Núi Cấm mùa hành hương

03/05/2018 - 08:24

 - Thời điểm này, du khách từ khắp nơi đang hướng về núi Cấm (Tịnh Biên, An Giang), nơi có phong cảnh hữu tình và những huyền sử linh thiêng để hành hương, chiêm bái. Với nhiều người, núi Cấm mang vẻ đẹp rất riêng khiến họ luôn mong muốn trở lại nơi đây.

Đây đã là năm thứ 3 chị Trần Thị Diệu cùng gia đình vượt hàng trăm cây số từ TP. Hồ Chí Minh đến với vùng Bảy Núi để hành hương. Chị Diệu cho biết, dù đã đi nhiều nơi, đến nhiều thắng cảnh nhưng không khí linh thiêng, hùng vĩ của núi Cấm khiến chị luôn muốn quay trở lại.

“Đến viếng Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc) xong, tôi và gia đình tiếp tục di chuyển đến núi Cấm. Vùng đất này rất độc đáo, khí hậu tuy có nóng bức vào mùa hành hương nhưng khi lên núi lại hoàn toàn khác biệt. Khung cảnh ở hồ Thủy Liêm khá thơ mộng với non nước hữu tình khiến lòng mình dịu lại sau chuyến đi dài” - chị Diệu chia sẻ.

Với chị Diệu, những ngôi chùa trên núi Cấm có một vẻ đẹp rất riêng, đặc biệt là quần thể kiến trúc tâm linh quanh khu vực hồ Thủy Liêm. Chị Diệu cho biết, mình luôn cảm thấy nhẹ lòng khi thắp nén nhang trước tượng Phật Di Lặc từ bi hay lắng nghe tiếng chuông từ chùa Vạn Linh vang vọng xuống mặt nước trong xanh. Chị khá bất ngờ với khung cảnh “sương khói mờ nhân ảnh” ở “nóc nhà miền Tây”, bởi nó có nét phảng phất của Đà Lạt và rất khác biệt so với phần còn lại của vùng Bảy Núi.

Phong cảnh thơ mộng trên núi Cấm

Phong cảnh thơ mộng trên núi Cấm

Phong cảnh thơ mộng trên núi Cấm

Ngoài khu vực hồ Thủy Liêm, núi Cấm còn có nhiều vồ, điện, chùa là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Không thuộc diện du khách phương xa như chị Diệu nhưng bà Nguyễn Thị Mì (ngụ huyện Chợ Mới) đến núi Cấm hàng năm để hành hương. Năm nào cũng vậy, bà Mì cùng những người có cùng chung tâm nguyện đi viếng các điểm chùa trên núi Cấm. Bà có thể đi nhiều nơi, đến khắp các vồ, điện từ khu vực cây Quế cheo leo đến đỉnh Bồ Hong chót vót. Bà Mì tâm niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” và mỗi chuyến đi như vậy giúp bà cảm thấy thanh thản, yên bình, tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

“Tôi có thói quen đi hành hương hơn 10 năm nay. Giờ tuổi đã cao nhưng cũng có thể đi núi được 2-3 ngày, khi nào sức khỏe không cho phép thì tôi mới chịu thua. Cứ sau Tết Nguyên đán là tôi chuẩn bị để đi hành hương, nhờ có nhiều người quen cùng đi nên đỡ phần vất vả. Tôi đi núi cũng thuận tiện, tối ngủ lại chùa, sáng đi tiếp nên không tốn kém nhiều” - bà Mì thật tình.

Mùa hành hương cũng là lúc các đặc sản và dịch vụ phục vụ du lịch bước vào thời điểm hoạt động nhộn nhịp nhất năm. Anh Nguyễn Thanh Phong (một người dân hành nghề xe “ôm” ở núi Cấm) cho biết: “Trước Tết, tôi đã tu sửa xe để chở khách trong mùa hành hương. Thời điểm này, tôi kiếm được 300.000- 400.000 đồng/ngày nên ráng bắt khách. Dân trên núi kiếm thêm thu nhập vào mấy tháng hành hương, ngày thường họ làm rẫy hoặc tìm việc khác để kiếm sống. Thông thường, tôi chỉ chở khách đi các điểm hành hương chính, có đường giao thông thuận lợi. Nếu điểm hành hương ở sâu trong rừng thì khách phải đi bộ bởi đường sá hiểm trở, khó khăn”.

Gánh hàng rong phục vụ du khách

Gánh hàng rong phục vụ du khách

Với chị Quyên, chủ một quán bánh xèo trên núi Cấm, mùa hành hương là lúc bếp lò hoạt động liên tục để phục vụ thực khách. Với những loại rau rừng đặc sản như: đọt muối, dâu rừng, sung, bằng lăng, bơ, sộp, quỷnh, tam lan, cát lồi, chồi mòi, hồng đào, cẩm xuyên, đinh lăng, lá cách, lá gối, kim thất, rau ngành ngạnh, càng cua… luôn kích thích vị giác của du khách gần xa. Chúng đã giúp bánh xèo núi Cấm xuất hiện trong danh mục những món ngon của vùng.

“Lên núi Cấm mà không ăn thử bánh xèo rau rừng thì uổng lắm. Năm nào, tôi cũng nhờ mùa hành hương mà cải thiện thu nhập gia đình. Rau rừng ở đây tươi ngon, hương vị độc đáo nên được lòng du khách. Về lâu dài, tôi phải trồng những loại rau thông dụng để chủ động phục vụ du khách quanh năm” - chị Quyên cho hay.

Với tiềm năng du lịch tâm linh và nghỉ dưỡng, núi Cấm đang là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn chinh phục “nóc nhà miền Tây” và tìm kiếm chút Đà Lạt mộng mơ giữa mùa khô Bảy Núi. Với sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành và địa phương, núi Cấm sẽ thu hút ngày càng đông khách hành hương đến đây tìm kiếm sự tịnh tâm giữa cuộc sống đời thường.

THANH TIẾN