theo ông Tuấn, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân phát triển loại hình này đúng theo quy định của pháp luật; đồng thời sẽ tham mưu công tác cảnh quan môi trường, vệ sinh an toàn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng làm du lịch cho người dân, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Mặc dù hiện nay trên địa bàn thành phố không có dịch vụ homestay tự phát, nhưng sở cũng cố gắng quản lý chặt chẽ, không để làm ảnh hưởng chung đến ngành du lịch.
Theo SGGPO