Núi Sam vươn tầm Khu du lịch quốc gia

08/06/2018 - 08:17

 -  Ngày 27-12-2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2098 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch (KDL) quốc gia núi Sam, tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là cơ sở quản lý, bảo vệ tài nguyên DL, kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư, đưa núi Sam trở thành trung tâm DL đặc sắc về văn hóa tâm linh của vùng ĐBSCL và cả nước.

Nhiều tiềm năng

Núi Sam thuộc phường Núi Sam (TP. Châu Đốc) còn được gọi là Vĩnh Tế sơn hay Học Lãnh sơn, cao 284m, có dáng dấp như một con sam. Núi Sam không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên hữu tình, mà còn sở hữu nhiều di tích kiến trúc, văn hóa đặc sắc; là một trong những điểm DL tâm linh nổi tiếng, thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan mỗi năm.

Tại đây đã hình thành KDL núi Sam, đây là 1 trong 47 địa điểm tiềm năng phát triển KDL quốc gia, với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hấp dẫn, có quần thể di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, như: miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang và giá trị văn hóa tâm linh tín ngưỡng gắn với Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam lớn nhất vùng ĐBSCL.

Những năm qua, hoạt động DL tại núi Sam đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hàng năm nơi đây thu hút trên 4 triệu lượt khách (trong đó, tỷ lệ khách quốc tế, nhất là từ các nước ASEAN ngày càng tăng).

Tổng thu từ khách DL năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2008 đạt 95 tỷ đồng, đến năm 2017 đạt 500 tỷ đồng). Đóng góp thực tế cho sự phát triển kinh tế của địa phương từ KDL núi Sam là rất lớn (trên 7% trong GRDP của TP. Châu Đốc), qua đó thể hiện vị thế, sức hấp dẫn của KDL núi Sam.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật KDL núi Sam đáp ứng nhu cầu đi lại, lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách DL. Tại khu vực này, có trên 900 buồng lưu trú khách sạn, cơ sở xếp sao ngày càng tăng, đảm bảo chất lượng phục vụ khách DL.

Đây là nơi nhận nhiều sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, nhiều dự án trọng điểm đã được triển khai, như: công viên văn hóa núi Sam, cáp treo núi Sam, hệ thống giao thông, điện, nước, dịch vụ viễn thông, môi trường… được ưu tiên đầu tư, nâng cấp và cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển DL.

Đầu tư để phát triển xứng tầm

Theo Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Cao Xuân Bá, thời gian qua, địa phương đã và đang tập trung đầu tư, phát triển KDL núi Sam đáp ứng các tiêu chí của KDL quốc gia. Ngoài tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ Trung ương, tỉnh, Châu Đốc đã mời gọi đầu tư 23 dự án (5 dự án tại KDL núi Sam), với quy mô 120 ha và vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng. Đến nay, KDL núi Sam đã đạt 5/5 tiêu chí công nhận KDL quốc gia theo Điều 26, Luật DL 2017.

Việc nâng KDL núi Sam thành KDL quốc gia là hết sức cần thiết nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng DL, đáp ứng nhu cầu DL tâm linh, nghỉ dưỡng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, đưa TP. Châu Đốc trở thành đô thị DL năng động, văn minh, xanh - sạch - đẹp gắn với tăng trưởng xanh.

Trong chiến lược phát triển DL Việt Nam và quy hoạch tổng thể phát triển DL Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) đã khẳng định vai trò của núi Sam đối với phát triển DL Việt Nam, khẳng định núi Sam nằm trong danh sách các điểm đến tiềm năng để trở thành điểm DL quốc gia.

Việc phát triển KDL quốc gia núi Sam trên cơ sở khai thác hợp lý thế mạnh về DL văn hóa - tâm linh, kết hợp đầu tư khai thác phát triển các loại hình DL vui chơi giải trí, khám phá, thể thao và nghỉ dưỡng để trở thành điểm đến DL có chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao và khắc phục tính thời vụ trong hoạt động DL; gắn với bảo tồn nghiêm ngặt và phát huy giá trị hệ thống di tích và thắng cảnh; bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát triển KDL quốc gia núi Sam trong không gian kết nối với TP. Châu Đốc và các tiềm năng DL quan trọng khác của tỉnh An Giang; chú trọng liên kết với các địa phương thuộc vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và kết nối với Campuchia qua các cửa khẩu quốc tế của An Giang. Qua đó, đưa TP. Châu Đốc và các điểm DL lân cận trở thành điểm đến quan trọng của vùng ĐBSCL và cả nước.

THU THẢO