Ghé thăm ruộng sen của bà Trần Thị Biệp, ấp Tân Hòa, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, đúng lúc bà đang chuẩn bị xuồng đi thu hoạch gương sen. Nhanh tay bẻ từng chiếc gương sen bỏ lên chiếc xuồng nhỏ, bà Trần Thị Biệp bộc bạch: “Nhờ có mùa nước nổi mà thu nhập gia đình tôi tăng lên đáng kể, thông qua việc đưa cây sen trồng dưới chân ruộng lúa. Tính đến nay, tôi đã trồng sen vào mùa nước nổi hơn 5 năm. Diện tích trồng sen của gia đình là 2ha. Sau thu hoạch xong vụ lúa Đông - Xuân, tôi không xuống giống lúa vụ Hè - Thu, chuyển sang trồng sen dưới chân ruộng để thu hoạch gương sen”.
Bà Trần Thị Biệp, ấp Tân Hòa, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) trồng 2ha sen lấy gương cho thu nhập 150 - 200 triệu đồng/vụ. Ảnh: THÚY LIỄU
Bà Trần Thị Biệp chia sẻ thêm: “Sen xuống giống tầm 3,5 tháng đã thu hoạch gương và việc hái gương sen kéo dài tầm 4 - 5 tháng. Trong suốt các tháng thu hoạch gương sen, cứ cách 3 ngày sẽ thu hoạch gương 1 lần, mỗi đợt thu hoạch tầm 200kg/2ha, giá bán gương sen dao động từ 16.000 - 30.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận tầm 150 - 200 triệu đồng/2ha. Số tiền trên cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa”.
Cũng là hộ đưa sen trồng dưới chân ruộng trong mùa nước nổi, ông Cao Văn Bịch, ấp Tân Hòa, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, cho biết: “Tôi xuống giống sen trồng dưới ruộng lúa là 1ha. Tính đến nay, tôi đã thu hoạch gương sen hơn 3 tháng, cách 2 ngày thu hoạch 1 lần, sản lượng thu về khoảng 100kg/2 ngày (thu hoạch khoảng 4 tháng), ước tính sau mùa vụ thu hoạch gương sen, trừ hết chi phí lợi nhuận thu về 100 triệu đồng. Ngoài trồng sen lấy gương, tôi còn nuôi thêm các loại cá, như: thác lác, sặc rằn, rô phi… trong ruộng sen. Cá nuôi khoảng 6 tháng thu hoạch, đem về số tiền gần 40 triệu đồng. Tôi đang chuẩn bị thu hoạch hết đợt gương sen vào cuối tháng 11/2022 (dương lịch), để xuống lúa vụ Đông - Xuân, đảm bảo theo cơ cấu mùa vụ là 1 vụ trồng sen, 1 vụ trồng lúa”.
Nếu như bà Biệp và ông Bịch trồng sen lấy gương, thì ông Phan Thanh Trí, ấp Tân Hòa C, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, chọn trồng sen lấy củ. Theo lời ông Trí thì việc trồng sen lấy củ nhẹ công chăm sóc, không tốn nhiều chi phí đầu tư, sen xuống giống trong thời gian 3,5 tháng là thu hoạch củ. Với diện tích trồng sen lấy củ 1,5ha, sản lượng thu về ước 20 tấn, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận thu về hơn 250 triệu đồng/3,5 tháng trồng sen.
Ông Phan Thanh Trí chia sẻ: “Trong mùa nước nổi, đối với vùng đất trũng, cây sen được xem là cây trồng phù hợp trồng trong ruộng lúa, vừa tăng lợi nhuận cho nông dân vừa cải tạo đất lúa. Khi cây sen bị mục, lá trở thành nguồn phân hữu cơ, cung cấp cho cây lúa phát triển tốt, góp phần tăng năng suất lúa”.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mỹ Tú Nguyễn Thanh Điền thông tin: "Mỹ Tú là huyện thuộc vùng trũng của tỉnh Sóc Trăng nên hàng năm, trước khi mùa nước nổi về cũng là thời điểm thu hoạch xong vụ lúa Đông - Xuân. Một số xã vùng trũng trên địa bàn huyện, người dân không xuống giống lúa vụ Hè - Thu (do ảnh hưởng thời tiết bất lợi, mưa nhiều trong tháng 4 đến tháng 9, 10 (dương lịch)) mà chuyển sang việc đưa sen trồng trên nền đất lúa. Đến mùa nước nổi tầm tháng 8 (dương lịch), khi con nước ngập trắng xóa cả cánh đồng thì cũng là lúc người dân đã có sen thu hoạch. Thu hoạch gương sen kéo dài đến cuối tháng 11 (dương lịch) trong năm thì toàn bộ diện tích sen trồng trên ruộng lúa sẽ được dọn bỏ để xuống giống lúa Đông - Xuân".
“Theo thống kê, diện tích trồng sen của huyện đạt gần 150ha, trong đó hơn 50% diện tích trồng sen tập trung tại 2 xã Long Hưng và Mỹ Phước. Theo ước tính 1ha trồng sen lấy gương cho thu nhập bình quân 70 - 80 triệu đồng/vụ, sen lấy củ cho thu nhập tầm 200 triệu đồng/ha. Toàn bộ gương sen, củ sen sau thu hoạch được thương lái đến tận ruộng thu mua. Hiện nay đã có doanh nghiệp dự định liên kết bao tiêu đầu ra cho sản phẩm sen của các địa phương trên địa bàn huyện. Vì vậy, nếu được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, huyện sẽ vận động hộ dân mở rộng thêm diện tích trồng sen hơn 200ha, nhằm tạo sản lượng sen lớn, cung ứng đến doanh nghiệp bao tiêu…” - đồng chí Nguyễn Thanh Điền cho biết thêm.
Theo Báo Sóc Trăng