![Nông dân chủ động ứng phó với hạn mặn](https://images.baoangiang.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250207/images/wm_trunuoc.jpg)
Nông dân bơm nước ngọt để trữ đảm bảo sản xuất mùa hạn mặn.
Ngày đầu năm mới, khi thủy triều dâng cao tiếp tục đẩy nước mặn lên thượng nguồn, anh Võ Văn Diện ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành luôn theo dõi sát diễn biến mặn để bảo vệ vườn sầu riêng với diện tích hơn 5.000m2 đang cho trái. Theo anh Diện, mỗi khi tưới nước phải đo trước độ mặn, vì cây sầu riêng rất nhạy cảm với nước mặn, khi nước mặn lên 0,3%o đã ảnh hưởng đến cây.
Cách đây mấy năm, nước mặn xâm nhập ngay vào thời điểm Tết, do không có phòng ngừa nên đợt đó vườn sầu riêng của anh Diện bị ảnh hưởng rất lớn, thiệt hại hơn 200 triệu đồng, phải 3 - 4 năm sau mới phục hồi.
Anh Diện chia sẻ, người nông dân luôn theo dõi thông tin dự báo từ chính quyền địa phương để có kế hoạch trữ nước ngọt đảm bảo phục vụ sản xuất sau Tết, vì 2 - 3 tháng nữa là thu hoạch, lúc đó là thời điểm hạn mặn diễn ra gắt gao nhất trong năm. Hiện nay, Nhà nước cho xây dựng các công trình ngăn mặn trữ ngọt phần nào đảm bảo cho người dân an tâm sản xuất.
Mặc dù đã đầu tư hồ nước với sức chứa 1.000m3 nước để tưới cho vùng sản xuất cây giống của gia đình, nhưng ông Nguyễn Văn Chính, xã Tân Thiềng (Chợ Lách) vẫn theo dõi sát sao diễn biến mặn hàng ngày thông qua các nhóm Zalo của địa phương, hay trên phương tiện thông tin. Ông Chính cho hay, nông dân hiện nay có sự chuẩn bị ứng phó với hạn mặn. Việc đầu tư hệ thống trữ nước ngọt giúp ông Chính an tâm hơn trong thời điểm sản xuất sắp tới. Theo ông Chính, mùa nắng nóng là thời điểm sản xuất cây giống để phục vụ vào mùa mưa, với lượng nước trữ ông Chính cầm cự trong 2 tháng nếu mặn kéo dài, ông Chính theo dõi diễn biến độ mặn trên các tuyến sông để tiếp tục tiến hành bơm trữ phục vụ sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Huy ở xã Thuận Điền, huyện Giồng Trôm chia sẻ, mỗi năm đến thời điểm hạn mặn ông chủ động đắp đê bao tạm xung quanh khu vườn với diện tích 0,8ha của gia đình, qua đó phần nào giảm thiểu thiệt hại. Năm nay, ông Huy đầu tư thêm 50 triệu đồng để nâng cao bờ bao vừa ngăn được mặn xâm nhập, vừa ngăn triều cường vào dịp đầu năm. Bên cạnh đó, thông qua các lớp tập huấn về ứng phó hạn mặn của Hội Nông dân tổ chức, ông đã biết thêm những kiến thức về ứng dụng giải pháp kỹ thuật phục hồi vườn cây sau hạn mặn. Sắp tới, ông sẽ áp dụng lên mảnh vườn của gia đình, giúp vườn cây đạt hiệu quả hơn. Ông cũng mong muốn ngành chức năng tỉnh sớm hoàn chỉnh hệ thống công trình ngăn mặn, trữ ngọt chung của tỉnh để người dân an tâm hơn trong ứng phó hạn mặn thời gian tới.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Văn Bàn, hiện nay, bà con có sự chủ động ứng phó hạn mặn ngay từ cuối năm 2024. Các hội viên nông dân tại tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp công trình, phi công trình để ứng phó hạn mặn. Chính nhờ sự chủ động, thiệt hại do ảnh hưởng hạn mặn đã giảm theo hàng năm. Các cấp hội cũng tuyên truyền ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt; tưới tự động, tưới nhỏ giọt, phun sương để tiết kiệm nước; khuyến cáo mức độ chịu mặn của một số loại cây trồng phổ biến để hội viên, nông dân biết và lấy nước tưới cho phù hợp...
Theo Báo Đồng Khởi