Sóc Trăng: Các hợp tác xã nỗ lực phát huy, mở rộng nghề thủ công truyền thống

20/03/2023 - 15:02

Thời gian qua, trên địa bàn thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), có nhiều hợp tác xã chuyên sản xuất, gia công các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, trong đó chủ lực là sản phẩm đan đát từ nguyên liệu lục bình, cỏ năn tượng. Các hợp tác xã tuy mới thành lập nhưng hoạt động hiệu quả, sản phẩm đạt giá trị kinh tế cao, giúp cho người dân trong vùng thoát nghèo, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

A A

Trong 3 năm trở lại đây, nghề đan đát ở thị xã Ngã Năm phát triển mạnh. Theo đó, nhiều hợp tác xã thành lập hoạt động hiệu quả, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo được việc làm ổn định cho người dân địa phương.

Ở xã Mỹ Quới, từ những hộ làm nghề đan lục bình nhỏ lẻ, chị Nguyễn Kim Liên đã kêu gọi thành lập Hợp tác xã Hương Liên. “Khoảng 10 năm trước, ban đầu các hộ chỉ liên kết mô hình tổ hợp tác với 9 xã viên, chủ yếu là chị em phụ nữ, việc tiêu thụ sản phẩm đan đát chưa nhiều. Đến cuối năm 2022, nhu cầu của thị trường tăng, hàng hóa xuất bán nhiều hơn, chúng tôi quyết định thành lập hợp tác xã. Tháng 1/2023, Hợp tác xã Hương Liên thành lập với 21 thành viên, chuyên sản xuất, gia công các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, cụ thể là các sản phẩm đan đát từ lục bình. Hiện nay, hàng tuần thợ nhận gia công các tấm xếp sẽ đến giao hàng. Tùy theo kích thước sản phẩm sẽ nhận tiền công từ 7.000 - 20.000 đồng/sản phẩm. Nhiều lao động tập trung làm nghề, mỗi tuần thu nhập từ 800.000 - 900.000 đồng. Tạo được công việc ổn định cho nhiều bà con địa phương, tôi cảm thấy rất phấn khởi” - chị Nguyễn Kim Liên cho biết.

Hiện tại, hợp tác xã có hơn 300 lao động nhận làm sản phẩm tấm xếp xoắn lục bình. Để mở rộng nghề đan đát, chị Kim Liên và các thành viên trong hợp tác xã thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề hoặc đến các xã, ấp lân cận hướng dẫn bà con có nhu cầu học nghề đan đát. Để tạo điều kiện cho người lao động làm nghề, hợp tác xã còn mang nguyên liệu, bộ khung đến tận nhà, sau khi thợ làm ra thành phẩm thì hợp tác xã đến thu nhận và trả tiền sản phẩm.

Các sản phẩm đan đát cỏ năn tượng của Hợp tác xã MCF. Ảnh: XUÂN THANH

Cũng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đan đát, Hợp tác xã MCF ở xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm chọn nguyên liệu là cỏ năn tượng. Năm 2021, Hợp tác xã MCF ra mắt với 10 thành viên, gia công các sản phẩm rổ, giỏ xách, hộp, bàn đôn, ghế, chậu hoa, vật dụng gia đình… với nhiều kích cỡ, hình dáng đa dạng. Đây là hợp tác xã đầu tiên ở Ngã Năm đan đát sản phẩm, sử dụng nguyên liệu cỏ năn tượng. Hiện Hợp tác xã MCF tạo việc làm cho gần 400 lao động tại chỗ. Tùy theo sản phẩm, tiền công trả cho thợ từ 15.000 - 20.000 đồng/sản phẩm. Nguyên liệu là cỏ năn tượng phơi khô luôn đảm bảo đạt chất lượng về độ dai, màu sáng đẹp, được khách hàng ưa chuộng nên đơn hàng luôn ổn định. Mỗi tuần, hợp tác xã xuất đi khoảng 1.700 sản phẩm. Tính trong năm 2022, Hợp tác xã MCF đã xuất bán hơn 25.000 sản phẩm. Hợp tác xã còn thường xuyên mở các lớp dạy nghề, thu hút nhiều người dân địa phương đến học và truyền nghề cho nhau.

Theo em Nguyễn Ngọc Thường Vy, ở xã Mỹ Quới, từ khi hợp tác xã thành lập và tuyển lao động, em tranh thủ thời gian nhàn rỗi đến học nghề và nhận gia công sản phẩm. Thời gian làm ra sản phẩm tùy theo kiểu mẫu đơn giản hoặc cầu kỳ. Nếu lành nghề thì có thể kiếm được từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày, có thêm thu nhập phụ giúp gia đình.

Nghề đan đát không kén người, người lao động đủ mọi lứa tuổi già, trẻ, phụ nữ hoặc nam giới đều làm được. Ông Phạm Văn Thạch ở xã Mỹ Quới (gần 70 tuổi), sau vài buổi học nghề đan đát đã nhận nguyên liệu về gia công tại nhà, mỗi tuần làm được khoảng 30 sản phẩm. Thu nhập từ công việc đan đát đã mang lại cho ông Thạch niềm vui, có tiền trang trải cuộc sống.

Theo đại diện Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm, hiện trên địa bàn thị xã có 18 hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ. Các hợp tác xã hoạt động hiệu quả, trong đó các hợp tác xã chuyên gia công các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đan đát đã không ngừng nỗ lực mở rộng sản xuất, kinh doanh, cải thiện thu nhập của người lao động, góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương. Các hợp tác xã đều có cách làm hay để gìn giữ, phát triển, nâng giá trị các nghề thủ công truyền thống như chủ động tổ chức các lớp dạy nghề miễn phí hoặc đến tận nơi khuyến khích, hướng dẫn cho người dân học nghề, tích cực tìm kiếm đơn hàng, kết nối với các doanh nghiệp, công ty để tiêu thụ sản phẩm, phát huy vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã, tương trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp có hiệu quả cho kinh tế địa phương.

Theo Báo Sóc Trăng