Bà Ino Mayu hướng dẫn nông dân xã Vang Quới Đông (Bình Đại) sản xuất dừa sấy giòn.
Lập “Ngân hàng vịt”, “Ngân hàng bò”
Năm 2009, trong lần tổ chức tổng kết dự án do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, bà Inno Mayu tình cờ gặp cán bộ nông nghiệp tỉnh Bến Tre. Qua trò chuyện, bà tìm hiểu rồi đến tỉnh với mục đích giúp đỡ nông dân làm nông nghiệp sạch. Từ đó Tổ chức Seed to Table ra đời do bà làm trưởng đại diện trực tiếp vận động các doanh nghiệp, tổ chức tại Nhật Bản giúp nông dân nghèo.
Điểm đầu tiên bà đến là huyện Bình Đại để tài trợ người nghèo nuôi vịt. Bà Ino Mayu cho biết: “Năm 2011, sau khi khảo sát thực tế, tôi vận động xin công ty mỹ phẩm bên Nhật được khoảng 400 triệu đồng để hỗ trợ người dân nghèo nuôi vịt. Hầu hết họ ít đất sản xuất, phải làm thuê kiếm sống và ít học nên việc ghi chép sổ sách, tính toán chi phí rất khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự hướng dẫn, giúp sức tận tình từ cán bộ của dự án, cán bộ địa phương nên họ quen dần việc ghi chép, tính chi phí trong chăn nuôi. Ban đầu chỉ có 40 hộ tham gia, sau đó tăng lên 203 hộ”.
Từ thành công ban đầu, năm 2012, bà tiếp tục xin vốn của Bộ Ngoại giao Nhật Bản để mở rộng dự án, hỗ trợ nông dân nuôi bò với 80 con, mỗi hộ dân được vay một con bò. Nhờ “Ngân hàng vịt” và “Ngân hàng bò”, nhiều nông dân nghèo đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Điều đặc biệt là khi nông dân nuôi thành công, bò nái đẻ ra bò con sẽ trả lại cho dự án để tiếp tục cho những hộ nghèo khác vay. Đến nay, đàn bò giống đã tăng gần 600 con.
Năm 2012, gia đình bà Đoàn Thị Kim Loan là hộ nghèo tại xã Châu Hưng (Bình Đại) được dự án cho vay 25 con vịt để nuôi. Sau vài lứa vịt đạt hiệu quả, dự án nâng lên cho gia đình bà Loan vay 1 con bò giống. Bà Loan kể lại: “Khi đó gia đình tôi không có đất sản xuất, làm ăn thua lỗ nên rất khó khăn. Chị Mayu trực tiếp đến khảo sát, cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách ghi chép, kỹ thuật nuôi vịt, nuôi bò để phát triển kinh tế. Đến năm 2017, kinh tế gia đình khấm khá nên tôi tự nguyện trả sổ hộ nghèo. Tất cả đều nhờ chị Mayu giúp đỡ từ đàn vịt giống, bò giống ban đầu”.
Hiện tại, gia đình bà Loan có 11 con bò giống, trung bình mỗi năm bán 10 con bò thịt đem về lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Điều đặc biệt, con bò giống ban đầu được gia đình chăm sóc rất kỹ lưỡng và nhất quyết không bán dù bò đã già. “Con bò giống này đẻ cả chục lứa nên đã già, nhiều người xung quanh kêu bán thịt nhưng gia đình tôi nhất quyết không bán mà để nuôi như kỷ niệm mà chị Mayu đã giúp đỡ cho gia đình tôi thoát nghèo”, bà Loan tâm sự.
Trồng rau sạch, chế biến dừa hữu cơ
Từ năm 2018, Tổ chức Seed to Table thực hiện dự án trồng rau hữu cơ tại nông hộ và trường học ở các huyện (Bình Đại, Ba Tri, Mỏ Cày Nam) do Bộ Ngoại giao Nhật Bản (ODA không hoàn lại), Công ty Mitsui Busan, Công ty TOYO Tire tài trợ. Dự án đã mang lại những kết quả rất tích cực, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thông qua dự án, đã nâng cao nhận thức cho người dân trong việc sản xuất và tiêu dùng sản phẩm hữu cơ có chất lượng ngon, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, dự án của bà Ino Mayu đã tạo được sự liên kết, tổ chức và hình thành nhóm sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đây là tiền đề cho sự hình thành và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, dự án đã góp phần nâng cao năng lực quản lý, kiến thức chuyên môn, phương pháp tiếp cận cho một số cán bộ, nông dân trong tỉnh, là nền tảng để duy trì và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ tại địa phương.
Cuối năm 2019, bà Trần Thị Phương Thảo, ngụ xã Phú Lễ (Ba Tri) tham gia trồng rau sạch với diện tích 2.000m2. Khi tham gia dự án Seed to Table, bà Thảo được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, vốn ban đầu để xây dựng nhà lưới và giới thiệu đầu ra sản phẩm tại các công ty, phiên chợ xanh tử tế… Bà Thảo cho biết: “Hiện tại, cứ 2 ngày gia đình tôi bán rau 1 lần cho một công ty tại TP. Hồ Chí Minh nên an tâm về đầu ra khi trồng rau sạch”.
Tại xã Vang Quới Đông (Bình Đại) có vùng nguyên liệu dừa hữu cơ rất dồi dào nhưng hầu hết nông dân chỉ bán dừa khô thô cho các công ty chế biến nên thu nhập thấp. Bà Ino Mayu hướng dẫn người dân chế biến dừa sấy giòn, mứt dừa để có thu nhập cao hơn. Năm 2018, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tài trợ (thông qua Tổ chức Seed to Table) nhà máy chế biến các loại thực phẩm địa phương trị giá 1,6 tỷ đồng để hỗ trợ nhóm nông dân tại đây sản xuất các sản phẩm từ dừa. Đồng thời, giao cho HTX sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp Vang Quới Đông quản lý để cùng thành viên HTX sản xuất sản phẩm dừa sấy giòn.
Bà Trần Thị Thanh Hoài, ngụ ấp Vĩnh Xương (xã Vang Quới Đông) cho biết: “Hiện tại, tôi cùng nhóm chị em ở địa phương tham gia vào sản xuất dừa sấy giòn tại nhà máy. Đầu ra được chị Mayu giới thiệu trên TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận”. Định hướng của HTX trong thời gian tới là sản xuất sản phẩm dừa sấy giòn đạt chuẩn OCOP 5 sao để xuất khẩu sang Nhật Bản thông qua sự giới thiệu của bà Mayu với công ty bên Nhật Bản.
Bà Mayu cho biết: “Suốt hơn chục năm ở Bến Tre tôi chủ yếu giúp những nông dân nghèo, phụ nữ ít đất sản xuất nhằm giúp họ thay đổi tư duy, nâng cao năng lực để thoát nghèo. Từ đó, nông dân từng bước thay đổi tư duy, tập quán để sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn. Tỷ lệ hộ tham gia dự án đã thoát nghèo từ 60 - 70% là điều rất đáng mừng”.
Với những cống hiến đặc biệt đó, năm 2022, bà Ino Mayu được tỉnh vinh danh là “Công dân Đồng Khởi danh dự”. “Được vinh danh, tôi thật sự rất bất ngờ, xúc động và vinh dự khi được tỉnh Bến Tre quan tâm với những đóng góp của bản thân mình cho nông dân. Dự kiến, vài năm tới, tôi sẽ trở về Nhật sinh sống cùng gia đình sau khi kết thúc các dự án tại Việt Nam. Về Nhật nhưng bằng tất cả tấm lòng của mình, tôi sẽ tiếp tục là cầu nối với các công ty bên đó để giúp tiêu thụ nông sản sạch của nông dân Việt Nam”, bà Ino Mayu tâm sự. |
Theo HOÀNG MAI (Báo Đồng Khởi)