Lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng tham quan khu vực nuôi cua trong hộp nhựa trong bể bạt tại hộ ông Trần Văn Diếm, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), với diện tích bể nuôi 200m2 cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: THÚY LIỄU
Bể nổi lót bạt nuôi cua của ông Trần Văn Diếm có diện tích 200m2 nhưng số lượng hộp cua nuôi trong bể lên đến 2.000 hộp, còn diện tích ao ương, ao nuôi dưỡng cua lên đến 1ha mới đủ số cua cung ứng nuôi trong 2.000 hộp. Sau rất nhiều lần nuôi thử nghiệm với nhiều cách nuôi, quy trình nuôi khác nhau nhưng không đạt hiệu quả, đến năm thứ 5 ông mới hoàn thiện được quy trình nuôi đúng như kỳ vọng. Quy trình nuôi cua thành công được ông chuyển giao cho nhiều hộ nuôi khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung và một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ông Diếm chia sẻ: "Sau nhiều năm nuôi tôm thất bại và độ mặn trong nước gần như bằng không thì việc nuôi tôm không thể tiếp tục. Không thể bỏ trống ao nuôi tôm, tôi đã chuyển ao nuôi tôm sang nuôi cua. Cua nuôi thả trực tiếp vào ao nên thời gian nuôi hơn 5 tháng mới thu hoạch, lượng cua hao hụt trên 60%, do cua ăn lẫn nhau. Thấy nuôi cua truyền thống tỷ lệ hao hụt lớn, tôi chợt nhớ đến thời gian sinh sống bên Malaysia, hộ dân ở đấy họ nuôi cua trong hộp rất hiệu quả".
“Tuy nhiên, tôi không biết về quy trình nuôi cua trong hộp. Qua từng cách làm thất bại, tôi dần rút được kinh nghiệm và từng bước cải thiện quy trình nuôi cua chuẩn nhất, đó là nuôi cua 3 giai đoạn (ương cua, thả nuôi cua trong ao đất và đưa cua lên nuôi trong hộp). Giai đoạn nuôi cua trong hộp rất quan trọng, vì đây là thời gian nuôi thúc cua, tạo ra sản phẩm cua lột thu hoạch cung cấp ra thị trường. Vì vậy, hệ thống bể nuôi được thiết kế bài bản, có hệ thống cung cấp oxy, hệ thống cấp thoát nước, đặc biệt là hộp cua phải được thiết kế thông thoát, kích cỡ rộng rãi thoải mái cho cua sinh trưởng”, ông Diếm cho biết thêm.
Nhằm tránh mưa, nắng, ông dùng lưới lan che phía trên bể nuôi. Cua nuôi từ giai đoạn ương đến khi cua cứng cáp, phân loại thả vào ao đất nuôi đến khi cua đạt trọng lượng 10 - 15 con/kg (2 tháng nuôi). Lúc bấy giờ vớt cua từ ao đất lên để đưa cua vào hộp nuôi. Giai đoạn này phải chăm sóc cua cẩn thận và theo dõi cua 24/24 giờ, cho cua ăn đầy đủ thức ăn cũng như áp dụng các quy trình kỹ thuật bài bản, để cua lột đúng thời điểm cua đạt trọng lượng 7 - 8 con/kg là tốt nhất. Lúc cua lột, phải bắt cua cho ngay vào tủ cấp đông, nhằm giữ cua tươi mới, béo mềm. Tính bình quân, 1 năm ông xuất bán hơn 2 tấn cua lột, giá bán dao động từ 350.000 - 500.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 600 triệu đồng.
Đồng chí Mã Chí Thọ - Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho biết, trong vài năm trở lại đây, một số hộ dân trên địa bàn thị xã chuyển đổi cách nuôi cua truyền thống trong ao đất sang nuôi trong hộp nhựa và làm bể bạt trên bờ để nuôi cua trong hộp nhựa. Cùng với đó, thị xã cũng có farm nuôi cua quy mô lớn, có quy trình nuôi rất tiên tiến và hiện đại là nuôi cua hộp bên trong nhà kính. Đối với hộ nuôi cua bể bạt trên bờ, đây là mô hình nuôi nông hộ, phù hợp với hộ dân có diện tích đất nhỏ và kinh phí đầu tư mô hình tầm ở mức vài chục triệu là có thể nuôi được cua biển, cua thịt hay cua biển lột. Thông qua thực tế nuôi cua hộp thành công, đơn vị sẽ phổ biến đến hộ dân về mô hình này để hộ dân tại các địa phương trên địa bàn thị xã có thể học hỏi làm theo, nhằm phát triển “nghề nuôi cua” một cách bền vững.
Để nuôi cua trong hộp trong bể bạt thành công thì người nuôi cua cần phải nắm rõ đặc tính của con cua biển, điều kiện tự nhiên của vùng đất, thời tiết, khí hậu tại địa phương và nguồn nước dành nuôi cua, đặc biệt là kỹ thuật nuôi (góp phần thành công cho mùa vụ lên đến 80%). Vì vậy, khi muốn phát triển quy trình nuôi cua trong hộp nhựa trong bể bạt hiệu quả, hộ nuôi cần phải tham khảo ý kiến của ngành chuyên môn và học hỏi kinh nghiệm của hộ nuôi trước.
Theo THÚY LIỄU (Báo Sóc Trăng)