Giữ vững và duy trì nghề đi biển
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất ven biển của huyện Trần Đề (Sóc Trăng), ngay từ nhỏ, anh Trần Hữu Nghĩa, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề đã quen với việc cùng cha ra khơi đánh bắt cá, với mỗi chuyến lên đến hàng tháng trời mới trở về đất liền. Anh Nghĩa tâm tình: "Mấy mươi năm qua, gia đình tôi gắn bó “keo sơn” với nghề đi biển, vì đây là nghề đem lại nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Tôi có 18 tàu đánh bắt hải sản và 2 tàu vận chuyển hàng hóa, trong đó 10 tàu có trọng tải từ 70 - 80 tấn và 10 tàu trọng tải trên 100 tấn. Để vận hành tàu đi đánh bắt thủy hải sản trên biển cần đến 140 lao động/9 cặp tàu. Mỗi chuyến đi biển kéo dài 3 tháng và tùy vào từng tháng lượng hải sản được đánh bắt trên biển nhiều hay ít. Hiện tại là thời điểm đánh bắt hải sản đạt sản lượng tốt nhất. Để hải sản sau đánh bắt tươi mới cung ứng đến doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người tiêu dùng thì khoảng 7 ngày đánh bắt, hải sản sẽ được vận chuyển từ biển vào đất liền, thông qua tàu chuyên chở của gia đình".
Sản lượng khai thác biển của tỉnh Sóc Trăng ước đạt 72.183 tấn trong năm 2023. Ảnh: THÚY LIỄU
“Sản lượng hải sản đánh bắt không cố định, có lúc vận chuyển vào bờ khoảng 6 - 7 tấn, có lúc lên đến 30 - 40 tấn hải sản/9 cặp tàu. Trong 3 năm trở lại đây, hải sản đánh bắt giảm, giá nguyên liệu, các loại dụng cụ, ngư cụ đánh bắt tăng và thiếu nhân công đi biển nên đã ảnh hưởng lớn đến việc ra khơi. Mặc dù khó khăn là thế nhưng chủ tàu cá như chúng tôi vẫn phải duy trì bám biển”, anh Hữu Nghĩa chia sẻ thêm.
Cũng là người tham gia đi biển đánh bắt hải sản 30 năm nay, ông Nguyễn Văn Xuyên, thị trấn Trần Đề chia sẻ: "Để ra khơi an toàn, đánh bắt hải sản đạt sản lượng tốt, ngoài kinh nghiệm, người đi biển phải theo dõi sát diễn biến thời tiết thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và các thông tin của ngành chuyên môn. Tôi có 4 tàu cá, có 16 lao động theo tàu khai thác hải sản, trọng tải tàu từ 70 - 80 tấn. Các tàu cá của tôi đều đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định".
Ông Xuyên cho biết thêm: “Thiết bị giám sát này vừa giúp cho chủ tàu xác định được chính xác tọa độ đánh bắt, biết được từng tàu đánh cá, giám sát được vị trí, thời gian tàu đi bao xa trong 1 giờ vừa giúp cho tàu vận tải hải sản biết được điểm tàu đánh bắt để tiếp cận vận chuyển hải sản đưa vào bờ. Nghề đi biển đem lại nguồn thu nhập khá tốt cho chủ tàu và bạn đi tàu nhưng khó khăn của nghề biển là khi giá nhiều mặt hàng phục vụ tàu đánh bắt tăng, chi phí thuê lao động tăng, nhất là giá nhiên liệu tăng làm giảm đáng kể nguồn thu nhập của người tham gia đi biển. Tuy nhiên, dù có gặp bất kỳ khó khăn nào, tôi vẫn duy trì nghề đi biển, góp phần tạo ra công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương. Cùng với đó, tôi cũng muốn giữ gìn nghề đi biển truyền thống của người dân ven biển Trần Đề”.
Hỗ trợ tàu cá khai thác hải sản bền vững
Sau những chuyến đánh bắt, tàu cá vào bờ neo đậu tại Cảng Trần Đề, huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Ảnh: THÚY LIỄU
Đồng chí Lư Tấn Hòa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết, đơn vị sẽ tăng cường công tác tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2017 để cộng đồng ngư dân ven biển, các tổ chức, cá nhân và thành phần kinh tế có liên quan biết, chủ động thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, đáp ứng các quy định, thông lệ của quốc tế. Duy trì thực hiện đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định đối với những tàu tham gia khai thác thủy hải sản. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến; kiên quyết không cho tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển nếu không đảm bảo theo quy định, đặc biệt là kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) phải đảm bảo trạng thái hoạt động trước khi cho tàu cá xuất bến đi hoạt động trên biển.
Để khai thác biển đem lại nguồn thu nhập tốt cho ngư dân và mang tính bền vững, ngư dân cần phải nắm rõ các quy định về khai thác biển và cần tuân thủ đúng các quy định, vừa đảm bảo quyền lợi của ngư dân, vừa góp phần tháo gỡ cảnh báo Thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với hải sản Việt Nam.