Tìm hướng đi căn cơ cho vựa lúa ÐBSCL

26/06/2023 - 09:01

Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL" được xem là sự thay đổi to lớn đối với ngành lúa gạo, tại vựa lúa lớn nhất cả nước. Chúng tôi, có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về tính cấp thiết và quan trọng của đề án này.

► Thưa ông, thời gian qua Bộ NN&PTNT đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến của các bộ ngành chức năng, các tỉnh, thành ĐBSCL, nhiều chuyên gia, các tổ chức quốc tế… về định hướng phát triển một triệu héc-ta lúa chất lượng cao, xin ông cho biết tầm quan trọng của đề án này?

- Sản xuất lúa gạo có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, bởi không chỉ đóng góp vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn hỗ trợ cho phát triển kinh tế. Ước tính sản lượng lúa gạo trung bình mỗi năm của nước ta khoảng 26-28 triệu tấn gạo, trong đó khoảng 20 triệu tấn được dành cho tiêu thụ trong nước. Xét về mặt kinh tế, ngành lúa gạo gần đây có bước phát triển và đạt nhiều kết quả, khi nước ta luôn là một trong những quốc gia có lượng gạo xuất khẩu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành hàng lúa gạo vẫn còn những hạn chế cần khắc phục nhằm hướng tới sản xuất bền vững và hiệu quả. Thu nhập của nông dân trồng lúa còn thấp do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều, chưa phát huy các giá trị tiềm năng của sản phẩm lúa gạo. Còn thiếu các vùng chuyên canh lúa quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác giữa người trồng lúa với hợp tác xã và doanh nghiệp. Các biện pháp canh tác vẫn chưa bền vững, nông dân còn sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tài nguyên nước. Vì vậy, nếu hệ thống canh tác hiện tại tiếp tục được duy trì thì sẽ gây nguy cơ suy giảm tài nguyên, lãng phí đầu vào và đặc biệt là gây ảnh hưởng đến môi trường, cũng như khiến cho quá trình biến đổi khí hậu xảy ra nhanh hơn bởi lượng phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp của Việt Nam chiếm 18% tổng lượng phát thải cả nước; riêng lượng phát thải từ trồng lúa chiếm đến 48% phát thải từ nông nghiệp. Do đó, việc "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, giảm phát thải vùng ĐBSCL", có ý nghĩa trong việc hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ, đáp ứng mục tiêu nâng cao giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo, cải thiện thu nhập cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao; giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi

khí hậu…

► Với mong muốn đó thì việc sản xuất lúa gạo tới đây cần được chuyển đổi sang tư duy kinh tế gắn nhu cầu thị trường; đồng thời xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp nhằm đáp ứng tình hình phát triển mới?

- Đúng vậy. Ngành lúa gạo ở ĐBSCL hiện nay chưa thoát khỏi điểm nghẽn "đất đai manh mún, quy mô nhỏ lẻ, sản xuất tự phát". Vì thế, phải hướng tới mục tiêu tổ chức lại sản xuất, hình thành các tổ chức nông dân, ưu tiên phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tạo dựng hệ sinh thái ngành hàng có sự tham gia của Hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ, đồng hành nâng cao năng lực cộng đồng. Để thay thế cho tư duy sản xuất nông nghiệp, dựa trên năng suất, sản lượng, tới đây sẽ kết hợp giữa sản lượng và nâng cao chất lượng. Yêu cầu chất lượng cần bảo đảm các tiêu chí chuẩn hóa về giống, quy trình canh tác, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc… Chúng tôi cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng tích hợp đa giá trị, gắn với mô hình tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

Cần thấy rằng sản xuất, kinh doanh lúa gạo vùng ĐBSCL ít nhiều còn mang tính phân mảnh, trong khi xu hướng thế giới dần hướng tới nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Vì vậy, để chuyên nghiệp hóa ngành hàng lúa gạo cần hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, nâng cao tri thức cho nông dân, nâng cao năng lực quản trị của các hợp tác xã nông nghiệp đủ năng lực để liên kết bền vững với doanh nghiệp…

Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ nông dân về canh tác lúa hiện đại.

►Một thời gian dài mô hình "cánh đồng lớn" rất được kỳ vọng, tuy nhiên do sự liên kết giữa các bên liên quan thiếu chặt chẽ nên mô hình phát triển chưa tương xứng. Rút kinh nghiệm trên, lần này Bộ NN&PTNT đặt ra sự liên kết thế nào để đảm bảo tính hiệu quả, thưa ông?

- Vượt qua việc bị chia cắt không gian sản xuất bởi địa giới hành chính, lần này chúng tôi mở ra các mục tiêu liên kết ngành hàng lúa gạo trong vùng. Cụ thể, từ không gian liên kết cấp vùng sẽ hình thành các cụm liên kết ngành lúa gạo; xây dựng các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện, liên huyện, cấp vùng… Các trung tâm này có chức năng khuyến nông, hỗ trợ nông dân tiếp cận cơ giới hóa, hướng dẫn ứng dụng chuyển đổi số, quảng bá, kết nối thị trường, kiến thức kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn, kỹ năng giúp nâng cao năng suất lao động… Chúng tôi cũng phác thảo mục tiêu tạo ra không gian phát triển rộng hơn, bao trùm hơn. Khi đó sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, tăng thêm thu nhập cho người trồng lúa bằng những ngành nghề khác trong khu vực kinh tế nông thôn. Người trồng lúa thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sẽ tham gia tích cực hơn, chủ động hơn vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo ở những công đoạn phù hợp, nhờ chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp, các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ.

Cần hướng tới đa mục tiêu, nhưng cách thức vận hành, xác lập bước đi phải cụ thể, tiến độ cụ thể, có thể đo lường, đánh giá theo từng thời điểm, điều chỉnh linh hoạt theo thị trường trong ngắn hạn nhưng phải kiên trì thực hiện mục tiêu trong dài hạn. Hơn hết, cần thấu hiểu rằng việc "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL", là sự tích hợp đa dạng nhiều yếu tố; trong đó nông dân có năng lực hợp tác là trung tâm, doanh nghiệp có vai trò liên kết, kết nối dẫn dắt thị trường; các chuyên gia, nhà khoa học khuyến nghị, hướng dẫn ứng dụng chuẩn hóa; Nhà nước với vai trò khởi tạo và hỗ trợ bằng cơ chế chính sách; địa phương có vai trò tích hợp, lồng ghép các nguồn lực và nhất là sáng tạo trong triển khai thực hiện…

► Xin cảm ơn ông.

Ngân hàng Thế giới sẽ tham gia phát triển một triệu héc-ta lúa chất lượng cao

Theo Bộ NN&PTNT, việc phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh ở ĐBSCL đang nhận được quan tâm tích cực của các địa phương trong vùng, cùng các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo, các tổ chức quốc tế, nhất là Ngân hàng Thế giới (WB)… Theo dự kiến tới năm 2025 sẽ thực hiện đạt 719.000ha lúa chất lượng cao gắn tăng trưởng xanh và đến năm 2030 đạt hơn 1 triệu héc-ta.

Ông Li Gou - chuyên gia cao cấp của WB đánh giá, thời gian qua ở các địa phương ĐBSCL có kinh nghiệm sản xuất lúa gạo khá tốt, nhất là thực hiện dự án VnSAT (một dự án lớn về lúa gạo, do WB tài trợ) rất hiệu quả. Vì vậy, WB tin rằng khi thực hiện một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh sẽ góp phần tăng thu nhập cho nông dân thêm khoảng 20% qua cải thiện về năng suất, chất lượng và giảm chi phí sản xuất; năng lực cạnh tranh của sản xuất lúa cũng được nâng cao; đặc biệt là tình trạng ô nhiễm và khí thải sẽ được giảm thiểu, hệ sinh thái nông thôn được phục hồi… Từ những dấu hiệu tích cực đó, WB sẵn sàng và mong muốn tham gia.

Theo PHƯỚC BÌNH (Báo Cần Thơ)