Những công trình kiến trúc độc đáo

17/02/2018 - 13:31

 - Không chỉ nổi tiếng với những danh lam, thắng cảnh “non nước hữu tình”, An Giang được nhiều người biết đến với các công trình kiến trúc độc đáo, tinh tế, theo phong cách 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer. Các công trình kiến trúc phản ánh sự đa dạng về văn hóa và cuộc sống của đồng bào các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước...

Chùa Xà Tón

Chùa Xà Tón còn gọi là chùa Xvayton (thị trấn Tri Tôn, Tri Tôn) được xem là một trong những ngôi chùa tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc chùa tháp của người Khmer ở Nam Bộ và là ngôi chùa Khmer cổ xưa nhất trong tỉnh - nơi lưu giữ nhiều nhất về sách kinh lá tại Việt Nam. Chùa Xà Tón được xây dựng cách đây hơn 200 năm. Ban đầu, chùa được dựng bằng gỗ, lợp lá, nền đất. Đến năm 1896, chùa được xây dựng kiên cố và đã được trùng tu nhiều lần. Giống như các chùa Khmer khác ở ĐBSCL, chùa Xà Tón có quy cách bố cục và kiến trúc thống nhất, gồm chính điện, sala (nhà tháp để cốt), các dãy nhà tăng...

Chính điện chùa Xà Tón nằm ở trung tâm khuôn viên của chùa, mặt quay về hướng Đông Tây, có nóc nhọn và 2 mái cong gợi hình ảnh nằm dài uốn cong của thần rắn Naga, tượng trưng cho sự bất diệt và dũng mãnh. Mái chính điện được xây dựng theo cấu trúc tam cấp, lợp ngói đỏ, xanh, vàng, trông rực rỡ dưới nắng. Trong chính điện có 4 hàng cột bằng gỗ căm xe, mỗi hàng có 7 cây cột. Nền lát gạch bông, tường gạch vôi ô dước, trên bục cao có thờ tượng Phật Thích Ca rất lớn. Trên các vách tường là các bức bích họa nhiều màu sắc với đường nét độc đáo, tinh xảo do những nghệ nhân Khmer thể hiện. Các cột chống đỡ được vẽ các hình rồng mây, trên trần nhà được vẽ nhiều hình chim, mây, hoa lá. Từ những họa tiết, hoa văn sắc sảo bên ngoài, cho đến vẻ đẹp lộng lẫy của những bức phù điêu, tranh Phật bên trong gian thờ phụng… Với những kiến trúc độc đáo, chùa Xà Tón được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 12-12-1986.

Thánh đường Mubarak

Thánh đường Mubarak ở xã Châu Phong (Tân Châu) được xây dựng khá sớm, từ năm 1750 bằng gỗ lợp lá. Tính đến nay, thánh đường đã trải qua 4 lần xây dựng và sửa chữa lớn. Lần xây dựng gần nhất vào năm 1965, với thiết kế dựa theo các kiểu thánh đường ở các nước Trung Đông. Thoạt nhìn, thánh đường Mubarak mang đến cảm giác choáng ngợp vì vẻ lộng lẫy và những họa tiết lạ mắt nhưng không kém phần tinh tế. 

Thánh đường Mubarak được thiết kế theo dạng 1 tòa nhà rộng, có những dãy hành lang dài thẳng tắp, với gam màu chủ đạo là xanh và trắng. Bên trên dọc theo hành lang là những bức tường được trang trí các họa tiết cùng với những dòng chữ Chăm được trích từ kinh thánh Qur’an. Từ ngoài nhìn vào thánh đường chúng ta sẽ nhìn thấy cổng chính có hình vòng cung, phía trên nóc có một tháp lớn 2 tầng, nóc tháp hình bầu dục, dưới chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao tượng trưng cho đạo Hồi giáo. 4 góc trên nóc thánh đường đều có 4 tháp nhỏ, giữa nóc thánh đường có 2 tháp bầu tròn nhô cao. Từ cửa chính của thánh đường trở ra 2 bên, mỗi bên có 2 vòm hình vòng cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau 2,4m, bên trái và phải mỗi bên cũng có 6 vòm hình vòng cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau 2,4m. Bên trên dọc theo hành lang là những bức tường được trang trí các họa tiết cùng với những dòng chữ Chăm.

Là nơi thường xuyên tập trung đông người đến cầu nguyện nên thánh đường có khá nhiều cửa ra vào cùng 8 cây cột chắc chắn ở bên trong. Những chiếc cột theo dạng trụ tròn này được thiết kế to nhưng cân đối, đều đặn. Bên trong thánh đường được thiết kế đơn giản nhưng phải có hậu tẩm. Hậu tẩm được thiết kế là vòm lõm sâu vào tường sao các tín đồ khi cầu nguyện luôn hướng về phía mặt trời lặn, đây là nơi dành riêng cho các vị Imam (người chủ lễ) có nhiệm vụ hướng dẫn các tín đồ làm lễ. Bên cạnh hậu thẩm là một bục cao còn gọi là “minbar” dành cho người thuyết giảng giáo lý trong các buổi lễ.

Nhà thờ Cù lao Giêng

Trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử, nhà thờ Cù lao Giêng (Chợ Mới) tồn tại gần như nguyên vẹn. Có thể nói đây là một di tích cổ xưa và là niềm tự hào của kiến trúc tôn giáo trên đất Cù lao Giêng.

Nhà thờ Cù lao Giêng là công trình kiến trúc do Pháp xây dựng từ năm 1877, phần lớn vật liệu được đem từ nước Pháp. Đây là một trong những nhà thờ lớn, đẹp, lâu đời nhất cả nước. Nhà thờ là công trình kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc mang đậm phong cách Châu Âu xen lẫn phong cách kiến trúc Việt Nam và đặc trưng của vùng Nam Bộ. Do được xây dựng ở vùng sông nước có khí hậu nóng ẩm nên nhà thờ được thiết kế có nhiều cửa để lấy ánh sáng và gió tự nhiên.

Nổi bật nhất là tháp chuông cao 35m vững chãi hơn 100 năm qua, phần trên của tháp hình bầu tròn, dưới hình vuông với nhiều đường nét hoa văn chạm trổ công phu, tinh xảo. Bên trong nhà thờ được thiết kế đối xứng, hài hòa với các chi tiết tinh tế. Các trụ chính của nhà thờ là những cột tròn, vững chãi liên kết cùng các ô cửa, vòm gió và các tháp nhọn nhỏ hình khối đa giác, các cửa giả hình chữ u ngược, tạo nét đẹp rất kỳ bí cho người ta có cảm giác như đang bước vào không gian cổ xưa của Châu Âu. Điều đặc biệt là toàn bộ gạch lót nền suốt hơn trăm năm qua vẫn còn giữ nguyên màu sắc, các nét chạm trổ hoa văn còn rất rõ.

KHÁNH MY