Nhiều doanh nghiệp tại Sóc Trăng “đói” đơn hàng cuối năm

27/12/2022 - 10:25

Nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng hiện phải đối mặt với các khó khăn, thách thức do đơn hàng sụt giảm, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm, thu nhập của người lao động.

Theo đánh giá của các sở, ban ngành tỉnh, trong năm 2022, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tác động không thuận lợi đến nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine, tình hình lạm phát ở Mỹ và châu Âu, người dân toàn cầu có xu hướng thắt chặt chi tiêu… đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp trong nước, trong đó có tỉnh Sóc Trăng. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh phải thu hẹp sản xuất, nguyên nhân do đơn hàng xuất khẩu bị giảm mạnh, đặc biệt là lĩnh vực may mặc, giày da, chế biến thủy sản…

Đi vào hoạt động cuối năm 2020, chưa kịp sản xuất ổn định thì phải tạm ngưng vì dịch Covid-19, đến khi tái hoạt động lại chưa lâu thì rơi vào cảnh thiếu hụt đơn hàng. Đó là tình cảnh của một doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp An Nghiệp tỉnh. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, kinh tế toàn cầu sụt giảm, lạm phát là nguyên nhân chính tác động tiêu cực đến thị trường tiêu thụ ngành giày da và ảnh hưởng trầm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đơn hàng những tháng cuối năm 2022 bị cắt giảm đáng kể, nằm ngoài kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Vì vậy, để duy trì hoạt động, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, doanh nghiệp đã cắt giảm lao động tại một số vị trí không quan trọng, thỏa thuận với công nhân mỗi tháng giảm từ 4 - 6 ngày công, luân phiên nghỉ để ai cũng có việc làm, thu nhập. Bên cạnh đó, để giữ chân người lao động, doanh nghiệp vẫn duy trì hỗ trợ tiền năng suất hàng tháng, xét thưởng Tết lương tháng 13 nếu công nhân làm việc hết ngày 31/12/2022.

Nhiều doanh nghiệp phải bố trí lao động nghỉ luân phiên để đảm bảo việc làm, thu nhập. Ảnh minh họa: HOÀNG LAN

Các công ty may mặc, chế biến thủy sản trong Khu Công nghiệp An Nghiệp cũng chịu chung cảnh ngộ. Thay vì những tháng cuối năm là thời điểm tăng ca, không khí sản xuất tất bật, xe đưa rước công nhân đi về các vùng nông thôn trong tỉnh chạy hết công suất thì nay lại trầm lắng hẳn. Nhiều doanh nghiệp phải thực hiện cắt giảm việc làm của người lao động, giảm giờ làm, bố trí lao động nghỉ luân phiên (từ 5 - 7 ngày/tháng), không gia hạn hợp đồng lao động đối với những vị trí làm việc không cần thiết, do hàng còn tồn kho, đơn hàng sụt giảm, thậm chí nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới.

Nếu tháng 9/2022, tổng số lao động có ký kết hợp đồng làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp An Nghiệp là 18.700 lao động và khoảng 4.500 lao động làm việc theo hình thức thời vụ, công nhật thì đến cuối tháng 11/2022, tổng số lao động có ký kết hợp đồng làm việc tại các doanh nghiệp là 18.415 lao động, giảm 285 lao động so với thời điểm tháng 9/2022; lao động làm việc theo hình thức thời vụ, công nhật là khoảng 1.200 lao động, giảm 3.300 lao động so với thời điểm tháng 9/2022.

Dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng các doanh nghiệp vẫn áp dụng trả lương cho người lao động bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng chí Nguyễn Thị Liễu - Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, đến thời điểm này, ban quản lý chưa ghi nhận doanh nghiệp nào nợ lương công nhân lao động. Hiện lương bình quân của người lao động làm việc tại Khu Công nghiệp An Nghiệp là 5.980.000 đồng, tăng 330.000 đồng so với lương bình quân năm 2021.

Chế biến thủy sản là một trong những ngành hàng bị sụt giảm đơn hàng trong năm 2022. Ảnh minh họa: HOÀNG LAN

Cũng theo đồng chí Nguyễn Thị Liễu, để đảm bảo quyền lợi cho công nhân lao động hết hợp đồng lao động hoặc bị cắt giảm, Ban Quản lý Khu công nghiệp đôn đốc doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định pháp luật, trả lương trong thời gian ngừng việc, chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc và các chế độ, chính sách phúc lợi khác cho người lao động theo quy định, không để xảy ra tình trạng nợ đọng tiền lương, tiền thưởng của người lao động, nhất là trong tháng giáp tết Nguyên đán 2023. Bên cạnh đó, ban quản lý chủ động kết nối đưa người lao động đã nghỉ việc từ doanh nghiệp này qua doanh nghiệp đang tuyển dụng, để người lao động có việc làm, thu nhập khi Tết cổ truyền đã cận kề.

Dự báo tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực sẽ còn phức tạp, khó lường trong năm 2023. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, một số nền kinh tế lớn đối mặt với nguy cơ suy thoái… sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Song song đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng, ngân hàng siết tín dụng, lãi suất tăng cao... sẽ càng gây áp lực lên doanh nghiệp. Để ứng phó với thực trạng nêu trên, nhiều doanh nghiệp tìm giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng cạnh tranh hơn; tìm kiếm đối tác, khách hàng mới để đa dạng hóa thị trường; đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ sản xuất… Bên cạnh đó, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, chính quyền địa phương thông qua giảm thuế doanh nghiệp, tiền thuê đất, giảm - giãn nợ vay, hạ lãi suất… giúp doanh nghiệp đủ nguồn lực vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang sụt giảm.

Theo Báo Sóc Trăng