Những mô hình homestay độc đáo

14/05/2018 - 08:55

Thời gian gần đây, du khách trong và ngoài nước rất thích mô hình du lịch homestay (ngủ ở nhà dân), vì được hòa mình vào không gian sống của người dân địa phương. Nắm bắt xu hướng đó, nhiều mô hình du lịch homestay được hình thành ở Tiền Giang, với nhiều nét độc đáo, hấp dẫn. Xin điểm qua vài mô hình homestay đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Làng cổ Đông Hòa Hiệp hấp dẫn du khách với kiến trúc cổ xưa.

Homestay nông trại

Điểm du lịch Happy Farm ở xã Thạnh Phú (huyện Châu Thành) nằm khuất trong những ngôi nhà của người dân bản địa, xung quanh là những vườn cây trái sum sê. Khuôn viên rộng khoảng 6.000 m2, nơi đây giống như một miền quê thu nhỏ.

Du khách được thưởng thức một không gian sống xanh yên tĩnh, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Bên cạnh đó, du khách còn được trải nghiệm công việc của những nông dân như nuôi dê, nuôi bò... nằm trong khuôn viên của điểm du lịch Happy Farm; tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí mang đậm nét văn hóa của người dân vùng sông nước, như tát đìa bắt cá, trèo cây hái trái và thưởng thức các món ăn dân dã (cá lóc nước trui, bánh xèo...).

Có thể nói, đây là một lựa chọn khá thú vị trong những ngày lễ hoặc thư giãn sau những ngày làm việc vất vả. Anh Nguyễn Trường Huy, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi cảm thấy thoải mái khi được nghỉ qua đêm ở một không gian mang đậm chất miền quê như thế này. Tôi sinh ra và lớn lên ở TP. Hồ Chí Minh, đến với Happy Farm, tôi cảm nhận một cách cụ thể về cuộc sống ở miền quê, công việc của những nông dân...”.

Mô hình du lịch nông trại của Happy Farm khá độc đáo.

Homestay kiến trúc cổ

Rời huyện Châu Thành, chúng tôi xuôi theo Quốc lộ 1A đến huyện Cái Bè, nổi tiếng với những vườn cây ăn trái sum sê quanh năm. Ngoài những điểm du lịch sinh thái thông thường, đến đây, du khách được thưởng thức những kiến trúc cổ xưa mang đậm chất miền Tây và ngủ qua đêm trong không gian yên bình ở các điểm homestay ở Làng cổ Đông Hòa Hiệp.

Đáng chú ý nhất là nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt (ấp Phú Hòa) và nhà cổ của ông Phan Văn Đức (ấp An Lợi). Năm 2017, nơi đây được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của nhiều du khách.

Ông Phan Văn Đức cho biết: “Ngôi nhà của tôi có tuổi thọ trên 100 năm, do tổ tiên để lại, được một kỹ sư người Huế thiết kế. Đây không chỉ là ngôi nhà truyền thống của gia đình, mà còn ghi lại những khoảnh khắc của lịch sử: Trên mái nhà còn dính than do giặc đốt, cũng may lúc đó kịp dập tắt lửa, nếu không ngôi nhà đã không còn đến hôm nay...”.

Năm 1938, ngôi nhà được sửa lại, đôn các cột để ngôi nhà cao hơn, phần còn lại được giữ nguyên. Nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây cảm thấy rất thú vị với những di tích cổ xưa.

Anh Đỗ Hiếu Nghĩa, người Hà Nội, cho biết: “Những chuyến du lịch trước, tôi chỉ được tham quan những vườn cây ăn trái, cuộc sống, con người miền Tây. Dịp này, tôi được tìm hiểu về những kiến trúc cổ xưa của người miền Tây tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp, mang lại cho tôi nhiều cảm giác thú vị”.

Cù lao Tân Phong lưu giữ được nét hoang sơ mộc mạc ở miền quê.

Homestay miệt vườn

Tạm biệt Làng cổ Đông Hòa Hiệp, chúng tôi theo chuyến phà Cái Bè sang cù lao Tân Phong, được mệnh danh là “vương quốc” chôm chôm của huyện Cai Lậy. Khoảng 3 năm trở lại đây, du lịch homestay ở đây phát triển. Hiện toàn xã có 4 điểm du lịch Homestay, dù đơn sơ, mộc mạc, chưa hiện đại hóa, nhưng là “nét riêng” so với nhiều nơi khác.

Chúng tôi chạy xe theo con đường nhỏ mát rượi được che phủ bởi những tán cây chôm chôm của các hộ dân để đến với điểm du lịch Homestay của ông Trần Văn Dân. Ông đang đốn bỏ một số cây chôm chôm để xây thêm phòng ở cho du khách đến ngủ qua đêm. Sau khi ngủ qua đêm tại đây, du khách dùng xe đạp tham quan cuộc sống, sinh hoạt của người dân bản xứ vốn hiền lành, chân chất.

Có thể nói, những điểm du lịch Homestay ở Tiền Giang đã để lại nhiều ấn tượng đẹp với du khách trong và ngoài nước, hứa hẹn du khách sẽ trở lại vào dịp gần nhất.

Theo QUỐC TUẤN (Báo Ấp Bắc)