Sông Vàm Cỏ Đông qua Long An đã bị xâm nhập mặn khá sâu
Ngày 23/4, Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An - Nguyễn Thanh Truyền đã có văn bản gửi Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam đề nghị tăng cường xả nước Hồ Dầu Tiếng về sông Vàm Cỏ Đông nhằm khống chế ranh mặn, đảm bảo nguồn nước ngọt vận hành các trạm bơm và kênh rạch phục vụ sản xuất.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình hình nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn tăng cao trên địa bàn tỉnh Long An đang diễn ra gay gắt, phức tạp, mưa trái mùa không xuất hiện, mực nước trên các sông, kênh, rạch bị hạ thấp.
Ngoài ra, xâm nhập mặn trên 2 tuyến sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây đã vào nội địa hơn 100km tính từ cửa sông Soài Rạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Theo thông báo chất lượng nước ngày 15/4/2024 của Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi, ranh mặn 1g/l và 4g/l trên sông Vàm Cỏ Đông đã xâm nhập sâu vào nội địa lần lượt từ 76 – 110km (huyện Bến Lức và huyện Đức Huệ), trong đó ranh mặn 1g/l đã lên đến trạm Xuân Khánh (Trà Cú, Đức Hòa).
Theo bản tin dự báo xâm nhập mặn khu vực Nam Bộ từ ngày 10 - 20/4/2024 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia: Phạm vi ranh mặn 4g/l trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 90 -110km. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao khả năng tập trung trong tháng 4 - 5/2024 (từ 22-28/4 và từ 07 – 11/5).
Trước diễn biến xâm nhập mặn như trên, nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước ngọt, tạo nguồn trên sông Vàm Cỏ Đông để các trạm bơm Lộc Giang A,B (huyện Đức Hòa) và Bà Mùi (huyện Đức Huệ) đang vận hành bơm tưới, đồng thời còn có các tuyến kênh rạch trên địa bàn 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ đang cần nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất.
Theo hợp đồng đã ký kết giữa Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, trong đó có nội dung: “Bảo đảm cấp nước Hồ Dầu Tiếng để tưới và tạo nguồn đẩy mặn và giữ ngọt trên sông Vàm Cỏ Đông mức đảm bảo < 0,2% tại Xuân Khánh”.
Từ những nội dung trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An đề nghị, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam cân đối nguồn nước Hồ Dầu Tiếng tăng cường xả nước về sông Vàm Cỏ Đông để đẩy mặn, đảm bảo các trạm bơm Lộc Giang A,B (huyện Đức Hòa) và Bà Mùi (huyện Đức Huệ) vận hành bơm tưới, và các tuyến kênh tạo nguồn chống hạn, phục vụ ổn định sản xuất và dân sinh.
Khi xả nước về sông Vàm Cỏ Đông, đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Long An thống nhất lưu lượng, thời gian xả hợp lý để tỉnh Long An theo dõi, tranh thủ vận hành các trạm bơm, mở các cống lấy nước tưới số diện tích sản xuất đang bị ảnh hưởng hạn, mặn rất lớn.
Trước đó, ngày 17/4, UBND tỉnh công bố tình huống thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Long An thuộc rủi ro thiên tai cấp độ 4.
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các biện pháp công trình và phi công trình để ứng phó, khắc phục trong thời gian diễn ra thiên tai, xâm nhập mặn trên phạm vi các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề như các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Bến Lức, Châu Thành, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và TP.Tân An được thực hiện theo tình huống khẩn cấp.
Các biện pháp áp dụng thực hiện theo quy định tại khoản 4, Điều 12 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP, ngày 06/7/2021 của Chính phủ quy định chi tiết, thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Hạn, mặn đã xảy ra gay gắt ở địa bàn tỉnh
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành tỉnh, đơn vị có liên quan và UBND các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và TP.Tân An tổ chức triển khai, thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và bảo đảm cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, ngoài thiếu nước sạch sinh hoạt, hiện nay, độ mặn xâm nhập sâu vào trong các kênh, rạch nên trong mùa khô này đã có khoảng 5.000ha chanh và cây ăn trái đang thiếu nước tưới, khả năng sẽ bị giảm năng suất, sản lượng.
Trong đó, huyện Bến Lức có gần 1.500ha; huyện Thủ Thừa có gần 1.500ha; Thạnh Hóa hơn 1.000ha; huyện Tân Trụ hơn 600ha và 2 địa phương TP.Tân An, Đức Hòa hơn 80ha,.../.
Theo LÊ ĐỨC (Báo Long An)