Tiền Giang: Nông sản bước lên sàn thương mại điện tử

23/10/2023 - 14:25

Thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang có nhiều chương trình phối hợp hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) nhằm quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

A A

NHIỀU CƠ HỘI MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG

Với mục tiêu giúp doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ sản xuất nông nghiệp của tỉnh có thêm cơ hội tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, thời gian qua, tỉnh đặc biệt chú trọng đẩy mạnh TMĐT.

Theo đó,  trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Công thương tổ chức các cuộc họp bàn về việc phối hợp vận hành Sàn giao dịch điện tử (GDĐT) tỉnh Tiền Giang và phần mềm “Ứng dụng TMĐT trong kết nối tiêu thụ và chế biến trái cây chủ lực của tỉnh Tiền Giang”; tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng kinh doanh TMĐT; liên kết giữa Sàn GDĐT tỉnh Tiền Giang với Sàn TMĐT tỉnh Thái Nguyên.

Đến nay, Sàn GDĐT tỉnh Tiền Giang đã liên kết được với 4 tỉnh (Kiên Giang, Trà Vinh, Quảng Bình, Thái Nguyên); đồng thời, theo dõi, cập nhật thông tin, đăng tải sản phẩm lên Sàn GDĐT Tiền Giang; hướng dẫn các DN, HTX đăng ký tài khoản và sử dụng trên Sàn GDĐT Tiền Giang; đưa thông tin xuất nhập khẩu về mặt hàng nông, thủy sản chủ lực hằng tháng lên website UBND tỉnh Tiền Giang, website Sở Công thương, Sàn GDĐT Tiền Giang, đồng thời gửi thông tin cho các DN qua email.


Sơ chế rau tại HTX Rau an toàn Tân Đông.

Theo Sở Công thương, từ khi chính thức triển khai hoạt động (từ tháng 5-2021) đến nay, Sàn GDĐT Tiền Giang đạt được 101.273 lượt truy cập; nhận được sự quan tâm tham gia từ 79 DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia. Có 177 tài khoản cá nhân đăng ký trên Sàn.

Số sản phẩm trên Sàn là 112 sản phẩm, chủ yếu là hàng thực phẩm, sản phẩm chế biến, sản phẩm OCOP và hàng nông sản. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cập nhật thông tin hữu ích lên Sàn đều đặn hằng tháng về thông tin thị trường xuất khẩu…

Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh bán hàng qua phương thức cũ, trong thời gian qua tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh bán hàng qua các kênh TMĐT, nhất là các sàn TMĐT như VOSO, POSTMART, sàn giao dịch Tiền Giang…

Thực hiện Kế hoạch 2214 ngày 9-6-2023 về chuyển đổi số của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao các đơn vị phối hợp đưa các sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT. Kết quả đến nay, có trên 1.000 hộ sản xuất nông nghiệp đăng bán sản phẩm trên các sàn TMĐT, trong đó có 125/203 sản phẩm OCOP (đạt trên 60% tổng sản phẩm OCOP).

Việc kết hợp giữa phương thức bán hàng truyền thống và bán hàng qua các sàn TMĐT đã thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy phát triển giao dịch TMĐT, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong GDĐT.

Bên cạnh đó, việc bán hàng qua các sàn TMĐT giúp DN, HTX giảm chi phí trong sản xuất, phân phối sản phẩm; tạo điều kiện quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản. Từ đó tăng khả năng liên kết và chia sẻ thông tin giữa các DN, nhà cung cấp, nhà phân phối và khách hàng góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.

ĐẨY MẠNH KẾT NỐI, HỖ TRỢ DN, HTX

Các DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng chủ động tham gia sàn giao dịch TMĐT để trao đổi, mua bán và xây dựng website quảng bá thương hiệu, sản phẩm và bước đầu đã cho thấy hiệu quả, kể cả những mặt hàng nông sản vốn khó tiếp cận TMĐT do điều kiện về bảo quản, vận chuyển...

Ông Trần Văn Bương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Rau an toàn Tân Đông (huyện Gò Công Đông) chia sẻ, thời gian đầu, HTX chưa nắm bắt quy trình bán hàng, quảng bá nên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, ngoài việc phân phối thông qua kênh truyền thống, HTX còn đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng, đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, giúp sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến.

“HTX kinh doanh TMĐT bước đầu cũng gặp khó khăn, do đặc thù mặt hàng rau, củ rất dễ bị héo. Khách hàng đặt mua số lượng nhỏ lẻ nên cũng khó. Sau này khách biết nên đặt sản lượng lớn” - ông Trần Văn Bương chia sẻ thêm.

Còn anh Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc HTX SXTM Nông nghiệp Bình Phan (huyện Chợ Gạo) cho biết, ngành nghề kinh doanh chủ yếu của HTX là sản xuất, chế biến sản phẩm trà từ trái mãng cầu Xiêm. So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn TMĐT đã mở thêm cơ hội mới, giúp HTX, người kinh doanh và hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp các vùng, miền.

Giám đốc Sở Công thương Lưu Văn Phi thông tin: Thời gian tới, Sở tiếp tục triển khai kế hoạch kết nối cung cầu trực tuyến trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2024 - 2025. Sở nắm bắt và triển khai các ứng dụng TMĐT trong thực tiễn nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả; thực hiện kết nối website Sàn GDĐT Tiền Giang với các cổng thông tin kết nối cung cầu và các sàn TMĐT trong và ngoài tỉnh; nâng cấp Ứng dụng TMĐT trong kết nối tiêu thụ và chế biến trái cây chủ lực của tỉnh Tiền Giang (App TienGiangTrade).

Đồng thời, phối hợp với các sàn TMĐT nổi tiếng như Amazon, Tiki… xây dựng các chương trình để quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh trên môi trường TMĐT; tổ chức hoạt động gặp gỡ, kết nối DN với các sàn TMĐT để hướng dẫn DN, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh cách triển khai tham gia quảng bá, giới thiệu và thúc đẩy bán hàng trên các sàn TMĐT...

Theo LÝ OANH (Báo Ấp Bắc)