Nắng nóng bất thường - cơ hội “hot” cho lúa gạo Việt

11/10/2022 - 14:32

Nhiệt độ cao bất thường khiến nhiều quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc bị ảnh hưởng. Đây được xem là cơ hội để lúa gạo Việt tăng tốc lợi nhuận cho người trồng lúa.

Nông dân Tân Hồng thu hoạch lúa. Ảnh: LT

Cường quốc “toát mồ hôi”

“Thời tiết thay đổi bất thường đã khiến nhiều cường quốc lúa gạo thế giới toát mồ hồi” - ThS. Nguyễn Phước Tuyên, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp cho biết. Cụ thể, nắng nóng bất thường kéo dài, gây hạn hán trên diện rộng đã khiến 2 quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh. Nền nhiệt độ cao bất thường và điều kiện khô hạn trên diện rộng hồi tháng 7 và tháng 8/2022 đã khiến Trung Quốc, quốc gia sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới rơi vào tình trạng thất mùa trên diện rộng. Theo dự báo của các chuyên gia thế giới, dù diện tích gieo sạ ước tính đạt 30 triệu héc-ta, nhưng sản lượng gạo niên vụ 2022-2023 của Trung Quốc ở mức 147 triệu tấn, giảm tương đương 2 triệu tấn so với năm trước. Ảnh hưởng lớn nhất là vùng hạ lưu thung lũng Dương Tử, bao gồm các tỉnh: Tứ Xuyên, Hồ Nam, Giang Tây, Hồ Bắc và An Huy, làm giảm năng suất lúa 1 vụ và lúa 2 vụ muộn. Điều đáng nói là các tỉnh này chiếm khoảng 56 triệu tấn hay 39% tổng lượng gạo Trung Quốc. Ngoài ra, 2 tỉnh sản xuất lúa gạo chính của Trung Quốc là Giang Tây và Hồ Nam (đóng góp trên 20% sản lượng gạo toàn quốc) cũng bị hạn hán nghiêm trọng làm thiệt hại đến 612.500ha đất nông nghiệp. Trong đó có đến 67.200ha bị mất trắng. Ước thiệt hại lên đến 840 triệu đô la Mỹ.

Trong khi đó, nắng nóng kéo dài cũng khiến Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới cũng lâm cảnh thất mùa. “Tại Ấn Độ, nắng nóng kéo dài khiến lượng mưa tích lũy giảm dao động từ 20-30%, tạo ra nạn hạn hán trên diện rộng, trong đó có nhiều vùng trồng lúa chủ lực của quốc gia này”- ThS Tuyên chia sẻ thêm. Vì vậy, các dự báo cho thấy, sản lượng gạo của Ấn Độ niên vụ 2022-2023 ở mức 126,5 triệu tấn, giảm gần 3% so với niên vụ 2021-2022. Đây được xem là sự giảm sút lịch sử, đánh dấu lần đầu tiên sản lượng gạo Ấn Độ không tăng kể trong 10 năm gần đây.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, yêu cầu cấp thiết để gạo Việt tăng tốc trong bối cảnh nắng nóng, ảnh hưởng đến nhiều cường quốc lúa gạo. Ảnh: LT

Cơ hội cho gạo Việt

Sự kiện 2 cường quốc lúa gạo bị thất mùa, giảm sản lượng, lập tức tạo ra cơn địa chấn thị trường thương mại lúa gạo toàn cầu. “Hạn hán kéo dài, lượng mưa thấp hơn 25% so với trung bình các năm đã gây ra nạn thiếu nước tưới đã làm giảm 5,6% sản lượng gạo trong vụ Kharif năm 2022 (kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10) đã khiến Chính phủ Ấn Độ đưa ra chính sách hạn chế xuất khẩu gạo” - ThS. Tuyên chia sẻ. Cụ thể, ngày 9/9/2022, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh ngưng xuất khẩu tấm. Bên cạnh đó, họ còn đánh thuế lên gạo trắng và gạo lức xuất khẩu với mức thuế 20%. Với việc chiếm trên 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, lớn hơn tổng 4 quốc gia xuất khẩu tiếp theo cộng lại (Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Hoa Kỳ) động thái này của Ấn Độ đã làm thị trường gạo thế giới biến động mạnh. Trước hết là hụt nguồn cung. Đặc biệt chính sách mới này của Ấn Độ sẽ loại bỏ gạo tấm, vốn chiếm hơn một nửa thương mại tấm toàn cầu, đã ảnh hưởng lớn đến các quốc gia chuyên nhập khẩu mặt hàng này của Ấn Độ là Trung Quốc và Senegal. Trong khi đó, do bị ảnh hưởng gieo trồng lúa trên diện rộng nên Trung Quốc tăng cường nhập khẩu cả tấm lẫn gạo. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2022, quốc gia này đã nhập khẩu tổng cộng 4,07 triệu tấn, tăng 43,31% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy cơ hội mở rộng đường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang rất lớn. Được biết, vài năm qua, được sự “bảo hộ” của Chính phủ, giá gạo xuất khẩu Ấn Độ ở mức thấp so với các nhà xuất khẩu lớn khác, được xem là lựa chọn hấp dẫn đối với các nước nhập khẩu có thu nhập thấp. Vì thế khi áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% đã đẩy giá gạo Ấn Độ từ 350 USD/tấn lên 420 USD/tấn, cao hơn hầu hết các nhà xuất khẩu Châu Á, ngoại trừ Thái Lan. Đây được xem là thời cơ để gạo Việt Nam tăng tốc, nhất là thị trường rộng lớn là Trung Quốc. Bởi bên cạnh lợi thế địa lý, gạo Việt còn có thêm lợi thế về vòng quay của vụ lúa so với đối thủ “nặng ký” trực tiếp của mình là Thái Lan, do phần lớn diện tích trồng lúa ở đây chỉ 1 vụ/năm.

Thực tế cho thấy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được xuất khẩu với mức 433 USD/tấn, tăng khoảng 10% so với mức giá ghi nhận tại thời điểm đầu năm nay. Các nhà xuất khẩu tăng cường thu mua từ nông dân. Thống kê mới nhất từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tính từ đầu năm 2022 đến trung tuần tháng 9, xuất khẩu gạo của nước ta đã đạt 5,02 triệu tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,44 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Với đà này, theo dự báo, từ nay đến cuối năm, Việt Nam không chỉ dễ dàng xuất khẩu khoảng 1,5 - 1,7 triệu tấn, để đạt và vượt chỉ về lượng gạo xuất khẩu gạo là 6,3 - 6,5 triệu tấn, mà còn nhiều khả năng tăng cả giá bán. Đây cũng chính là cơ hội lớn để bù đắp cho người trồng lúa trong bối cảnh nhiều mặt hàng đầu vào tăng mạnh. Quả bóng đang nằm trong chân nhà điều hành.

Theo Báo Đồng Tháp