Nhân viên cấy nhân trai tại Khu nuôi cấy ngọc trai Phú Quốc.
Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại vịnh Thái Lan với tổng diện tích hơn 573km2 và là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam. Ở đây, nghề nuôi cấy ngọc trai trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển theo công nghệ của Australia và Nhật Bản, tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo.
Nước biển Phú Quốc rất trong, mặn, không có phù sa, hàm lượng kim loại nặng trong nước cao nên ngọc trai ở đây chất lượng tốt; ngọc trai Phú Quốc đẹp hơn, long lanh và có thể bắt sáng tốt hơn so với ngọc trai các vùng biển khác. Ngày xưa, ngọc trai tự nhiên được những người thợ lặn ra biển lặn sâu xuống đáy để mò trong cát.
Từ năm 1994, bắt đầu có nhà đầu tư Nhật Bản sang mở trang trại nuôi, cấy trai lấy ngọc nhân tạo; sau có cả doanh nghiệp Australia tiếp tục mở, nuôi cấy ngọc mang về nước bán. Họ thuê người dân Phú Quốc vào làm và truyền kỹ thuật cho dân. Sau khủng hoảng kinh tế năm 1995-1996 khi họ trở về nước, một số người Phú Quốc vẫn tiếp quản, giữ nghề.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao, nuôi trai trên biển không phải là công việc đơn giản và dễ dàng. Những cơ sở nuôi cấy ngọc trai thường nằm ở vùng biển lặng sóng. Trước khi nuôi, phải làm dàn phao và lồng lưới trên biển, cần đầu tư khá nhiều tiền. Những con trai mẹ được lựa chọn rất kỹ và nuôi trong lồng. Ở môi trường vùng biển tự nhiên, ngọc trai được tạo ra do các dị vật dưới biển vô tình lọt vào con trai. Trai phản ứng lại bằng cách tiết ra chất xà cừ bao phủ lấy dị vật, sau một thời gian sẽ tạo thành ngọc trai.
Tuy nhiên, xác suất dị vật có thể lọt vào con trai rất thấp, nên ngọc trai tự nhiên rất hiếm. Ðể có thể tạo ra nhiều ngọc trai hơn, các kỹ thuật viên đã chủ động đưa dị vật vào trai, kích thích quá trình tạo ngọc. Phải thực hiện đúng quy trình để con trai không đào thải nhân đã nuôi cấy mà tạo ra lớp xà cừ để phủ bề mặt nhân. Số trai đã cấy hạt nhân được nuôi trong lồng, treo phao trên biển. Việc cấy tế bào trai là một công đoạn hết sức khó khăn, đòi hỏi kỹ thuật viên phải thành thạo nghề và sự tỉ mỉ, khéo léo.
Ông Hoàng Văn Thanh, người quản lý khu nuôi cấy ngọc trai Phú Quốc cho biết, người muốn làm được việc này phải qua đào tạo từ 3 đến 5 tháng và phải được sát hạch tay nghề. Phải tìm người cẩn thận, chịu thương chịu khó, có kinh nghiệm lâu năm. Trong quá trình nuôi trai, công việc chăm sóc chủ yếu là giữ cho lồng sạch để trai không mắc bệnh. Qua quá trình nuôi trồng nghiêm ngặt với yêu cầu kỹ thuật cao, ngọc trai sẽ định hình dạng tròn hoặc hình bầu dục, giọt nước, quả lê... Tuy nhiên, trong khi chăm sóc hay bị ảnh hưởng về điều kiện tự nhiên, thời tiết và thổ nhưỡng nên lúc thu hoạch, ngọc trai có thể có nhiều hình dạng khác nhau.
Ngọc trai Phú Quốc thường được thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 10 hằng năm. Ngọc chất lượng thấp được thu hoạch sau 6-12 tháng, loại có chất lượng cao sau 6-8 năm hoặc lâu hơn. Viên ngọc đẹp là viên có độ bóng, sáng, tròn hoàn hảo; mầu sắc phụ thuộc cá thể trai mẹ, thường có mầu trắng, kem, phớt hồng; có thể nhuốm mầu vàng, xanh lá cây, nâu, tím và quý nhất là mầu đen và xanh biển hầu như chỉ Phú Quốc mới có. Mức giá thấp nhất từ một vài triệu đồng (mầu trắng bạc) đến cả tỷ đồng (chuỗi ngọc, mầu đen). Các thành phố lớn trong cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Nha Trang,... đều có cửa hàng bán ngọc trai; thậm chí có nơi còn treo biển “Ngọc trai Phú Quốc” vì uy tín của thương hiệu này.
Ở Phú Quốc hiện có một số cơ sở nuôi cấy ngọc trai nổi tiếng như Ngọc Hiền, Long Beach, Quốc An... Là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nuôi cấy ngọc trai biển tại Ðảo Ngọc, Công ty Ngọc trai Ngọc Hiền Phú Quốc khẳng định được vị thế thương hiệu trang sức ngọc trai thời thượng hàng đầu ở đây. Ðộc quyền ứng dụng công nghệ nuôi cấy ngọc trai từ Nhật Bản cùng đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp đã đào tạo hơn 20 năm, các chuyên gia giàu kinh nghiệm không ngừng nghiên cứu và cải tiến kỹ thuật nuôi cấy, từ đó cho ra đời những viên ngọc trân châu ngày càng hoàn mỹ.
Tổng Giám đốc Công ty Hồ Phi Thủy tự hào khẳng định, ngọc trai Phú Quốc là số 1 và ngọc trai Pinctada Maxima (được ghi nhận là giống trai lớn nhất thế giới hiện nay, có thể cho ra viên ngọc kích cỡ lên đến 20mm nếu thời gian nuôi cấy đạt đủ 6-7 năm) duy nhất cả nước chỉ có Ngọc Hiền làm được. Ðến từ Thành phố Hồ Chí Minh, bà Trần Lệ Mỹ say sưa lựa chọn các mẫu mã trang sức ngọc trai Phú Quốc, vui vẻ khoe: “Tôi có rất nhiều trang sức làm từ ngọc trai. Tới Phú Quốc hầu như lần nào tôi cũng mua ngọc trai cho mình và mang về làm quà tặng người thân”.
Dù được thiên nhiên ưu đãi, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng nghề nuôi trai lấy ngọc ở Phú Quốc còn nhiều khó khăn, đòi hỏi nỗ lực của người làm nghề và hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương. Hiện nay nguồn giống tự nhiên ngày càng cạn kiệt, con giống nhân tạo chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nghề, tỷ lệ trai sống chỉ khoảng 60-70%, vốn đầu tư nuôi khá lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Muốn đầu tư cơ sở nuôi cấy ngọc trai cần phải có chuyên gia có kỹ thuật, tay nghề cao, đồng thời đây cũng lại là nghề mang tính chất bí truyền.
Vì vậy, hiện tại đảo Phú Quốc chỉ có khoảng 5 cơ sở nuôi cấy trai ngọc đang hoạt động. Mặc dù tỉnh Kiên Giang có kế hoạch, quy hoạch nuôi trai lấy ngọc ở Phú Quốc trong những năm tới, nhưng tìm giải pháp hữu hiệu để đầu tư phát triển nghề này mang lại hiệu quả kinh tế bền vững vẫn là bài toán nan giải.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, quy hoạch và phát triển vùng nuôi trai phải được xem xét hết sức cẩn thận, nhất là việc bảo vệ giá trị tự nhiên và bảo đảm an toàn môi trường. Phó Trưởng phòng Bảo tồn biển và đất ngập nước nội địa Vườn quốc gia Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang Lý Vành Tha cho biết: Trong định hướng quy hoạch, giới hạn vùng nuôi trai lấy ngọc hết sức khắt khe, phạm vi tương đối hẹp bởi Phú Quốc là đảo du lịch sinh thái chất lượng cao, do đó các sản phẩm nuôi chung quanh Phú Quốc phải phục vụ tiêu chí đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu.
Nuôi trai lấy ngọc có lợi thế là nuôi mà không cho ăn và sử dụng thức ăn từ dinh dưỡng của tảo, do đó có tính thân thiện, an toàn bởi không làm bẩn môi trường mà còn lọc sạch nước. Dù đây là nghề rất tiềm năng nhưng những doanh nghiệp “làm thực” lại khá chật vật vì “ma trận” ngọc trai bủa vây người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, sản phẩm ngọc trai Phú Quốc đã qua chế tác thật và giả vẫn còn lẫn lộn, nhất là tại thị trường Phú Quốc, giá cả chênh lệch nhau từ vài trăm nghìn đồng, vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng mỗi viên.
Nếu phát triển tốt, đúng hướng, ngành nuôi trai lấy ngọc ở Phú Quốc không chỉ thỏa mãn được nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tạo thương hiệu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Phú Quốc nói riêng. Do đó, cần có sự phát triển theo chuỗi và sự tham gia quản lý của Nhà nước, đồng thời, phải toàn diện hơn trong quản lý về cơ chế, chính sách để khai thác mạnh mẽ tiềm năng, giúp ngành nghề này ngày càng chuyên nghiệp, bền vững.
Theo PHƯƠNG LIÊN, VĂN ÚT (Nhân dân)