Kể từ khi thành lập vào năm 2016, Hợp tác xã Thủy sản Toàn Thắng ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Trong 7 năm qua, nhờ duy trì tốt liên kết tiêu thụ sản phẩm, hợp tác xã đã giúp cho các thành viên yên tâm sản xuất. Ông Phạm Văn Mừng - Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Toàn Thắng cho biết: “Năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, do duy trì tốt việc thực hiện liên kết với Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi nên sản phẩm tôm thẻ của Toàn Thắng vẫn được bao tiêu hết. Hiện nay, mỗi năm, hợp tác xã đạt sản lượng từ 250 - 500 tấn tôm sạch, được chứng nhận quốc tế theo tiêu chuẩn ASC, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu châu Âu”.
Để bảo đảm quyền lợi cho thành viên, trong thỏa thuận cung cấp sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã đều nêu rõ doanh nghiệp thu mua đúng giá đã ký kết. Giá bán tôm luôn được trả cao hơn thị trường 2.500 đồng/kg, mang lại lợi nhuận hơn 20 tỷ đồng cho thành viên hợp tác xã. Doanh nghiệp bao tiêu cũng cam kết hỗ trợ kinh phí cho việc tái đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn ASC hàng năm cho hợp tác xã. Có đầu ra ổn định, những năm qua, các thành viên của Hợp tác xã Thủy sản Toàn Thắng yên tâm tăng gia sản xuất. Khi mới thành lập, Hợp tác xã Thủy sản Toàn Thắng chỉ có khoảng 20 thành viên, đến nay đã tăng lên 70 thành viên, với diện tích nuôi trồng thủy sản là 160ha.
Hợp tác xã Thủy sản Toàn Thắng ở thị xã Vĩnh Châu thu hoạch tôm. Ảnh: XUÂN NGUYÊN
Thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm vú sữa bơ hồng từ năm 2021 đến nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Xóm Đồng 2, ở xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) xuất bán cho doanh nghiệp 100 tấn/năm. Tổng diện tích trồng vú sữa bơ hồng hiện nay của hợp tác xã là 21,5ha, trong đó 11ha đang cho trái ổn định, diện tích còn lại chưa cho trái hoặc mới cho trái vụ đầu. “Trong vụ mùa 2022 - 2023, toàn bộ sản lượng hơn 60 tấn trái vú sữa bơ hồng của hợp tác xã được giá tốt, dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg. Từ khi tham gia hợp tác xã, chúng tôi không lo về nguồn tiêu thụ bởi có doanh nghiệp uy tín liên kết bao tiêu sản phẩm. Sản phẩm được giá, lợi nhuận cao nên ai cũng phấn khởi” - ông Đinh Công Đằng - thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Xóm Đồng 2 chia sẻ.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách, 4 năm qua, vú sữa Kế Sách được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Singapore với số lượng ngày càng tăng, niên vụ 2021 - 2022, các hợp tác xã ở Kế Sách đã liên kết với 6 doanh nghiệp để đưa vú sữa tím vào thị trường Mỹ.
Còn Hợp tác xã Hưng Lợi, ấp An Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng) được thành lập năm 2017 và triển khai hiệu quả mô hình liên kết tiêu thụ lúa, ký kết được nhiều hợp đồng giá trị. Tính đến hiện tại, hợp tác xã đã thực hiện ký kết nhiều hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa, với tổng diện tích sản xuất là 4.034ha, sản lượng cung ứng là 31.946 tấn lúa thương phẩm. Theo các hợp đồng ký kết, giá thu mua cao hơn thị trường từ 300.000 - 500.000 đồng/tấn, giúp cho nông dân tăng lợi nhận từ 3 - 5 triệu đồng/ha.
Ông Trương Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Hưng Lợi thông tin, mỗi vụ, hợp tác xã mời các doanh nghiệp đàm phán và ký hợp đồng đầu vào, đầu ra cho thành viên. Trước khi thu hoạch khoảng 10 - 15 ngày, mới cho doanh nghiệp đàm phán, chốt giá tốt nhất. Hiện Hợp tác xã Hưng Lợi có 538 thành viên tham gia, với diện tích sản xuất lúa hơn 609ha. Tham gia hợp tác xã, các xã viên canh tác lúa hiệu quả hơn, nhờ mua lúa giống đầu vào giá rẻ, tăng giá bán do được công ty bao tiêu đầu ra, thông qua hợp đồng liên kết tiêu thụ, giá thu mua cao hơn lúa bên ngoài hợp tác xã.
Các đoàn tham quan Hợp tác xã Mây tre đan Đất Phương Nam ở huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: XUÂN NGUYÊN
Ngoài các hợp tác xã kể trên còn có nhiều đơn vị điển hình về kết nối thị trường tiêu thụ như: Hợp tác xã Mây tre đan Đất Phương Nam (huyện Châu Thành), Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phú (huyện Cù Lao Dung), các hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Lợi, Thạnh Tân, Thạnh Trị (huyện Thạnh Trị), Hợp tác xã MCF Mỹ Quới, Hợp tác xã Liên Hương (thị xã Ngã Năm), Hợp tác xã Tín Phát, Hợp tác xã Nông nghiệp Trinh Phú, Hợp tác xã Quyết Thắng (huyện Kế Sách)...
Theo Liên minh Hợp tác xã Sóc Trăng, hiện nay, toàn tỉnh có 223 hợp tác xã, trong đó, có 201 hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, 22 hợp tác xã hoạt động trên các lĩnh vực phi nông nghiệp. Đa số các hợp tác xã hoạt động có kết nối với các cơ sở thu mua hoặc thông qua các đầu mối của thành viên để tiêu thụ sản phẩm. Một số hợp tác xã hoạt động có sự chủ động, năng động trong hoạt động kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm ổn định, được giá so với bên ngoài, giúp thành viên an tâm trong sản xuất.
Năm 2022, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã hỗ trợ cho các hợp tác xã tìm kiếm thị trường, kết nối doanh nghiệp để tiêu thụ hàng hóa thông qua việc giới thiệu các sản phẩm của hợp tác xã qua cổng thông tin điện tử của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và một số sàn giao dịch điện tử của bưu điện, các sở, ngành qua các chương trình phối hợp; kết nối 8 doanh nghiệp đến Sóc Trăng và tổ chức 15 cuộc hội nghị chuyên đề tại các huyện, thị xã, thành phố với hơn 200 hợp tác xã, tổ hợp tác tham dự để kết nối doanh nghiệp hợp tác sản xuất, kinh doanh…
“Thị trường là yếu tố quyết định đến sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã. Trong thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các hợp tác xã tìm kiếm thị trường phù hợp, hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp làm ăn lâu dài, hỗ trợ hợp tác xã làm dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào, bao tiêu đầu ra sản phẩm cho thành viên…” - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Sóc Trăng Phạm Chí Nguyện chia sẻ thêm.
Theo XUÂN NGUYÊN (Báo Sóc Trăng)