Thủy sản xuất khẩu vẫn tiềm ẩn nhiều biến số

09/03/2023 - 16:27

Không phải chuyện thiếu vốn hay khó tiếp cận tín dụng vì lãi suất cao, mà một trong những nguyên nhân chính khiến ngành thủy sản lâm vào thế khó khăn, doanh thu và lợi nhuận năm 2023 nhiều khả năng sẽ giảm mạnh chính là việc kinh tế toàn cầu đối diện với lạm phát cao, nguy cơ suy thoái, sức cầu giảm, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Chuyển hướng thị trường gần và phát huy lợi thế chế biến sâu để duy trì sản xuất, giữ vững thị phần là giải pháp đang được các doanh nghiệp ngành thủy sản áp dụng để vượt khó. Trong ảnh: Chế biến tôm tại Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta.

Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm và cá tra đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đây là điều không quá bất ngờ với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bởi nó đã được dự báo từ sớm và không thể tránh khỏi. Thậm chí, tình hình trên có thể còn kéo dài cho đến hết quý III-2023. Điều này là hoàn toàn có cơ sở khi các công ty chứng khoán như Rồng Việt hay SSI Research… đều có chung nhận định, hàng tồn kho tại các thị trường lớn của tôm và cá tra Việt Nam phải đến quý III-2023 mới được xử lý hoàn toàn và các đơn hàng mới trong năm cũng chỉ có thể bắt đầu được giao trong khoảng thời gian này. Nhận định này là khá tương đồng với thông tin về thị trường tôm mà ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) trao đổi với người viết vào đầu tháng 2, rằng các hệ thống phân phối lớn đều cho giá tôm giao từ quý III trở đi, nhưng ở mức rất thấp so với giá tôm nguyên liệu trong nước.

Trong tuần cuối của tháng 2, giá tôm khu vực ĐBSCL nhìn chung có sự giảm nhẹ nhưng vẫn đảm bảo một mức lợi nhuận tương đối khá cho người nuôi, nếu đạt năng suất. Tuy nhiên, theo các thương lái, đại lý đang thu mua tôm cho các nhà máy và cả tôm ô xy (tôm tươi sống) tiêu thụ nội địa, từ tháng 3 trở đi cho đến hết tháng 5, giá tôm nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm thêm, chứ khó có thể tăng trở lại như những tháng đầu năm. Cũng theo các đại lý, do từ cuối năm 2022 đến nay, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chịu ảnh hưởng nhiều đợt không khí lạnh, nền nhiệt độ giảm mạnh, nên hầu hết diện tích nuôi tôm vụ Đông đều thiệt hại hoặc chỉ thu hoạch được tôm cỡ nhỏ. Vì vậy, giá tôm sú và tôm thẻ (từ cỡ trung đến cỡ lớn) ở khu vực này cao hơn 100.000 đồng/kg so với giá tôm khu vực ĐBSCL. Đây chính là một trong những nguyên nhân giúp giá tôm duy trì ở mức cao dù hầu hết các nhà máy chế biến đều đã giảm công suất 30-50%.

Trao đổi thêm với người viết về thông tin này, ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản sạch Việt Nam (Sóc Trăng), cho biết điều này còn tùy vào lượng tôm thu hoạch nhiều hay ít, các doanh nghiệp có tìm được hợp đồng mới giá tốt hay không… Theo lịch thời vụ thì hầu hết các vùng nuôi tôm trong tỉnh đều bắt đầu thả tôm từ tháng 12-2022, nên bước sang tháng 3, số diện tích thu hoạch sẽ nhiều hơn so với 2 tháng đầu năm. Ông Phục chia sẻ: “Giả sử, trong trường hợp trúng mùa, lượng tôm thu hoạch nhiều, trong khi các doanh nghiệp vẫn chưa có nhiều đơn hàng mới nên gần như chắc chắn giá tôm sẽ giảm so với hiện tại. Từ tháng 4 trở đi, lượng tôm thu hoạch sẽ tăng dần lên cho đến hết tháng 8 và nếu thị trường vẫn chưa được cải thiện giá tôm sẽ còn giảm mạnh hơn nữa”.

Trái ngược với con tôm, giá cá tra tăng trở lại từ mức 27.000-28.000 đồng/kg lên 30.000-31.000 đồng/kg và được dự báo nhiều khả năng sẽ đạt mức 35.000 đồng/kg trong những tháng tới. Đó là nhờ nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng lên sau khi nước này dỡ bỏ nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt trước đây và cùng với đó là lượng cá tra trong nước không còn nhiều do giá cả giảm thời gian qua, khiến người nuôi không có lời. Ngay cả khi giá cá tra tăng trở lại như hiện nay, tính ra người nuôi cũng chỉ có lợi nhuận khoảng 1.000 đồng/kg. Với mức lợi nhuận này, hầu hết người nuôi cá tra ở Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang đều cho rằng chỉ mới giúp người nuôi thoát lỗ, chứ chưa thể gọi là lời nếu so với lãi suất tiền gửi ngân hàng. Trong khi đó, giai đoạn từ nuôi đến thu hoạch mất từ 8 tháng trở lên, nên hiện người nuôi vẫn đắn đo, cân nhắc liệu có nên thả nuôi tiếp hay không vì ngoài thị trường Trung Quốc, các thị trường lớn khác vẫn đang khá ảm đạm.

Liên quan đến khó khăn về nguồn vốn do khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng lãi suất cao, các doanh nghiệp cho rằng, chỉ có doanh nghiệp nào có cơ cấu vốn tín dụng cao thì mới thật sự gặp khó, còn các doanh nghiệp chỉ sử dụng 15-20% vốn vay tín dụng thì không ảnh hưởng nhiều. Giám đốc một doanh nghiệp không muốn nêu tên, cho biết: “Trong thời điểm hiện tại, cho dù có tiền, có tôm nhiều cũng đâu có doanh nghiệp nào dám đẩy mạnh thu mua, tăng công suất chế biến. Nguyên nhân là giá tôm trong nước hiện đang rất cao, giá xuất thì thấp, đơn hàng thì gần như bằng không. Trong khi đó, nguyên tắc gần như bất di, bất dịch là: doanh nghiệp chỉ thu mua dự trữ khi tôm nhiều, giá rẻ, lãi suất vừa phải và nhất là phải nhìn thấy được tín hiệu khả quan từ thị trường trong 1-3 tháng tới. Vì vậy, theo tôi, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là ở sức tiêu thụ giảm mạnh do tác động từ lạm phát. Khi nhu cầu tăng trở lại, tự khắc doanh nghiệp sẽ tìm được vốn và người nuôi sẽ đẩy mạnh diện tích thả nuôi”.

Trước tình hình khó khăn chung, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phần lớn đều chọn giải pháp cơ cấu lại thị trường theo hướng chuyển mạnh về thị trường gần, như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc… và phát huy lợi thế chế biến sâu để duy trì thị phần, tránh giảm sâu doanh số và lợi nhuận. Đây là bước đi được đánh giá là phù hợp, nhất là đối với doanh nghiệp ngành tôm, nhưng theo các doanh nghiệp, với giá tôm và lãi suất tín dụng trong nước cao như hiện nay, cùng với tình hình lạm phát diễn ra toàn cầu, rất khó để doanh nghiệp có thể tăng thêm công suất chứ đừng nói tới chuyện mở rộng sản xuất. Riêng đối với doanh nghiệp cá tra, dù thị trường Trung Quốc khởi sắc trở lại, nhưng nhìn chung vẫn khó có thể tạo nên đột biến, đặc biệt là ở giá tiêu thụ, nên doanh nghiệp cũng khó có điều kiện để hỗ trợ nhiều hơn về giá cho người nuôi nhằm giúp gia tăng diện tích, sản lượng như kỳ vọng.

Theo Báo Cần Thơ