Nuôi cá tai tượng trong bể - mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả

08/11/2021 - 08:40

Lão nông Nguyễn Văn Biên (tự Ba Biên) ở khu vực 5, phường An Thới, quận Bình Thủy, đã tận dụng đất trống quanh nhà ngay giữa lòng đô thị để nuôi cá tai tượng. Với thiết kế bể bạt và bể xi măng, ông Ba Biên có trên 1.500m2 mặt nước nuôi cá, cho thu nhập khá hằng năm.

Ông Ba Biên giới thiệu đàn cá tai tượng đang lứa gần xuất bán.

Xung quanh nhà ông Ba Biên có khoảng 20 bể, gồm bể bạt và bể xi măng dùng để nuôi cá tai tượng, thay vì nuôi cá dưới ao như thường thấy. Ông Ba Biên kể, cách đây gần chục năm, con trai ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành Thủy sản ra trường, muốn thử nghiệm làm ăn từ việc nuôi cá nên ông ủng hộ. Hai cha con mày mò nuôi cá từ dưới ao rồi lên bể cạn, đồng thời thử nghiệm nhiều giống cá như cá lóc, trê phi... Khoảng 6 năm trước, hai cha con ông Ba Biên rút được kinh nghiệm nuôi cá tai tượng trên bể cạn, vừa hiệu quả, ít rủi ro lại có thể duy trì được lâu dài, nên đã thực hiện mô hình này từ đó đến nay.

Ông Ba Biên lý giải, nuôi cá trong bể bạt và bể xi măng có nhiều ưu điểm. Do diện tích bể hẹp và hoàn toàn chủ động nguồn nước, có thể thay khi nước bị dơ nên môi trường sống của cá rất tốt, cá hầu như không bị bệnh từ nhỏ đến khi xuất bán. Trong khi đó, nuôi cá dưới hồ rất dễ ô nhiễm nước, đặc biệt là khi mùa mưa, phèn theo nước từ mặt đất chảy rỏ xuống ao khiến cá bị ngộp, sốc. Vả lại, với việc chia thành nhiều bể nhỏ, mỗi bể có diện tích từ 40m2 đến 100m2, ông Ba Biên dễ dàng theo dõi quá trình sinh trưởng, tình trạng sức khỏe của cá và phân kích cỡ cá nuôi cho phù hợp.

Để đầu tư cho mô hình này, việc xây dựng bể bạt hay bể xi măng lúc ban đầu là cơ bản, với chi phí không lớn. Quá trình nuôi chỉ tốn chi phí thức ăn cá và nhiên liệu bơm nước để thay định kỳ. Để giảm chi phí con giống, ông Ba Biên mua cá bột về vèo riêng trong bể để khi cá lớn chừng 2-3 ngón tay thì vớt sang hồ khác để nuôi. Cách làm rất hay của ông Ba là cứ định kỳ 3-4 tháng/lần ông lại tuyển lựa cá gần kích cỡ với nhau để sang qua những bể riêng, từ đó có chế độ dinh dưỡng, cách chăm sóc phù hợp và nhất là tránh được tình trạng cá cạnh tranh thức ăn.

Để cá sinh trưởng tốt, mật độ thả cá trong bể từ 600-700 con/40m2 là phù hợp. Mỗi nửa tháng, ông Ba Biên bơm nước từ rạch Bà Bộ vào để thay nước các bể nuôi. Nhờ vậy, cá có môi trường sống tốt, phát triển mạnh. Ông Ba cho biết thêm: “Cá tai tượng là loài cá háu ăn, ngoài thức ăn viên thì hầu như loại rau củ nào cá cũng ăn. Tôi tận dụng trồng rau, chuối quanh nhà, đi mua lại rau loại thải của tiểu thương ở chợ... để làm thức ăn cho cá. Chi phí nuôi giảm mà chất lượng cá nhờ đó tăng thêm”.

Đầu ra cho cá tai tượng ổn định, bên cạnh thương lái thì các nhà hàng, quán ăn cũng thường xuyên đặt hàng. Với giá bán khoảng 60.000 đồng/ký, mỗi tấn cá ông Ba Biên có lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, gia đình ông xuất bán từ 2-5 tấn cá.

Trong  bối cảnh TP Cần Thơ đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh chóng, khái niệm nông nghiệp đô thị ngày càng được nhắc đến nhiều. Đó là việc sử dụng các diện tích nhỏ, các lô đất trống, sân vườn, thảm cỏ, sân thượng… trong đô thị để nuôi trồng, cải thiện kinh tế gia đình. Mô hình nuôi cá trên cạn của ông Ba Biên là một mô hình hay, dễ áp dụng. Ông Lưu Đức Phương, Chủ tịch Hội Nông dân phường An Thới, cho biết: “Đây là mô hình nông nghiệp hiệu quả trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ở phường ngày càng ít. Hội Nông dân phường cũng luôn khuyến khích, hỗ trợ ông Ba Biên phát triển mô hình và giới thiệu để các hội viên có nhu cầu đến tham quan, học hỏi và thử nghiệm”.

Theo DUY LỮ (Báo Cần Thơ)