Chuyển đổi số, bước đi quan trọng của ngành Ngân hàng.
Tăng trưởng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 đạt mức khá tốt, tỷ lệ nợ xấu thấp, cho thấy nguồn vốn đã được hấp thụ, mạch máu lưu thông tín dụng đã được vận hành lành mạnh, an toàn
TĂNG TRƯỞNG AN TOÀN, HIỆU QUẢ
Khởi đầu của năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam xác định điều hành tín dụng nhằm tập trung hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Theo đó, NHNN chi nhánh Tiền Giang cũng thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội.
Đồng thời, đa dạng sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp, đối tượng tại vùng nông thôn, góp phần hạn chế tín dụng đen.
NHNN chi nhánh Tiền Giang cũng đã triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 ngày 20-5-2022 của Chính phủ và Thông tư 03 ngày 20-5-2022 của NHNN Việt Nam.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng, NHNN chi nhánh Tiền Giang đã tích cực triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Nhờ vậy, tín dụng các ngành đều tăng ngay từ đầu năm và tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, 2021 và cùng kỳ nhiều năm gần đây, hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện các chủ trương chung, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng đã tập trung dồn lực để góp phần phục hồi kinh tế - xã hội.
Phó Giám đốc Agribank Tiền Giang Trương Văn Đoàn cho biết, tổng nguồn vốn huy động của chi nhánh đến ngày 31-12-2022 đạt 26.427 tỷ đồng, tăng 8,9%; tổng dư nợ cho vay đạt 15.763 tỷ đồng, tăng 8,5%; đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho khách hàng, nhất là những tháng cuối năm, sau khi được điều chỉnh chỉ tiêu dư nợ từ hội sở.
Các chỉ tiêu nợ xấu, thu nợ xử lý rủi ro, tài chính đều đạt và vượt kế hoạch. “Trong năm 2022, chi nhánh cũng triển khai thực hiện rất nhiều Chương trình tín dụng ưu đãi nhằm thực hiện chủ trương chung của Chính phủ và ngành như: Chương trình cho vay ưu đãi lãi suất đối với khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covd-19, cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng cá nhân, giảm lãi suất cho vay theo Nghị quyết 43 của Quốc hội khóa XV, Chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ…” - ông Trương Văn Đoàn cho biết.
Nằm trong xu thế chung, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Tuyết cho biết, công tác huy động vốn của chi nhánh cũng tăng hơn 11%, dư nợ tín dụng cũng tăng khoảng 31% so với cuối năm 2021.
“Tín dụng huy động tăng cũng cho thấy dòng tiền ngoài xã hội dần chuyển về các ngân hàng do các lĩnh vực khác như bất động sản, chứng khoán còn mang tính đột biến và bất thường; việc thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng đã có sự tăng trưởng đáng kể. Đặc biệt, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân tăng cao nên Vietcombank Tiền Giang đã đạt mức tăng trưởng dự nợ cao nhất trong 5 năm gần đây, với mức tăng 31%” - bà Nguyễn Thị Tuyết cho biết.
HƯỚNG VỐN VÀO SẢN XUẤT, KINH DOANH
Năm 2022 có nhiều khó khăn nhưng nhìn chung ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng, kịp thời hỗ trợ nguồn lực cho người dân và doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế. Theo đó, đến cuối năm 2022, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 87.737 tỷ đồng, tăng 10,38%; tổng dư nợ cho vay đạt 86.028 tỷ đồng, với 238.131 khách hàng còn dư nợ, tăng hơn 19,6%, bình quân tăng 1,52%/tháng và tăng trưởng dư nợ cao hơn 7,86% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng nhu cầu vốn cho 1.141.561 lượt khách hàng vay vốn, với doanh số cho vay lũy kế đạt 155.421 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng được kiểm soát tốt, chỉ chiếm 0,68%/tổng dư nợ, giảm 0,37% so với cuối năm 2021. Ngành Ngân hàng cũng đặt ra mục tiêu năm 2023: Tổng nguồn vốn huy động tăng 8%, tổng dư nợ bằng hoặc cao hơn định hướng của NHNN, nợ xấu dưới 3%.
Theo NHNN chi nhánh Tiền Giang, ngoài việc tập trung thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam về thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 cũng như thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất, phí cho vay; huy động hiệu quả các nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế, đảm bảo đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp, lãnh đạo NHNN chi nhánh Tiền Giang cho biết, về công tác tín dụng, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện chủ trương tăng trưởng tín dụng hợp lý, kiểm soát và xử lý nợ xấu; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; xem xét ưu tiên cấp tín dụng theo danh mục phân loại dự án xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư bất động sản, chứng khoán…
Nhấn mạnh về những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2023, Giám đốc NHNN chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm cho biết, năm 2023 toàn ngành sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm: Quán triệt nhiệm vụ năm 2023 theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam; chấp hành nghiêm trần lãi suất huy động và cho vay; đáp ứng tốt nhu cầu vốn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phấn đấu theo định hướng của NHNN Việt Nam; tiết giảm chi phí hoạt động nhằm góp phần giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp; mở rộng nguồn vốn an toàn, tín dụng xanh hợp lý và kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực có nhiều rủi ro…
Theo T.A (Báo Ấp Bắc)