Tăng nguồn vốn cho ĐBSCL đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu

06/10/2023 - 09:55

Từ nay đến cuối năm 2023 là thời điểm mà các cơ sở và người dân tăng cường sản xuất; trong khi các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nhằm hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Một trong những vấn đề cấp thiết là cần nguồn vốn để sản xuất và xuất khẩu; tuy nhiên nhiều doanh nghiệp kêu than khó tiếp cận, còn ngân hàng thì lại thừa tiền ?

A A

Chế biến cá tra xuất khẩu ở Công ty Cổ phần Nam Việt (An Giang). Ảnh: H.TÂN

Vẫn còn khó tiếp cận vốn

Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), cho hay: “Toàn HTX hiện sản xuất khoảng 1.000ha lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, bên cạnh đó HTX còn làm dịch vụ bơm tiêu thoát nước, xới đất, cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào cho các xã viên. Với nhiều hoạt động như vậy nên mỗi khi vào vụ sản xuất thì HTX cần nhu cầu vốn mấy tỉ đồng, tuy nhiên việc tiếp cận với các ngân hàng không đơn giản, mặc dù Bình Thành là HTX làm ăn hiệu quả từ rất nhiều năm qua”.

Theo các HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, khi muốn vay vốn thì các ngân hàng luôn đòi hỏi tài sản thế chấp, phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, hiệu quả, kèm rất nhiều thủ tục khác. Trong khi đa phần các HTX nông nghiệp không thể đưa ra tài sản thế chấp được, bởi các máy móc (như máy bơm, máy cày, máy cắt lúa…) là của cá nhân xã viên nên cuối cùng đành chịu. Để có vốn hoạt động, lãnh đạo HTX phải huy động những thành viên có nhiều đất canh tác trong HTX để lấy giấy đất của gia đình mình đem đi vay thế chấp, sau đó đưa vốn vào HTX làm ăn. Cách làm này cũng hơi “mạo hiểm” nhưng phải làm vì hiện nay chưa có phương án khác. 

Nhiều doanh nghiệp thủy sản cần nguồn vốn ưu đãi để tăng cường chế biến, xuất khẩu cá tra những tháng cuối năm 2023. Ảnh: H.TÂN

Cùng trăn trở trên, ông Lê Minh Hải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Hưng (xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) bộc bạch: “Chúng tôi đang canh tác hơn 500ha lúa xuất khẩu với gần 330 xã viên tham gia. Khu vực này đồng bào dân tộc Khmer chiếm rất đông, nhiều hộ thiếu vốn và sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên hiệu quả không cao. Mấy năm qua, HTX tích cực hỗ trợ kỹ thuật, giúp bà con thay đổi nhận thức, tập quán; áp dụng mô hình “Cùng nhau sản xuất, cùng nhau chăm sóc và thu hoạch; rồi cùng nhau bán lúa cho thương lái hoặc doanh nghiệp xuất khẩu”. Từ việc làm đồng loạt, quy mô lớn nên hiệu quả tăng lên rõ rệt, lợi nhuận thu về cao hơn ngày trước; qua đó giúp nhiều hộ thoát nghèo vươn lên. Mặt được là vậy, song cái khó lâu nay là việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng khá gian nan. Thế là chúng tôi phải “liệu cơm gắp mắm” bằng việc huy động nội lực và giãn thời gian chia lãi của HTX từ mỗi quý một lần sang hai quý hoặc một năm một lần, để tập trung nguồn vốn đầu tư cho hoạt động”.

Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường (Kiên Giang) bày tỏ khó khăn của ngành thủy sản khi từ đầu năm đến nay xuất khẩu sụt giảm, lượng hàng tồn kho cao, bởi ảnh hưởng tình hình thế giới gặp khó về thị trường. “Để đồng hành cùng doanh nghiệp thủy sản vượt khó, chúng tôi mong các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất, đặc biệt là đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ, tránh lòng vòng mất quá nhiều thời gian. Bên cạnh đó, xem xét tăng nguồn vốn hợp lý để các doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2023”, ông Minh đề xuất.

Ưu tiên vốn cho sản xuất và xuất khẩu

Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 4 liên hiệp HTX với 81 thành viên, 257 HTX với 8.300 thành viên, thu hút 12.659 lao động, vốn hoạt động hơn 493 tỉ đồng. Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh được ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phát vay cho 76 HTX với số tiền 53,5 tỉ đồng để đầu tư trang thiết bị, giống, vật tư nông nghiệp… phục vụ cho nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có 26 HTX được hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao như VietGAP, GlobalGAP, bón phân thông minh, truy xuất nguồn gốc... Số lượng HTX sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng gia tăng và dần trở thành phương thức sản xuất phổ biến nhằm liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp các HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh trong nước và xuất khẩu.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng kinh tế trọng điểm, khu vực phát triển năng động nên ngành ngân hàng đã có nhiều cơ chế chính sách riêng cho vùng này. Cụ thể, trong thời gian gần đây, NHNN đã có văn bản gửi chính quyền địa phương cùng với NHNN chỉ đạo các sở, ngành, các hiệp hội, NHNN chi nhánh các tỉnh và các ngân hàng thương mại trên địa bàn có trách nhiệm tháo gỡ, đẩy mạnh tín dụng. Theo đó, cần giải quyết khó khăn từ hai phía. Một là từ phía doanh nghiệp, làm sao để tạo khả năng hấp thụ vốn hơn nữa của doanh nghiệp, tháo gỡ cho doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa, gia tăng xuất khẩu. Thứ hai là về phía ngân hàng phải sử dụng nhiều biện pháp, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, phải đẩy mạnh tín dụng, tích cực cho vay...

Tính đến cuối tháng 8-2023, dư nợ toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long  đạt trên 1 triệu tỉ đồng, tăng 5,35% so với cuối năm 2022. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn với dư nợ đạt gần 535.000 tỉ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%); chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc. Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo và thủy sản (là thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long) khá tốt. Dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129.000 tỉ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó, dư nợ tín dụng đối với cá tra tăng 10,5%, đối với tôm tăng 8,8%). Dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103.000 tỉ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc. Qua theo dõi số thống kê qua các năm, dự kiến từ nay đến cuối năm 2023 tăng trưởng tín dụng đối với 2 ngành này sẽ tiếp tục tăng nhanh, do yếu tố mùa vụ và nhu cầu xuất khẩu đang được cải thiện. Có thể nói, dòng vốn tín dụng ngành ngân hàng tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của đồng bằng sông Cửu Long theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong vùng.

Tuy nhiên, để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, lưu ý: “Do nhiều bất ổn trên thế giới đã khiến thị trường xuất khẩu thu hẹp làm cho doanh nghiệp chưa sản xuất được nhiều và khả năng hấp thụ vốn còn thấp. Tới đây, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan, cùng các hiệp hội ngành hàng, địa phương… cần giải pháp hỗ trợ về mở rộng thị trường. Khi hàng hóa xuất khẩu được khơi thông, cộng với các ngân hàng đẩy mạnh cho vay thì hoạt động sản xuất những tháng cuối năm sẽ cải thiện”. 

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN yêu cầu các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất, đây là điều kiện tích cực trong việc giảm giá thành, giảm giá đầu vào, trợ lực cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Các ngân hàng cần  thường xuyên kết nối với doanh nghiệp, HTX, các hiệp hội nhằm chia sẻ khó khăn, cũng như tìm phương án giải quyết cụ thể những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải và các đề xuất hợp lý. Quan điểm của NHNN là tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hạ lãi suất, kể cả cho vay cũ và cho vay mới; giảm lãi suất cả nội tệ và ngoại tệ. Cắt giảm phí không cần thiết và nghiêm cấm việc bán bảo hiểm - kèm điều kiện giải ngân. Cần linh hoạt cho vay theo mùa vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường thu mua sản phẩm nông sản cho người dân được kịp thời. Khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp, HTX… quan tâm đến chuyển đổi số nhằm thuận lợi hơn trong hoạt động tín dụng.

Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), cho hay: Agribank cũng đã triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản với quy mô 3.000 tỉ đồng, lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1-2%/năm so với lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Đến nay, doanh số giải ngân đối với lĩnh vực thủy sản đã đạt hơn 900 tỉ đồng với 693 khách hàng. Ngoài ra, để tăng cường hỗ trợ phát triển ngành lúa gạo tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì Agribank đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đẩy mạnh hoạt động dịch vụ ngân hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn thông qua các chương trình, đề án, dự án do bộ quản lý, chủ trì, triển khai thực hiện; trong đó có chương trình “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” - đây là đề án mà Agribank đánh giá cao và là hướng đi bền vững cho ngành lúa gạo, vì vậy Agribank rất mong muốn được đồng hành lâu dài cùng nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp… trong đề án này.

Theo H.TÂN - H.THU (Báo Hậu Giang)