Nếu như giá heo hơi tăng trở lại mức 6 - 7 triệu đồng/tạ (100kg) mang đến cho người nuôi heo niềm vui và sự tự tin để chuẩn bị cho đợt tái đàn phục vụ lễ, Tết cuối năm thì những dự báo về giá thức ăn chăn nuôi khiến người nuôi heo thêm phân vân, lo lắng. Họ lo lắng là có cơ sở, bởi với mức giá con giống và thức ăn chăn nuôi hiện tại, nếu giá heo hơi đạt mức 6 triệu đồng/tạ thì người nuôi mới đạt điểm hòa vốn, còn để có mức lãi như kỳ vọng, giá heo hơi phải đạt từ 7 triệu đồng/tạ trở lên. Gặp lại người viết mới đây, một chủ trang trại nuôi heo ở Phường 8, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) than: “Nuôi heo bây giờ không biết khi nào lời, khi nào lỗ nữa. Tôi gắn bó với nghề này đã hơn 30 năm mà vẫn không sao đoán được khi nào giá lên, khi nào giá xuống dù chỉ trong ngắn hạn, chứ nói chi đến cả một chu kỳ chăn nuôi”.
Giá thức ăn chăn nuôi khó giảm khiến người chăn nuôi phân vân trước thời điểm tái đàn chuẩn bị thị trường cuối năm. Ảnh: TÍCH CHU
Cũng theo vị chủ trang trại trên, giá heo hơi đầu năm đến nay còn có lên, có xuống, nhưng còn giá thức ăn chăn nuôi thì chỉ có lên chứ không hề xuống, nên chỉ cần giá heo hơi đi xuống một chút là người chăn nuôi rơi vào cảnh thua lỗ ngay. Nếu tính tới đợt tăng giá gần nhất thì giá thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 6 lần từ đầu năm đến nay. Còn nếu so với mức giá vào cuối năm 2021 thì giá hiện tại đã tăng gấp đôi, nhưng giá heo hơi thì tăng không tương xứng. Vừa rồi cũng có đợt giá heo hơi tăng lên được đến 7,5 triệu đồng/tạ nhưng sau đó giảm lại và hiện mới nhích lên mức 6,5 triệu đồng/tạ. Mức giá này, nếu đi từ heo nái đến heo thịt thì cũng có lời ở mức khá nhưng nếu mua con giống thì mức lời cũng không còn bao nhiêu. “Giá thức ăn chăn nuôi thì chỉ có tăng, còn giá heo hơi thì biến động lên xuống bất thường khiến tôi đau đầu mấy ngày nay vì chưa biết có nên tái đàn mạnh để “đón gió” dịp cuối năm hay không nữa” - vị chủ trang trại trên chia sẻ.
Theo các chủ trang trại chăn nuôi, việc giảm giá xăng dầu trong nước không tác động nhiều đến giá thức ăn chăn nuôi vì giá xăng dầu chỉ làm tăng chi phí trong khâu lưu thông, phân phối từ nhà sản xuất đến trại chăn nuôi, còn gốc rễ vấn đề là ở giá nguyên liệu ngoại nhập để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Có dịp tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao phụ trách lĩnh vực thức ăn chăn nuôi của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, người viết được biết, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước buộc phải tăng giá bán vì hầu hết giá nguyên liệu nhập khẩu đều tăng mạnh, do cước vận chuyển đường biển tăng, thời tiết không thuận lợi và cuộc chiến Nga - Ukraine… Khi chúng tôi đặt vấn đề, tại sao không sử dụng một số nguyên liệu trong nước như: đậu nành, bắp để thay thế hàng ngoại nhập nhằm giảm giá thành, một lãnh đạo Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết: “Chúng tôi rất muốn và cũng đã triển khai liên kết tại một số nơi để thu mua bắp, đậu nành nhưng cuối cùng phải nhập khẩu gần như đến 90% vì các nguồn hàng liên kết này không đạt tiêu chuẩn theo quy định chất lượng thức ăn chăn nuôi”.
Có thể thấy, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cao ngoài việc cước vận chuyển tăng cao, 2 nguồn cung lớn bị gián đoạn là Nga và Ukraine thì tình trạng hạn hán ở châu Âu hay điều kiện thời tiết bất lợi khác ở các nước Nam Mỹ cũng làm cho nguồn cung bị gián đoạn, sụt giảm, đẩy giá bán nguyên liệu tăng cao. Với diễn biến trên, theo dự báo của các doanh nghiệp ngành thức ăn chăn nuôi trong nước, từ nay đến cuối năm, giá thức ăn chăn nuôi không biến động mạnh như từ đầu năm đến nay đã là tin tốt, còn việc kéo giảm giá thức ăn chăn nuôi sẽ là rất khó. Điều này có thể nhận thấy, khi Tổ chức Lương nông thế giới FAO vừa công bố chỉ số giá ngũ cốc giảm 2 con số trong tháng 7 thì ngay sau đó, bước sang phiên giao dịch tháng 8, giá đậu nành và bắp đã ngay lập tức tăng trở lại.
Người chăn nuôi cũng rất muốn giảm chi phí sản xuất để giảm giá heo hơi về mức chấp nhận được, nhằm kích thích tiêu dùng mạnh hơn, nhưng xem ra điều này là rất khó vì chỉ riêng chi phí thức ăn đã chiếm khoảng 75% tổng giá thành chăn nuôi. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi lại phụ thuộc 80 - 90% vào giá nguyên liệu nhập khẩu và như đã phân tích ở trên, giá nguyên liệu nhập khẩu sẽ khó lòng giảm mạnh từ nay đến cuối năm, nếu không muốn nói là sẽ còn không ít yếu tố bất ngờ, khó đoán.
Theo Báo Sóc Trăng