Rong chơi theo mùa nước nổi

26/10/2018 - 08:19

 - Mùa nước nổi là khoảnh khắc được hòa mình với những trải nghiệm độc đáo. Tạm quên những bộn bề của cuộc sống, cảnh thanh bình của vùng quê chào đón khách thập phương. Không cần đến những dịch vụ cầu kỳ, chỉ nhờ “thổ địa” làm “hướng dẫn viên”, ai cũng có thể về lại với tuổi thơ, du lịch thỏa thích cùng mùa nước nổi.

Mênh mông đồng nước tạo cảnh sắc bình yên

Vui trên đồng ngập nước

Trên đồng ruộng, cách đây không lâu còn rợp màu vàng của lúa, chẳng mấy chốc nước đã lấn lướt, biến thành “biển” nước ngọt mênh mông. Sau khi nước tràn đồng đến đỉnh điểm, phù sa lắng xuống mặt ruộng, chỉ còn lại màu nước trong vắt là thời điểm người người hào hứng với thú vui tắm đồng. Người lớn, trẻ nhỏ dường như không còn phân định tuổi tác, ai cũng chung một tâm trạng thích thú đắm mình trong dòng nước mát. Trẻ con được người lớn dạy bơi, lứa chững chạc hơn thi nhau nhảy ùm ùm xem ai giỏi hơn. Chỉ chục người mà tiếng cười nói lao xao làm không gian trở nên nhộn nhịp hẳn. Trẻ con không quên trang bị thêm phao bằng ruột xe, thân chuối để tha hồ vùng vẫy. Phụ nữ đi hái cà na, rau dại, nhân chuyến ra đồng trở về là có món ăn chơi miễn phí. Đâu phải ai là dân miền Tây cũng được tắm đồng. Phải là những cánh đồng lớn, hoặc gần biên giới đón nhận nước nhiều thì đồng mới sâu, nước sạch. Bảo sao nhiều người nói tắm đồng là một “đặc sản” trong mùa nước nổi.

Thỏa thích thú vui tắm đồng

Ngoài đồng đâu chỉ có vậy, nhờ dòng nước mênh mông mà việc di chuyển trở nên nhanh hơn nhờ…xuồng, ghe nhỏ. Buổi chiều, khi mặt trời xuống thấp, những tia nắng rọi sáng mặt nước. Hướng mắt theo hoàng hôn, góc nhìn ngược sáng càng tô đậm dáng dấp những chiếc xuồng con từ bờ này sang bờ kia chở củi, có chiếc vun lên những thúng bông điên điển, hàng hàng lưới cước giữa đồng hắt sắc vàng của nắng, hàng cây lao xao đùa với gió tạo ra những “điệu nhạc” vui tai. Rong ruổi xe máy trên đường đê hay ngồi trên xuồng thong dong ngắm con nước mênh mông, ranh giới giữa kênh và ruộng đã biến mất, chỉ chừa lại hàng cây để nhận biết. Thời khắc nào trong ngày, những đồng nước cũng mang lại vẻ đẹp hút hồn. Ngay cả người lớn cũng “phát ham” với những thú vui ngoài đồng, sau giờ làm giữ nguyên trang phục phóng lên chiếc xuồng theo ngư dân ra đồng xem đánh lưới, đổ dớn. Nhiều bậc cha, mẹ muốn con mình trải nghiệm cảm giác ra đồng, thả diều, câu cá, xem bà con làm ăn… để cảm nhận phần nào cuộc sống đặc trưng nơi mình sinh ra và lớn lên. Như tâm sự của chị Nguyễn Thị Kim Tiến (xã Phú Hiệp, Phú Tân): “Nhiều đứa con nít sống ở chợ không biết bơi. Mình là dân miền Tây phải cho con cái biết những thú vui đặc trưng của xứ mình”.

“Săn” đặc sản miền quê

Mùa nước nổi không chỉ bội thu về tôm, cá mà các sản vật từ cây trái thiên nhiên cũng góp phần làm nên vô số món ăn không kể xiết. Ngày nay, những cánh đồng tập trung nhiều điên điển dệt nên bức tranh vàng rợp đã trở nên hiếm hoi. Nhưng cây điên điển vẫn hiện hữu ở mọi nơi, hễ có nước là điên điển vươn mình, oằn bông chạm đến mặt nước. Chèo xuồng hái điên điển phải chịu khó di chuyển qua nhiều chỗ mới đủ chế biến cho bữa ăn. Len lỏi cặp theo bờ còn hái được kha khá rau đồng như: cù nèo, bông súng, rau muống đồng phượt nước non trong, góp mặt cho bữa cơm thêm phong phú. Sau khi “nhặt” được đủ thứ rau, chỉ còn ngồi nôn nóng chờ mẹ chế biến. Cũng không phải sơn hào hải vị, quẩn quanh món canh chua, cá kho lạt, cá nướng trui ăn kèm nước chấm mắm me, chuối chát, lá sen và rổ rau non mướt màu xanh mà ai cũng mê mẩn đến lạ.

Chèo xuồng hái cà na. Ảnh: M.H

Nhắc tới cây trái của mùa nước nổi mà thiếu trái cà na thì thật thiếu sót. Không biết từ bao giờ, món ăn vặt từ loại trái dân dã ấy đã trở thành đặc sản, làm món quà nặng tình nghĩa được mọi người biếu nhau. Ở xứ Hiệp Xương quê mùa, cà na vẫn còn nhiều lắm. Chỉ cần ra đồng, hoặc đi dọc bờ kênh là phát hiện cà na len lỏi giữa những rặng cây lâu năm xanh mát. Thấy trái cà na nhiều vậy mà người ta chỉ chấm muối ớt ăn chơi, anh Nguyễn Phước Trung mới nghĩ ra cách chế biến cà na thành nhiều món ăn để bán. Cà na trộn chua ngọt, mứt cà na, rượu cà na… món nào cũng đắt khách, không đủ để giao hàng. Nhờ những cây cà na mọc tự nhiên trong xóm và 2 cây cà na hơn 20 năm tuổi sau nhà, anh thu hoạch trái, làm “bán chơi” mà mỗi năm có thêm khoản thu nhập 40 triệu đồng. Cây cà na càng lâu năm trái càng sai quả, trái nào trái nấy ú nu, no tròn. Bà Đặng Thị Phấn (mẹ anh Trung) nói ăn cà na phải chọn giống “cà na ta” mới ngon, vì trái thịt dày, hạt nhỏ, ít chát hơn… “Hồi đó, vùng quê nào cũng có cà na, chỉ dành cho con nít hái ăn chơi, đâu ai nghĩ có thể đem lại kinh tế. Vậy mà bây giờ người ta đặt hàng làm không kịp. Bởi, nó là loại trái cây sạch mà chế biến rồi, mỗi món ăn có sự hấp dẫn riêng”.

Đời sống phát triển, mùa nước nổi được người dân khắp nơi khai thác làm du lịch. Cũng là những hoạt động bơi xuồng hái điên điển, bẻ ấu, mò ốc, bắt cá… mà dân thành thị hồ hởi đổ xô về tận hưởng. Còn với những người rặt chân quê, không phải tốn một đồng họ cũng có những thú vui riêng biệt để quay về với tuổi thơ ngập tràn nước nổi.

MỸ HẠNH