Nông dân Vĩnh Long ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh

01/12/2022 - 09:48

Thời gian gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã nhanh chóng tiếp cận khoa học kỹ thuật, từng bước ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Ngoài việc nâng cao giá trị kinh tế cho bản thân, gia đình mà còn giúp ích rất nhiều nông dân trong tỉnh vươn lên khá giàu, góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Long ngày càng tươi đẹp.

A A

Trong lễ tuyên dương Nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ 6, giai đoạn 2017-2022 diễn ra tại Hà Nội vừa qua, tỉnh Vĩnh Long vinh dự có 4 nông dân được tuyên dương. Đây là những nông dân năng động, sáng tạo, có ý chí tự lực, tự cường, hoài bão, khát vọng làm giàu, sáng tạo, cống hiến xã hội và chia sẻ, giúp đỡ mọi người, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, cùng vươn lên thoát nghèo.

Nông dân thời công nghệ số:

Nông dân Nguyễn Trí Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Nông trang Island, ngụ xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long là một trong 4 nông dân được vinh dự tham gia lễ tuyên dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc, chia sẻ: “Trong buổi tuyên dương, chúng tôi cảm thấy rất tự hào, được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến tầng lớp nông dân. Chúng tôi thấy mình còn rất nhỏ bé trong sự nghiệp phát triển của mình. Chúng ta cần phải có suy nghĩ và tầm nhìn chiến lược do ứng dụng những thành tựu công nghệ còn chậm. Kiến thức về ứng dụng công nghệ của nông dân còn giới hạn. Các cấp hội nông dân phải đẩy mạnh liên kết và có những chương trình hỗ trợ tiếp cận khoa học kỹ thuật. Đồng thời, chọn lọc lại đối tượng cây trồng, ưu thế của từng địa phương để làm thương hiệu chất lượng cho từng sản phẩm mới đạt được như mong muốn”.

Là con của gia đình nông dân ở xứ cù lao Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ chuyên nghề làm vườn trồng cây ăn trái từ những năm 1980 nhưng hiệu quả không cao vì gặp phải giống cây kém chất lượng. Nhiều năm liên tục thất bại nên quyết tâm học hỏi và theo nghề sản xuất cây giống. Theo ông để có chất lượng sản phẩm cao thì trước tiên phải có nguồn gốc giống tốt. Thế là ông bắt tay ngay vào sản xuất cây giống. Những năm đầu tiên sản lượng chỉ đạt hơn 3.000 cây/năm. Chất lượng giống là yếu tố được quan tâm hàng đầu. Tiếng lành đồn xa, thị trường mở rộng và là đơn vị đầu tiên trong tỉnh được cấp phép sản xuất kinh doanh giống cây ăn trái. Năm 2010 chuyển sang mô hình Công ty TNHH MTV Nông Trang Island với sản lượng đạt trên 300 nghìn cây giống chất lượng cao và liên tục tăng. Từ những năm 2017 đến nay năng lực sản xuất đạt trên 1,6 triệu cây giống chất lượng cao/năm, được cả nước biết đến, thậm chí xuất khẩu cây giống sang các nước láng giềng như Campuchia, Lào...

Ngay khi kinh doanh, ông Nghiệp đã dày công nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất của gia đình. Ông đi nhiều nơi sưu tập, khảo nghiệm, đánh giá kết quả đưa vào sản xuất nhiều giống cây ăn trái có tiềm năng và cơ may cho thị trường nội địa và xuất khẩu: Mít nghệ cao sản M99-I, Mít Changai, Xoài xanh ĐL05 đã đạt nhiều thành tích qua các lần hội thi. Chanh giấy Limca nhiều năm đạt danh hiệu Sản phẩm tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long liên tục từ năm 2013 trở về sau. Đặc biệt là ông đã nghiên cứu và thuần chủng nhiều loại cây ăn trái và cây cảnh có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài…

Cùng được tuyên dương với nông dân Nguyễn Trí Nghiệp, anh Nguyễn Thanh Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần lươn công nghệ cao Vĩnh Long từ một nhân viên có mức lương cao ở TP Hồ Chí Minh vì đeo đuổi niềm đam mê và anh đã trở về quê tự làm giàu trên chính mảnh đất của mình ở xã Đồng Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Năm 2012, anh Tân đã bắt tay vào thử nghiệm tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng với phương châm: “Thất bại là mẹ thành công”, bản thân tiếp tục đúc kết những hạn chế, vượt mọi khó khăn xem đây là những bài học quý báu, từ đó không ngừng cải tiến với quyết tâm thành công. Năm 2014, bằng sự kiên trì bản thân đã gặt hái một số thành quả đáng kể, phát huy hiệu quả đạt được bản thân ngày càng học hỏi, nâng cao kiến thức chuyên môn kỹ thuật về ươm giống, nuôi con giống, nuôi lươn thịt cung cấp cho địa phương và các tỉnh lân cận. Bản thân tiếp tục mở rộng diện tích nuôi lươn, đồng thời hỗ trợ các hộ gia đình khác cùng mình phát triển nghề nuôi lươn trên diện rộng cho đến hiện nay… Năm 2019, mô hình đã mở rộng lên 19.000m², hỗ trợ con giống, thức ăn cho nhiều hộ gia đình muốn tham gia sản xuất, tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi giúp tăng hiệu quả, nâng cao lợi nhuận, tổng lợi nhuận đạt được hơn một tỷ đồng…

Anh Nguyễn Thanh Tân chia sẻ: “Tháng 11/2020, từ các thành quả đạt được, được sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương, bản thân tiếp tục mở rộng quy mô định vị ngành nuôi lươn như một ngành chăn nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình cùng một số cổ đông góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Lươn Công nghệ Cao Vĩnh Long, với vốn đầu tư 10 tỷ đồng, quy mô gần 50.000m² có thể cung cấp hơn 20 triệu con giống mỗi năm. Cùng với công nghệ, máy móc hiện đại, quy trình nuôi và điều trị bệnh cho lươn thương phẩm, Công ty tạo ra được nguồn lươn sạch, an toàn, tiêu chuẩn, chất lượng, tạo việc làm cho hơn 30 lao động, thu nhập bình quân/người/tháng từ 7 triệu đến 10 triệu đồng, người lao động được ký hợp đồng lao động, tham gia chế độ Bảo hiểm Xã hội, bảo hiểm y tế. Doanh thu dự kiến của Công ty năm 2022 lên hàng chục tỷ đồng. Nguồn cung cấp xuất bán trên các nền tảng mạng xã hội chiếm hơn 80%”.

Lan tỏa phong trào giúp nông dân làm giàu:

Nông dân Nguyễn Thanh Tân sớm áp dụng công nghệ vào sản xuất lươn giống. (Ảnh: BÁ DŨNG)

Theo Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long, Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” luôn được các cấp, các ngành thực hiện. Đây là phong trào được xác định là trọng tâm hoạt động để thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội, nhất là việc thực hiện Đề án 03-ĐA/TU của Tỉnh ủy về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020”. Qua thời gian triển khai và thực hiện phong trào không ngừng lớn mạnh, phát triển cả về quy mô và chất lượng, có sức lan tỏa sâu rộng, được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân hưởng ứng; được Đảng bộ, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Trong 5 năm qua, thông qua phát động có 496.172 lượt hộ hội viên nông dân tham gia đăng ký, kết quả cuối năm bình xét có 340.849 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đạt 68,7% so với hộ đăng ký. Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương nông dân tiêu biểu dám mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm vào sản xuất từ đó tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích. Đồng thời, phong trào đã hình thành nhiều mô hình kinh tế tập thể, mô hình cho hiệu quả kinh tế cao .

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Chiều, cho biết: “Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đã khuyến khích, động viên nông dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo khó vươn lên bằng nhiều hình thức: giúp về giống, ngày công lao động; giống cây trồng, vật nuôi; vật tư nông nghiệp; hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm,… Kết quả, trong 5 năm qua đã giúp cho 8.073 hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá trên 4,165 tỷ đồng; Hội Nông dân các cấp trực tiếp vận động xây dựng được 162 căn nhà tình thương cho hội viên nghèo, khó khăn về nhà ở, trị giá 4,475 tỷ đồng; phối hợp xây dựng 90 căn, trị giá trên 3,7 tỷ đồng. Kết quả thông qua phong trào thi đua đã giúp 1.641 hộ thoát nghèo”.

Theo BÁ DŨNG (Nhân dân)