Chợ chiếu Định Yên (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) là một khu chợ độc đáo, tồn tại và phát triển từ hơn một thế kỷ. Manh chiếu, chiếc chiếu, đôi chiếu từ xa xưa đã gắn liền với đời sống người Việt. Hơn thế, nó đã trở thành biểu tượng cho tình cảm của bản thân, gia đình.
Chính những giá trị vật chất và tinh thần đặc sắc này mà tháng 9-2013 Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận làng nghề dệt chiếu Định Yên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thời điểm hưng thịnh và phát triển nhất của làng nghề là vào những năm 80 của thế kỷ 20, chiếu Định Yên đã được xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Liên Xô (trước đây), Campuchia, Thái Lan,... được người tiêu dùng nước ngoài rất ưa chuộng.
Chiếu thành phẩm hoàn thiện, người thợ sẽ bán dao động 25.000 - 50.000 đồng một đôi, tùy theo chất lượng và thẩm mỹ. Chiếu có nhiều loại và đủ mọi kích cỡ.
Để dệt thành một chiếc chiếu, ngoài việc tự dệt, bà con có thể sử dụng máy để cho ra thành phẩm nhanh hơn
Qua bàn tay khéo léo của mình, hàng năm các hộ dân nơi đây đã sản xuất ra hàng triệu sản phẩm chiếu có hoa văn rực rỡ, mịn màng và bền chắc.
Trước đây, làng chiếu Định Yên được biết đến nhiều nhất là Chợ chiếu hay còn gọi là chợ ma, do chợ họp vào ban đêm, kéo dài khoảng 2 giờ, rồi tan chợ.
Lý giải gọi chợ ma, nhiều người cho biết vì ban ngày bận dệt chiếu, thương lái bận đi mua bán nên họp chợ chỉ diễn ra ban đêm. Tuy nhiên, hiện nay, việc dệt chiếu và hình thức mua bán đã có phần thay đổi.
Đây là một nét văn hoá truyền thống đặc sắc của người Định Yên, tuy là chợ nhưng chợ chiếu không giống với bất kỳ loại chợ nào khác trên cả nước.
Theo THANH TÙNG (VOV)