Phượt sông, nhổ ấu
Cùng nằm trên sông Cửu Long nhưng chỉ riêng An Giang và Đồng Tháp được thừa hưởng mùa nước nổi. Không như nước lũ miền Trung lên nhanh gây họa, nước nổi miền Tây hiền hòa, từ từ dâng cao trong tháng 7 hằng năm; sau 3 tháng trầm mình cùng đồng ruộng, nước lại rút ra sông, ra biển. Ngày xưa, người ta sợ nước nổi gây ngập lụt nhưng bây giờ các bạn trẻ, các tuyến du lịch đã tận dụng tổ chức các chuyến rong chơi khám phá mùa nước nổi.
Thời điểm này, lòng hồ Tân Trung (xã Tân Trung, H.Phú Tân, An Giang) như cô gái xuân thì. Muốn đến lòng hồ phải đi xuồng vì con đường làng đã ngập lũ, từ đây bạn đã có thể bắt đầu chuyến ngao du sông nước của mình bằng cách đi vỏ lãi hái ấu, kéo dớn bắt cá, hái điên điển, tắm đồng. Lòng hồ này tiếp nước từ con sông huyền thoại Vàm Nao lắm cá tôm, bấy nhiêu đó đã đủ cho các bạn trẻ xách ba lô đến chốn xa xôi cách trở này.
Chiếc trẹt đưa đoàn du lịch vượt sóng nước lao xao hướng đến bãi ấu giữa lòng hồ, du khách mải mê ngắm đàn cò trắng đang bay chấp chới, xuýt xoa trước từng chùm bông điên điển nở vàng rực, nhìn những căn nhà sàn như “phố nổi” trên sông… Nhiều bạn trẻ cầm điện thoại chụp hình tự sướng cùng cảnh sông nước yên bình. Mải mê ngắm cảnh, đoàn đến bãi trồng ấu lúc nào không hay, thế là các cô cậu thi nhau thọc tay xuống nước mò hái từng trái ấu. Nhiều cô gái trẻ cắn củ ấu non ăn sống xem mùi vị thế nào để rồi ồ lên “ngọt quá”.
Hai anh bạn trẻ trong đoàn thấy nông dân chống sào điều khiển vỏ lãi, ghe xuồng hái ấu khéo quá nên thích chí tách đoàn tìm chiếc vỏ lãi đi riêng để trải nghiệm. Anh bạn tên Dương, là tay lái ô tô cừ khôi nên tự tin “lái” vỏ lãi chắc cũng dễ ợt. Nhưng Dương đã lầm, sau một hồi cầm sào chống, chiếc vỏ lãi cứ đi như cua bò xa bãi ấu nên anh chàng càng luống cuống. Dương cho biết anh sống ở TP.HCM và đây là lần đầu tiên đi phượt mùa nước nổi.
Chụp ảnh tự sướng trải nghiệm đi phượt trên sông nước
Tắm đồng, chọc cá
Chiếc trẹt tiếp tục hành trình đến nhà ông Phan Văn Hổ, nông dân đang làm du lịch ở lòng hồ Tân Trung. Căn nhà sàn của ông Hổ nằm nổi trên nước, giữa những rặng cây to nhìn đơn sơ nhưng thật hữu tình nên nhiều bạn trẻ tranh nhau chụp ảnh. Để ra nhà ông Hổ, một là đi cầu tre, hai là chống xuồng ra, nhưng các bạn trẻ chọn đi cầu tre để biết “cầu tre lắt lẻo gập ghềnh” như thế nào. Trong nhà ông Hổ nhiều cá linh, cá heo, ốc đồng… toàn sản vật của mùa nước nổi.
Anh bạn tên Ngọc quê Bình Dương lần đầu tiên về sông nước chơi, thấy con cá nóc mít sông nên tò mò đòi bắt cá cầm lên xem rồi chọc cho cá phềnh bụng to. Nhóm khác mặc áo phao hứng thú theo ngư dân đi dỡ chài bắt cá đồng. Vài người khác cầm lòng không đặng với con nước sông quê nên nhảy ùm xuống tắm, lặn hụp bắt ốc, vẹm dưới đáy bùn.
Chụp hoàng hôn trên đồng
Buổi chiều, ở xóm vó cá dọc theo cánh đồng xã Nhơn Hưng (H.Tịnh Biên, An Giang) luôn nhộn nhịp bởi các nhiếp ảnh gia từ các tỉnh khác đến lăng xăng chọn góc đẹp chụp cảnh.
Anh Trần Minh Dũng (ngụ TP.HCM) say mê cầm máy chụp hàng loạt cảnh ngư dân kéo vó cá trong buổi hoàng hôn. Dũng và các bạn trẻ phải tốn công chọn lọc từng góc chụp vừa ý rồi ngồi đợi canh cảnh mặt trời lặn, khi đó ánh tà dương soi rọi thành vệt vàng chạy dài trên đồng nước nhìn hoang sơ nhưng đẹp đến nao lòng.
Dũng kể, mấy mùa nước trước anh cũng về đây đi phượt, chọn các cảnh đẹp để chụp nhưng không như ý vì nước nổi mấy năm đó không cao. Năm nay nước lớn, tràn ngập cánh đồng nên chụp toàn cảnh đẹp hơn. Dũng nói, mấy ngày nay anh thuê nhà trọ ở An Giang để đi chụp cảnh ngư dân bắt cá, hàng cây thốt nốt, núi rừng trong mùa lũ… Anh khoe đi chụp mấy ngày nay mà chưa thấy chán.
Dọc theo cánh đồng Tịnh Biên, thấp thoáng bóng các thanh niên ngồi câu cá đồng. Các bạn tâm sự, trước giờ sống thành thị ồn ào, mấy ngày nghỉ tranh thủ rủ nhau ngao du miền sông nước, ngồi câu mới thấy câu cá tự nhiên quả là không dễ dàng như câu cá nuôi trong ao hồ. Tuy lâu lâu mới dính vài con cá nhưng các cần thủ không thấy phiền lòng vì cái thú chờ cá cắn câu. Và mấy năm mới có mùa nước nổi như thế này để đi câu, đi phượt...
Theo THANH DŨNG (Thanh Niên)