Còn nhiều khó khăn
Khách hàng chọn mua sản phẩm OCOP được làm từ cá tra của gia đình ông Chương Văn Khanh ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Thời gian qua, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT và chuyển đổi số cho sản phẩm OCOP. Đến nay, nhiều chương trình đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP như Chợ phiên OCOP, chương trình livetream Giỏ quà Tết OCOP “Hội tụ giá trị - lan tỏa văn hóa”, hội chợ OCOP “thực tế ảo”... Nhiều chủ thể OCOP và các đơn vị, địa phương cũng tham gia tích cực trong việc đưa sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT như Voso, Postmart, Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Ocopmall... Từ năm 2019 đến nay, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cũng đã nghiên cứu phát triển thí điểm các nền tảng số nhằm hỗ trợ các chủ thể tham gia phát triển TMĐT cho sản phẩm OCOP.
Dù vậy, việc phát triển TMĐT cho sản phẩm OCOP vẫn còn gặp khó do thiếu nguồn nhân lực, trang thiết bị, manh mún thiếu đồng bộ giữa các địa phương. Theo ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn thuộc Bộ NN&PTNT, phát triển TMĐT cho sản phẩm OCOP ở nhiều địa phương hiện còn hạn chế, nhiều chủ thể OCOP gặp khó trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ để phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Một số nơi còn khá lúng túng trong xây dựng, triển khai các giải pháp để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả kênh TMĐT cho sản phẩm OCOP của mình.
Đến nay, cả nước đã có 7.436 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên của hơn 4.060 chủ thể OCOP, trong đó các chủ thể là hợp tác xã chiếm hơn 38%, doanh nghiệp gần 26%, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh hơn 33%, còn lại là tổ hợp tác. Sản phẩm OCOP có bao bì, nhãn hiệu và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp yêu cầu của thị trường… Đặc biệt, có nhiều sản phẩm OCOP là đồ thực phẩm đã qua chế biến và các sản phẩm thảo dược, vải, hàng may mặc, hàng lưu niệm, nội thất và trang trí, có thể bảo quản để được lâu và dễ vận chuyển đi xa. Do vậy, có nhiều thuận lợi để quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ thông qua các website, sàn TMĐT và phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet.
Song, theo nhiều chủ thể OCOP, họ còn hạn chế về trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, khả năng chụp ảnh sản phẩm và viết câu chuyện để cung cấp các thông tin một cách đầy đủ và hấp dẫn cho sản phẩm OCOP. Chủ thể OCOP cũng gặp khó trong xây dựng các website để quảng bá sản phẩm và thiếu nguồn nhân lực để liên tục cập nhật thông tin, tương tác với khách hàng và “trực chiến” bán hàng theo hình thức online.
Cần hỗ trợ
Để giúp các chủ thể OCOP tăng cường quảng bá và tiêu thụ sản phẩm qua kênh TMĐT, nhiều chuyên gia và chủ thể OCOP cho rằng, các địa phương và bộ, ngành Trung ương cần quan tâm công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và đa dạng các sàn TMĐT. Thúc đẩy liên kết, hợp tác, phát triển các “gian hàng OCOP” và hình thức “mua chung và bán chung”, cũng như nâng cao khả năng liên kết, kết nối giữa các địa phương và các sàn TMĐT, website để tạo sức mạnh trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và thu hút khách hàng.
Chị Nguyễn Thúy Kiều, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ba Tre ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, kiến nghị: “Ngành chức năng cần mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cách giao dịch, bán hàng trên các website và sàn TMĐT, đặc biệt là cách xử lý nhanh các đơn hàng. Công ty có 4 sản phẩm OCOP làm từ sen và đã tham gia bán hàng qua kênh TMĐT được 2 năm, hiện kênh TMĐT đã chiếm khoảng 6% trong doanh thu bán hàng của công ty”.
Nói về “điểm nghẽn” chung của các sản phẩm OCOP tại ĐBSCL khi tiếp cận kênh TMĐT, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam, cho rằng: “Đối với nhiều đơn vị, doanh nghiệp tại các trung tâm thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, việc đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT và tạo ra hệ thống bán hàng đa kênh trực tuyến của họ đã khá nhuần nhuyễn. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp và nông dân làm ra sản phẩm OCOP tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL và cả nước nói chung. Khó ở chỗ là chưa sẵn sàng tham gia TMĐT và còn gặp khó về nguồn nhân lực, vật lực, cũng như cả kiến thức và kinh nghiệm để tham gia”.
Theo ông Dũng, hiện có nhiều chủ thể OCOP cho rằng, họ không thể bán hàng qua kênh TMĐT bởi họ chuyên lo sản xuất. Bây giờ bắt họ phải làm rất nhiều khâu từ quảng bá đến giao hàng, tiếp nhận thanh toán... họ rất khó quản trị những việc đó. Do vậy, họ cần có sự liên kết, hợp tác với các đối tác, công ty chuyên làm nhiệm vụ bán hàng cho những người sản xuất. Trên thế giới có trang web Amazon, trên đó có hàng triệu người bán hàng mà những người đó không có cơ sở sản xuất và họ có thể bán rất nhiều loại hàng của nhiều quốc gia. Vì thế, Việt Nam cũng nên tăng cường những hoạt động như vậy. Tới đây, Hiệp hội TMĐT Việt Nam cũng sẽ tích cực phối hợp với các công ty, doanh nghiệp chuyên bán hàng để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP qua kênh TMĐT. Sản phẩm OCOP là sản phẩm rất đặc thù tại mỗi địa phương, mỗi xã, mỗi làng. Mỗi sản phẩm có một câu chuyện và cần có những người kể chuyện để sản phẩm OCOP được “lan tỏa” và bán ra thị trường trong nước và quốc tế. Nhà nước cần có chương trình cụ thể hỗ trợ bằng ngân sách cho hoạt động truyền thông về sản phẩm OCOP.
Theo Báo Cần Thơ