Phóng xe về Đất Mũi

30/04/2018 - 09:15

Biết đến Đất Mũi Cà Mau qua những trang sách của Sơn Nam, Nguyễn Tuân, Anh Đức từ lâu nhưng mãi cho đến dịp vừa rồi tôi mới được đến rẻo đất cực nam Tổ quốc.

Thú thực từ trước đến nay, trong lòng tôi luôn có một tình cảm như mang nợ với mảnh đất này. Đọc những câu chuyện, những vần thơ nói về sự anh dũng kiên cường và những hy sinh mất mát của người miền Tây Nam Bộ và nhất là Cà Mau, tôi cảm thấy cả nước cần tri ân những con người đó, miền đất đó.

Với suy nghĩ ấy, năm 2016 khi nghe tin tuyến đường bộ tới Đất Mũi đã thông, tôi mừng phát khóc. Một niềm xúc động lớn lao ùa về khi liên tưởng tới hình ảnh con đường nối từ Pác Bó (Cao Bằng) tới Đất Mũi Cà Mau, ta cứ đi trên con đường thiên lý đó qua những làng bản, thôn xóm, gặp đủ mặt đồng bào dân tộc anh em. Một hành trình suốt chiều dài đất nước mà người đi trên đó đói ăn, khát uống có thể ghé vào bất cứ ngôi nhà nào ven đường và đều được sự tiếp đón nồng hậu của mọi người.

Khách du lịch đến tham quan Đất Mũi.

Thi thoảng đọc trên báo thấy đã có một vài người thực hiện được hành trình đó, tôi lại thoáng ghen tị. Chẳng biết đến bao giờ tôi mới có thể thực hiện được ước mơ đó nên tôi khao khát được đến để một lần chạm vào điểm cuối con đường. Tôi chộn rộn lên kế hoạch phóng xe máy từ TP Hồ Chí Minh về Đất Mũi. Hơn 400 cây số, một quãng đường dài và lại lỡ cỡ với phương tiện xe máy nên cuối cùng tôi quyết định đi bằng các loại xe khách công cộng. Đi rồi mới thấy quyết định vậy là đúng bởi trên những chuyến xe ca, xuồng máy, bo bo, vỏ lãi, xe ôm…, tôi được gặp bao con người, được nghe bao câu chuyện để hiểu thêm về miền đất này.

Trời Cà Mau nắng gió chan hòa, không thấy cái “ong ong, tai tái” như Nguyễn Tuân và Anh Đức từng nhắc đến. Về xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) những ngày này, du khách dễ cảm nhận được niềm vui mừng phấn khởi của người dân. Đường lầm bụi đất nhưng mặt người hớn hở, rạo rực những câu chuyện về sự đổi thay trên quê hương. Tiếng nói cười át tiếng gió biển, át tiếng xe công trình. Bà con cho biết, anh em công nhân nói sẽ phấn đấu hoàn thành con đường này trước ngày 30-4. Ngày non sông thống nhất, hòa bình trọn vẹn, người đến Đất Mũi rất đông. Từ năm 2016 đến nay, hai năm trời, đường liên thôn, liên xã đoạn từ xóm Rạch Tàu ra Khu du lịch Đất Mũi luôn bị tắc vì những đoàn xe nườm nượp về.

Con đường mới cũng chính là đoạn cuối của đường Hồ Chí Minh cắt thẳng như một nét vẽ xuyên qua những rừng đước, xóm làng, kênh rạch. Mấy cầu cũ (thứ mà bao nhiêu năm bà con mới dựng được) nay chỉ dành cho xe máy đi vì không bảo đảm phục vụ xe khách. Mốc cuối của đường Hồ Chí Minh là một quần thể kiến trúc đang được hình thành. Nghe bà con miêu tả đó sẽ là Cột cờ Hà Nội. Một niềm xúc động dâng lên khiến cả người kể lẫn người nghe đều như nghẹn lời. Hình cảnh Cột cờ Hà Nội nơi cực nam của đất nước đã kéo gần miền Bắc với miền Nam, kéo hơn 300 năm lịch sử “mang gươm đi mở cõi” của những người dân đất Việt.

Người Cà Mau hồn hậu, thuần phác biến cuộc du lịch của tôi thành một chuyến đi trở về nhà. Những ngôi nhà rộng cửa, những câu chuyện chỉ dành để kể với người tâm giao, những món ngon đậm hương đất rừng… sẽ là kỷ niệm tôi còn nhớ mãi trong chuyến đi này. Chia tay tôi, anh Tám Ca-một người dân sống trong Khu du lịch Đất Mũi ra tiễn chân. Một tay anh khoác vai đứa con, một tay chỉ hút theo con đường tôi đi rồi nói với nó: “Cứ đi mãi con đường này là về nơi Bác Hồ ở. Con cứ học ngoan đi, một ngày cha sẽ cho con đi về nơi đó”.

Theo ĐÔNG HÀ (Quân đội nhân dân)