Sóc Trăng: "Tưởng" không phạm tội

06/10/2022 - 08:40

Mọi công dân đều sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; tất cả hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm. Thế nhưng, người bị lừa của, gạt tiền mà vẫn ngơ ngác và nghĩ rằng người lừa mình chỉ là kẻ bất tín chứ không phải tội phạm…

A A

Hơn 3 tháng nay, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng liên tục đưa ra xét xử hàng chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hụi. Hụi là một hình thức huy động vốn phổ biến trong nhân dân và thường phụ nữ tham gia nhiều. Mục đích hỗ trợ nhau trong đời sống giữa những người thân quen, chủ yếu dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau nên chỉ giao kết bằng miệng hoặc ghi chép đơn giản. Nhưng nào ngờ, một số đối tượng lợi dụng việc chơi hụi để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nên việc vỡ hụi xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn. Điểm chung của các vụ án trên, người lừa đảo có xuất phát điểm cũng là tay em và thường tham gia nhiều chân hụi. Khi hốt hụi xong, không có tiền đóng hụi chết nên chuyển qua làm chủ hụi, mở nhiều dây hụi, tham gia nhiều phần hụi và thực hiện các hành vi gian dối, như: ghi tên những hụi viên không có thật nhằm tự hốt các chân hụi; tự ý lấy các phần hụi của các thành viên để lĩnh; gom tiền hụi của các thành viên nhưng không chung chi…

Phiên tòa xét xử vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hụi và các bị hại là những phụ nữ thôn quê, cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật. Ảnh: SỚM MAI

Thủ đoạn đối tượng thực hiện là ban đầu thu hút người chơi bằng cách trả lãi cao và thanh toán sòng phẳng nhằm tạo uy tín. Khi đã gom được số tiền lớn thì tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng chi trả cho người chơi hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản. Mỗi vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hụi có hàng trăm, hàng chục người bị lừa. Lạ ở chỗ, vẫn có người lại cảm thông và không nghĩ đây là hành vi phạm tội. Các vụ án trên thường được tòa án xét xử kéo dài nhiều ngày và trong thời gian đó, tôi bắt gặp một nhóm bị hại đang ngồi ở băng đá tại khuôn viên tòa án. Lân la đến hỏi thăm, một phụ nữ chừng 50 tuổi thật thà bày tỏ quan điểm: “Cũng tội con H, nó đâu có lừa đảo gì. Tại người ta hốt hụi chết không đóng, nó phải lấp dẫn đến thâm hụt nên mới ghi khống để hốt bù vào. Lấp hoài sao chịu nỗi nên mới vỡ hụi. Do kẹt quá, nó làm càn, chứ lúc đầu nó cũng chung chi đủ hết, đâu có lừa đảo…”.

Nói chưa hết câu, một người phụ nữ khác lại xen vào: “Nó hốt phần hụi của tôi mà không chung chi cho tôi là nó không đúng, không giữ chữ tín. Chỉ cần kêu nó trả lại cho tôi là được rồi, sao đến nỗi phải đưa ra tòa?”. Cũng theo người phụ nữ này, khoảng 10 năm trước, chị có tham gia hụi tháng (500.000 đồng) và chị nuôi gần 20 tháng thì vỡ hụi và chủ hụi trốn đi lên Thành phố Hồ Chí Minh làm thuê. Một thời gian sau, về quê và đâu lại vào đó, chẳng phải tội tù gì. Chị cho rằng bị giật hụi là do bản thân không may mắn và người chủ hụi không đủ uy tín để thu gom.

Một người phụ nữ làm nội trợ, thu nhập không ổn định, học chưa hết lớp 7 mà Trương Thị H, cư trú ấp Hòa Trung, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã lừa đảo gần 2 tỷ đồng từ việc kêu gọi chơi hụi nhưng vẫn nhận được sự thông cảm của bị hại bằng vẻ hiền lành. Thực tế, người bị hại lẫn bị cáo đều co ro, khúm núm, gương mặt tái mét khi được hội đồng xét xử gọi tên. Bởi họ là những người phụ nữ thôn quê, chân chất, chỉ biết quanh quẩn với bếp núc, ruộng vườn và chưa bao giờ phải đến các cơ quan pháp luật. Họ rủ nhau tham gia với hy vọng có thể kiếm được một chút tiền lời qua chơi hụi và khi bị giật hụi, có những phụ nữ cho rằng mình “xui” nên có tư tưởng sẵn sàng bỏ qua, trong khi, để có được đồng tiền đóng hụi thì bản thân họ và gia đình phải cực khổ, chắt chiu dành dụm.

Hình ảnh người phụ nữ ngồi thẫn thờ tại tòa, sau khi hội đồng xét xử đã tuyên án khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng. Chị T (ngụ xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng)) thuộc diện khó khăn, chồng đi làm hồ và mỗi tháng chi tiêu tiết kiệm tối đa mới dư khoảng 2 triệu đồng. Thay vì tiền để đó, chị T tham gia chơi hụi để có thể sinh lời và mong muốn nuôi hụi, hốt một lần cất lại căn nhà xiêu vẹo, nào ngờ nay lại trắng tay. Tòa tuyên buộc bị cáo phải trả lại phần tiền hụi đã chiếm đoạt của các thành viên nhưng khi nào chị T sẽ nhận lại tiền đây! “Tôi không cần bà M phải ngồi tù mà chỉ cần bà trả lại tiền là đủ rồi” - chị T nghẹn ngào chia sẻ.

Tại sao hàng loạt những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng chơi hụi khiến rất nhiều người “mất trắng” số tiền lớn đã xảy ra nhưng vẫn có nhiều người chơi hụi một cách “chủ quan”, hậu quả gây ra vẫn không dừng lại? Pháp luật đã quy định về họ, hụi, biêu, phường rất chi tiết, cụ thể. Mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác bảo vệ tiền và tài sản của chính mình, cần xem xét kỹ trước khi quyết định tham gia vào các dây hụi, tránh tâm lý ham lợi trước mắt, dễ trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo dẫn đến “tiền mất, tật mang”.

Theo Báo Sóc Trăng