Sóc Trăng: Khi con trẻ phạm tội, lỗi do đâu!

06/09/2022 - 09:48

Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, không ít người chưa thành niên đã tự tay vẽ nên những nét bút đen trên trang lý lịch trong sáng của cuộc đời mình bằng các tội danh. Đáng báo động, tình trạng này lại đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp cả về tính chất lẫn mức độ nghiêm trọng…

A A

Nhìn vào các hồ sơ vụ án và tìm hiểu về động cơ gây án của các đối tượng có thể thấy, tội phạm vị thành niên thường có xuất phát điểm tương đối giống nhau: thiếu sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ; nhận thức về pháp luật còn hạn chế; điều kiện kinh tế gia đình nhiều khó khăn. Một phiên tòa xét xử về tội giết người gần đây khiến người dự khán cảm thấy nhói lòng, bởi kẻ sát nhân lẫn bị hại, nhân chứng đều là người chưa thành niên, trong đó, có em đang ngồi trên ghế nhà trường. Các em đến tòa với vẻ mặt lo lắng, sợ sệt và lắp bắp, run rẩy trả lời từng câu hỏi của hội đồng xét xử, dù bên cạnh mỗi em đều có cha hoặc mẹ là người đại diện, giám hộ.

Sự việc, D.H (huyện Châu Thành) đang là học sinh lớp 11, trong thời gian được nghỉ tết Nguyên đán (năm 2022) thì bạn học rủ đi cùng với một nhóm bạn để giải quyết mâu thuẫn với một nhóm bạn khác. Và khi hai bên gặp nhau đã xảy ra ẩu đả. Thấy bạn bị đánh, H đã dùng dao đâm chết một thành viên của nhóm đối phương và cuộc đời em cũng đã bước sang một ngã rẽ đen tối. Vậy mà người cha khá dửng dưng trước việc phạm tội của con trẻ, hội đồng xét xử hỏi: “Vì sao con ông phạm tội giết người lại ở tuổi vị thành niên, ông lại không có một lần thăm hỏi hay có động thái bồi thường tổn thất đối với gia đình bị hại”. Chẳng đắn đo, suy nghĩ, người cha trả lời một cách thiếu trách nhiệm: “Nó đâu có ở với tôi. Từ lúc tôi với mẹ nó ly dị, nó ở với bà nội mà. Tôi giờ có gia đình rồi, nhà ở xa”.

Phiên tòa xét xử bị cáo ở tuổi vị thành niên phạm tội giết người. Ảnh: SỚM MAI

Một sự bất mãn thể hiện rõ trên đôi mắt của vị chủ tọa, ông chuyển hướng sang người mẹ có con trai đã đến rủ H tham gia “cuộc chiến” và hỏi về cách quản lý, giáo dục con như thế nào để rủ rê dẫn đến người khác phạm tội. Bà H thật thà trình bày: “Tôi làm miết không có rảnh. Tôi thấy con cũng ít đi chơi, tại mấy ngày gần Tết, nó xin tiền đi mua quần áo mới mâu thuẫn với người khác”.

Sự thiếu quan tâm, chăm sóc của gia đình, con trẻ thường dễ bị bạn bè xấu lôi kéo và chịu sự tác động tiêu cực của xã hội. Thực chất, các em đều mong muốn, khát khao được sống trong vòng tay trìu mến của mẹ, sự yêu thương của cha và người thân. Trong giờ nghị án, H với đôi mắt đỏ hoe, bộc bạch nỗi lòng trước những người xa lạ mà mình tin tưởng: “Từ khi con 10 tuổi, cha mẹ đã ly dị và tới bây giờ con chưa một lần gặp lại mẹ. Mẹ cũng chưa một lần điện hỏi thăm hay mua sắm bất cứ thứ gì gửi cho con; nghe nói mẹ đã có gia đình khác. Cha con cũng có gia đình nhưng thỉnh thoảng có gửi cho con tiền đi học. Bà nội con già lắm rồi, con hối hận lắm. Giờ con chỉ mong sớm ra tù để đi làm lo cho bà thôi, con không cần gì hết…”.

Trẻ em và người chưa thành niên đang trong giai đoạn hình thành, phát triển nhân cách, trí tuệ, thể lực nên tâm lý khá phức tạp, thiếu ổn định. Lứa tuổi này, các em luôn có xu hướng muốn vươn lên thành người lớn; có khuynh hướng tự lập, bứt phá mọi sự ràng buộc và muốn khẳng định bản thân. Nếu không có sự uốn nắn, định hướng kịp thời của người lớn, con trẻ rất dễ bị lệch lạc và đánh mất cuộc đời.

Tại tòa, bị cáo T.H.H (TP. Sóc Trăng) có một thái độ, lời nói ngoan ngoãn, lễ phép trước tòa, “một tiếng dạ, hai tiếng thưa” và khóc lóc nức nở, hối lỗi, xin sự tha thứ từ phía gia đình bị hại. Nào ai có ngờ đây chính là người chưa thành niên từng ra tay giết người một cách côn đồ, vô cớ. Chỉ vì đang chạy xe máy trên đường, thấy có người khác vượt qua và nghĩ rằng bản thân bị ép xe nên áp sát, dùng dao đâm chết người. Trước đó, H đi đâu cũng đều để dao trong người và H từng bị xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi cất giấu dao trong người nhằm mục đích gây thương tích cho người khác.

Hành vi phạm tội của H đáng bị lên án, cần trừng trị thích đáng nhưng xét ở một khía cạnh nào đó, H cũng thật đáng thương. Gia đình H rất khó khăn, cha mẹ làm hồ. Học mới lớp 4, H đã nghỉ học, đi làm phụ giúp cha mẹ kiếm tiền nuôi các em (H là con lớn, gia đình có 6 anh em). Vì tất bật chuyện cơm áo, gạo tiền, cha mẹ không còn sức lực, thời gian để quan tâm đến việc chăm sóc, giáo dục con cái. Không may là H lại chơi chung, bắt chước những người xấu, dẫn đến kết cục như ngày hôm nay.

Xã hội thường có tác động đến việc hình thành và phát triển nhân cách của con người. Vì thế, gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội cần sát sao hơn trong mỗi bước đi của con trẻ, để các em bước vào ngưỡng cửa cuộc đời học hỏi và đạt được những gì tốt đẹp nhất.

Theo Báo Sóc Trăng