Sóc Trăng: Giải pháp ứng phó hạn, xâm nhập mặn mùa khô

24/02/2022 - 09:33

Sóc Trăng là tỉnh ven biển, với 3 cửa sông gồm: Trần Đề, Định An, Mỹ Thanh đổ ra biển và hệ thống thủy lợi của tỉnh cơ bản hình thành thành 7 vùng dự án. Do địa hình tỉnh tiếp giáp với biển nên hàng năm, địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường (tháng 10 đến tháng 12) và xâm nhập mặn trong những tháng mùa khô (tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau). Tìm hiểu việc phòng, chống hạn, xâm nhập mặn cũng như đảm bảo diện tích trồng trọt, chăn nuôi của bà con nông dân trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2021 - 2022, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng về các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn được ngành nông nghiệp đề ra.

Phóng viên: Để tiếp tục phát huy kết quả phòng, chống hạn, mặn năm 2020 - 2021, trong những tháng mùa khô 2022, Chi cục Thủy lợi sẽ triển khai những giải pháp nào để ứng phó hạn, mặn, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Tấn Đạo: Trong quá trình diễn ra hạn, mặn năm 2020 - 2021, có thời điểm ranh mặn 3‰ đã vượt qua địa bàn huyện Long Phú (thị trấn Đại Ngãi) tiếp cận khu vực Kế Sách đồng thời giữ vững cường độ mặn trong dài ngày, đưa các vùng trọng điểm sản xuất lúa, cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng như vùng Long Phú - Tiếp Nhật, Kế Sách, Cù Lao Dung đến nguy cơ bị thiệt hại. Và tiếp đến đầu những tháng mùa khô đầu năm 2022, nắng nóng bắt đầu diễn ra gay gắt, độ mặn đã xuất hiện tại các sông.

Trước nguy cơ bị ảnh hưởng từ mặn xâm nhập, Chi cục Thủy lợi đã chủ động triển khai các giải pháp chống hạn, mặn, trước hết đó là giải pháp phi công trình như: theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình xâm nhập mặn để có thông báo, cảnh báo kịp thời địa phương, người dân nắm, chủ động trong công tác ứng phó; phối hợp đơn vị liên quan tiến hành quan trắc độ mặn trên các sông, kênh, rạch, nhất là các điểm xung yếu các cống đầu nguồn, lấy nước phục vụ sản xuất và số liệu đo mặn được cập nhật hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với các đơn vị liên quan có kế hoạch sản xuất đối với các vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao, khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, dịch chuyển lịch thời vụ để né hạn và khuyến cáo hộ dân tích trữ nước tại hộ và chuẩn bị các phương tiện lấy nước phục vụ sản xuất khi có điều kiện. Cùng với đó, phối hợp tỉnh Bạc Liêu trong việc điều tiết nguồn nước mặn - ngọt khu vực Quản lộ Phụng Hiệp.

Phóng viên: Đối với giải pháp phi công trình thì Chi cục Thủy lợi đã thực hiện khá bài bản. Như vậy, còn giải pháp nào mà đơn vị triển khai để đảm bảo việc sản xuất nông nghiệp của người dân được an toàn, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Tấn Đạo: Bên cạnh giải pháp phi công trình thì giải pháp công trình được xem là phương án rất quan trọng để phòng, chống và ứng phó hạn, mặn. Theo đó, đơn vị sẽ tiến hành nạo vét các tuyến kênh nội đồng để làm thông thoáng các dòng chảy cũng như tích nước phục vụ sản xuất; đầu tư sửa chữa các cống, bồi trúc đê bao, nạo vét các tuyến kênh nội đồng; đầu tư nâng cấp, bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, trạm đo độ mặn để kịp thời cung cấp thông tin cho địa phương. Song song đó, tiến hành thực hiện dự án xây dựng hệ thống thủy lợi tạo nguồn, trữ ngọt phòng, chống hạn, mặn liên huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú, Châu Thành và TX. Ngã Năm (Sóc Trăng) và khởi công xây dựng mới cống Ngan Rô và đầu tư xây dựng công trình hệ thống cống ngăn mặn và kênh trục thủy lợi tạo nguồn, trữ ngọt các địa bàn xung yếu tỉnh Sóc Trăng.

Đồng thời, công khai lịch vận hành cống, tổ chức trực ngày đêm vận hành các công trình thủy lợi trên nguyên tắc đảm bảo đầy đủ chức năng của các công trình cung cấp nước sản xuất, nước sinh hoạt và giao thông phục vụ sản xuất. Đối với vùng dự án Kế Sách, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền cho nông dân trữ nguồn nước ngọt tối đa vào các kênh, mương, ao đầm, khu vực trũng ở bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, rạch khi đủ điều kiện hạn chế thấp nhất ảnh hưởng nếu mặn kéo dài, không để xảy ra trường hợp nông dân thiếu thông tin, tưới tiêu nước nhiễm mặn, dẫn đến thiệt hại.

Qua đó, để công tác phòng, chống hạn, mặn đạt hiệu quả cao, các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp cần thiết để chủ động nguồn nước như: nghiên cứu đề xuất quy hoạch hệ thống thủy lợi, trạm bơm, cống, nạo vét kênh mương, lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến, quy hoạch trữ nước trong các ao, kênh, rạch… để chủ động nguồn nước sử dụng trong thời kỳ cao điểm hạn hán, xâm nhập mặn. Hướng dẫn hộ dân vùng khó khăn nước sạch về lâu dài nên đào ao, giếng, trang bị bồn chứa, túi chứa… tích trữ nước ngọt vào mùa mưa, sử dụng trong mùa khô, đặc biệt tại các khu vực khó khăn về nguồn nước ngầm…

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí đã dành thời gian trả lời phỏng vấn.

Theo Báo Sóc Trăng