Năm nay, người trồng mía trong tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có thể nở nụ cười thật tươi khi mỗi hécta mía cho lợi nhuận 50 - 60 triệu đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận được người trồng mía kỳ vọng để có thể yên tâm gắn bó lâu dài hơn với nghề trồng mía. Việc giá mía tăng cao trong niên vụ này không làm cho người trong cuộc bất ngờ, nếu không muốn nói là tất yếu. Nguyên nhân giá mía tăng cao chủ yếu là do diện tích mía trong toàn vùng đã giảm mạnh sau nhiều năm người trồng mía không có lời. Không nói đâu xa, ngay như vùng trọng điểm trồng mía lớn nhất của tỉnh là huyện Cù Lao Dung ở niên vụ này cũng chỉ có 2.700ha, trong khi mọi năm ít gì cũng 7.000 - 8.000ha, thậm chí có năm trên 10.000ha.
Năm nay, mỗi hécta mía cho lợi nhuận 50 - 60 triệu đồng. Ảnh: TÍCH CHU
Tương tự như cây mía, năm nay giá củ hành tím Sóc Trăng cũng duy trì ở mức cao (bình quân 20.000 - 23.000 đồng/kg) trong suốt vụ, giúp người trồng hành có lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha. Đây là loại đặc sản, là cây trồng chủ lực ở thị xã Vĩnh Châu, có diện tích gieo trồng bình quân trong những năm gần đây vào khoảng 7.000ha. Giống như cây mía, cây hành tím cũng có những giai đoạn khó khăn trong tiêu thụ, thậm chí có năm phải kêu gọi giải cứu. Bên cạnh nguyên nhân tắc thị trường xuất khẩu còn có nguyên nhân lớn khác là diện tích tăng nhanh, lại thu hoạch trong thời gian ngắn và cùng với đó là chất lượng không ổn định và hạn chế về công nghệ bảo quản. Tuy nhiên, kể từ khi diện tích trồng hành giảm xuống, mùa vụ được rải ra, quy trình canh tác theo hướng hữu cơ được áp dụng rộng rãi, giá hành theo đó cũng quay lại mức cao.
Từ câu chuyện giá mía, giá hành năm nay một lần nữa cho thấy, sản xuất không thể thiếu sự gắn kết với thị trường, bởi mỗi loại sản phẩm, có tồn tại và phát triển hay không đều do thị trường quyết định. Hay nói một cách khác là sản xuất giờ phải theo tín hiệu thị trường, lấy tín hiệu thị trường để làm định hướng cho việc quy hoạch và điều tiết sản xuất. Chỉ có như vậy, các sản phẩm nông sản làm ra không phải lâm vào cảnh dội chợ, rớt giá hay thua lỗ. Điều này các nhà quản lý và thậm chí cả một số nông dân đều biết, nhưng để vận hành một cách trơn tru đúng theo quy luật thị trường lại là vấn đề không hề đơn giản, bởi ngoài biến số thị trường, sản xuất nông nghiệp vốn dĩ phụ thuộc rất nhiều biến số khác, trong đó có cả tâm lý và tư duy đổi mới của nhà nông. Đơn cử như, chỉ cần 1 - 2 vụ trúng mùa, trúng giá, là gần như ngay lập tức, người người, nhà nhà đổ xô vào sản xuất loại cây con đó mà không cần biết nhu cầu thị trường cần bao nhiêu, chất lượng như thế nào, giá cả sẽ ra sao…
Nhờ điều chỉnh sản xuất theo tín hiệu thị trường, việc tiêu thụ cũng như hiệu quả sản xuất của nông dân trồng hành tím đã được cải thiện đáng kể. Ảnh: TÍCH CHU
Ai cũng biết, việc điều tiết sản xuất theo quy luật cung - cầu là chuyện không hề đơn giản vì nó còn liên quan đến nhiều yếu tố khác, như: thời tiết, dịch bệnh, biến động kinh tế… nhưng có điều, nếu sản xuất theo kiểu “thấy người ăn khoai, vác mai đi đào” thì chắc chắn sẽ khó thành công, chứ nói chi đến chuyện phát triển bền vững. Do đó, vấn đề quản lý sản xuất theo tín hiệu thị trường, trước hết, ngoài công tác dự tính, dự báo tốt, phải làm sao để nông dân hiểu, tin và làm theo những khuyến cáo của nhà quản lý, theo hợp đồng của doanh nghiệp. Hay nói một cách khác, nông dân muốn sản xuất hiệu quả và bền vững, phải biết thị trường đang cần cái gì, tiêu chuẩn ra sao, số lượng khoảng bao nhiêu, sức tiêu thụ mạnh trong thời gian nào… chứ không phải “thích gì, làm nấy” mãi được.
Đến đây có thể thấy, nếu chúng ta làm tốt công tác khảo sát, đánh giá đúng nhu cầu thị trường và có cách tiếp cận thị trường phù hợp thì loại nào cũng có thể bán được, bởi mỗi chủng loại đều có một phân khúc thị trường riêng của nó. Còn nói rộng hơn, hầu như sản phẩm nông sản chủ lực nào cũng có thể xuất khẩu được, nếu chúng ta đảm bảo đúng chất lượng, đủ về số lượng và làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. Do đó, chủ trương sản xuất gắn với thị trường là hết sức đúng đắn và nếu chúng ta làm tốt công tác thị trường, chắc chắn đầu ra của nông sản sẽ được rộng mở hơn.
Ông Trịnh Đức Vinh, Giám đốc một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hành tím và một số loại nông sản khác, từng tuyên bố: “Hầu như loại rau màu nào Sóc Trăng đang có cũng đều có thể xuất khẩu được, nếu chúng ta có vùng sản xuất tập trung đủ lớn về số lượng và đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn các nước”.